Grab lên tiếng về cáo buộc đòi bồi thường 42 tỷ đồng của Vinasun

| Thị trường
Xếp hạng 3.8 - 9 đánh giá

Sáng ngày 6-2, tại Tòa án nhân dân TP.HCM, hãng taxi Vinasun đã đòi Grab Việt Nam bồi thường thiệt hại 42 tỷ đồng. 

Hôm qua, 6/2/2018, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã có phiên xét xử sơ thẩm đầu tiên vụ Vinasun kiện Grab Việt Nam đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với khoản lợi nhuận bị sụt giảm hơn 40 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017.

Vinasun cho rằng khoản lợi nhuận bị sụt giảm này là do hoạt động kinh doanh trái pháp luật ở Việt Nam và vi phạm luật Cạnh tranh của Grab Việt Nam gây ra.

"Chúng tôi khẳng định, cáo buộc và yêu sách của Vinasun là hoàn toàn chưa thuyết phục và không hợp lý", đại diện Grab Việt Nam nhấn mạnh.

Grab lên tiếng về cáo buộc đòi bồi thường 42 tỷ đồng của Vinasun

Vinasun đòi Grab Việt Nam bồi thường 42 tỷ đồng

Theo đó, Grab cho rằng, việc triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử (dịch vụ GrabCar) của Grab Việt Nam được thực hiện theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ GTVT ban hành sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, ngoài Grab Việt Nam, còn có 9 đơn vị khác cùng tham gia thí điểm (trong đó có Vinasun). Phía Vinasun cũng thừa nhận, Vinasun chỉ thực hiện nghiên cứu, phân tích tình hình hoạt động kinh doanh của Grab Việt Nam mà không thực hiện với các đơn vị còn lại.

Thứ hai, Grab Việt Nam luôn nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có cả pháp luật cạnh tranh. Cáo buộc của Vinasun cho rằng Grab Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh, nhằm triệt hạ Vinasun là không có cơ sở và cố tình làm dư luận hiểu sai vấn đề.

Thứ ba, tại tòa, Vinasun khẳng định đơn vị này vẫn có doanh thu, lợi nhuận vẫn tăng trưởng đều, năm sau cao hơn năm trước. Đơn vị này cũng thừa nhận rằng việc có mặt của Grab Việt Nam chỉ là một trong nhiều lí do khiến số đầu xe của đơn vị này bị sụt giảm và Vinasun né tránh không thừa nhận chất lượng dịch vụ hành khách cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi lựa chọn sử dụng nhà cung cấp dịch vụ vận tải của người tiêu dùng.

Do đó, không thể khẳng định là hoạt động của Grab Việt Nam nói riêng và của các đơn vị tham gia thí điểm xe hợp đồng điện tử nói chung là nguyên nhân làm cho Vinasun bị thua lỗ.

Thứ tư, Grab Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Gần đây nhất, kết quả thanh tra 3 năm hoạt động 2014-2016 được công bố trong họp báo thường kì ngày 27-10-2017 cho thấy, kỳ kê khai thuế 10 tháng đầu năm 2017 Grab đã nộp Ngân sách Nhà nước một khoản nghĩa vụ thuế tổng cộng là 142.355.182.448 đồng. Vì vậy, cáo buộc Grab Việt Nam vi phạm nghĩa vụ thuế là một cáo buộc vô căn cứ và làm sai lệch thông tin về Grab Việt Nam, và làm méo mó hình ảnh về cơ quan quản lý thuế.

Thứ năm, Grab Việt Nam khẳng định: dịch vụ Grab hoạt động hợp pháp theo Luật Giao dịch điện tử và Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử. Theo đó, Bộ Công Thương đã xác nhận đăng ký ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử của Grab với phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Cáo buộc của Vinasun về việc Grab Việt Nam vi phạm pháp luật, làm rối loạn thị trường giao thông vận tải là hoàn toàn sai, và làm dư luận hiểu sai về các dịch vụ hoàn toàn hợp pháp của Grab Việt Nam.

Grab Việt Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn hoá thị trường lớn như Vinasun, giả sử có giảm sút về doanh thu hoặc lợi nhuận, các doanh nghiệp này nên tập trung nghiên cứu, đổi mới cách thức kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ, quản lý doanh nghiệp, đặc biệt cần chú trọng đầu tư vào công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để cải thiện năng lực cạnh tranh nhằm đem lại những tiện ích tốt nhất cho khách hàng cũng như sự phát triển của xã hội, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ toàn cầu.

Thuỷ Trúc (ANTĐ)

SourceXeHay