Quản lý Uber, Grab như taxi: Người tiêu dùng sẽ chịu thiệt

| Thị trường
Xếp hạng 4.2 - 9 đánh giá

Việc đưa loại hình vận tải ứng dụng công nghệ như Grab, Uber về quản lý như taxi truyền thống sẽ khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi.

Từ khi Uber và Grab vào thị trường Việt Nam, taxi truyền thống đã nhiều lần đổ lỗi, do loại hình vận tải công nghệ này mà các hãng thua lỗ, khách hàng sụt giảm. Tuy vậy, không nhiều hãng dám nhìn nhận thẳng vào vấn đề, là do kinh doanh theo kiểu taxi truyền thống đã dần lạc hậu, người tiêu dùng không còn đặt niềm tin và tìm đến như trước kia.

Đưa cái mới "nhốt" vào khung quản lý

Tại một cuộc họp lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/NĐ-CP, ông Phan Đức Hiếu,  Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã cho rằng, tranh luận về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải ô tô là cần thiết nhưng không nên đưa ra chính sách, công cụ quản lý, siết chặt doanh nghiệp.

Quản lý Uber, Grab như taxi: Người tiêu dùng sẽ chịu thiệt

Người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi nếu quản lý Uber, Grab như taxi truyền thống

“Thị trường xuất hiện cái mới, đáng lẽ chính sách phải làm thế nào để phát triển cái đó lên nhưng chúng ta lại đưa cái mới “nhốt” vào khung quản lý. Dương như chúng ta chưa có khái niệm lấy cái mới để xây dựng chính sách nhằm xóa bỏ phương thức cũ đã lỗi thời, lạc hậu. Không nên hạn chế phương thức kinh doanh mới bởi như vậy là cố gắng bó buộc nó trong chiếc áo cũ đã chật. Cần đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Không được hạn chế sự sáng tạo và cạnh tranh”, ông Phan Đức Hiếu bình luận.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chính sách quản lý vận tải mới nhìn từ phía quản lý chứ không nhìn từ phía cầu. Bên cạnh đó, nhiều nội dung tại dự thảo cũng vẫn thể hiện tư duy quản lý theo cách cấm đoán hoặc hạn chế quyền kinh doanh của một số loại hình doanh nghiệp (kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử, các hộ kinh doanh vận tải) trong khi bảo hộ cho một số loại hình khác như doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải.

“Đó là hành vi phản cạnh tranh, đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng bởi đáng ra họ phải được tự do chọn lựa và sử dụng những phương thức kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của mình. Mặt khác, cấm đoán hoặc hạn chế sử dụng các công cụ điện tử cũng đi ngược lại chủ trương của Nhà nước về khuyến khích ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, bà Phạm Chi Lan bày tỏ.

Định danh để quản lý

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nhận định, taxi truyền thống còn nhiều vấn đề nội tại cần thay đổi. Nhiều công ty taxi đổ lỗi cho Grab, Uber khiến làm ăn thua lỗ là chưa thỏa đáng. Các doanh nghiệp taxi nên lập tức đổi mới công nghệ, cách thức phục vụ khách hàng thay vì chỉ than khó và đổ lỗi.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cái khó hiện nay của Bộ GTVT là phải định danh được Grab và Uber là loại hình kinh doanh gì và khi làm được rồi thì sẽ có biện pháp để quản lý.

“Đừng vì chưa định danh được mà không tạo điều kiện cho họ (Uber-Grab) hoạt động. Tạo môi trường cạnh tranh thật bình đẳng, không vì taxi truyền thống lạc hậu, không thay đổi mà lại quản lý như nhau. Làm sao vừa đảm bảo đáp ứng công nghệ hiện đại, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và vừa phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng”, chuyên gia Ngô Trí Long nói. Cũng theo chuyên gia này, quản lý Grab và Uber như taxi truyền thống là rất bất hợp lý, không đảm bảo môi trường bình đẳng; không phát triển được loại hình vận tải áp dụng công nghệ mới.

Liên quan đến yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT đưa Uber và Grab về quản lý như taxi truyền thống, lái xe Grab Vũ Văn Long cho biết, anh vốn có thâm niên lái taxi 4 năm, sau khi có Grab thì anh chuyển sang loại hình này.

“Với Grab, tôi thấy mình được chủ động hơn, làm chủ mọi thứ chứ không kiểu nửa làm thuê, nửa làm ông chủ như lái taxi, mà cũng không bị ràng buộc bởi quá nhiều thứ quy định không cần thiết hoặc dễ nảy sinh tiêu cực, thu nhập của tôi cao hơn nhiều so với lái taxi. Tôi không thể đồng tình với Bộ trưởng”.

Tương tự, lái xe Grab Trần Văn Hùng bày tỏ, cước taxi truyền thống cao vì phải chịu nhiều loại phí, nhất là phí quản lý. “Nếu quản lý Grab, Uber như taxi truyền thống thì chẳng khác bỏ tất cả vào một rọ… Một loại hình vận tải ứng dụng công nghệ có nhiều ưu điểm như vậy lại quản lý như taxi truyền thống thì chẳng khác nào muốn “xóa sổ” nó”, lái xe Trần Văn Hùng nhìn nhận.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay