Uber, Grab đánh bạt thị trường taxi, nhưng khó dựng rào cản để cấm đoán
Sau 2 năm thực hiện thí điểm về hợp đồng điện tử của taxi công nghệ, Uber, Grab và taxi truyền thống vẫn ở 2 chiến tuyến. Các chuyên gia cho rằng, cuộc “đại chiến” này “không đếm xỉa” đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Taxi Truyền Thống tiếp tục than khó
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay, taxi truyền thống đang quá khó khăn vì bị bó buộc bởi quá nhiều điều kiện kinh doanh. “Các điều kiện kinh doanh không công bằng giữa taxi truyền thống và Uber, Grab. Đơn cử, các doanh nghiệp phải khám sức khỏe thường kỳ cho lái xe, mất nhiều thời gian, chi phí, trong khi các doanh nghiệp Uber, Grab thì không”, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng nói.
Vì những ràng buộc này mà taxi truyền thống không cạnh tranh nổi với Taxi Công Nghệ và ngày càng trở nên teo tóp. Hiện Hà Nội chỉ còn 15.000 taxi thay vì con số 25.000 như 5 năm trước. Phía doanh nghiệp taxi truyền thống cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đều coi loại hình kinh doanh như Uber, Grab là kinh doanh taxi. Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã đưa ra phán quyết Uber là công ty vận tải và phải tuân thủ quy định trong ngành vận tải. Văn bản 9299/BCT-PC ngày 7-10-2017 gửi văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Uber, Grab nên được xác định là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải.
Ông Nguyễn Công Hùng đề xuất tiếp tục “cởi trói” cho taxi truyền thống, có các quy định công bằng hơn giữa các loại hình vận tải. Ngoài ra, nên có một loại biển số màu vàng cho các xe kinh doanh trên đường phố, giống như xe Nhà nước có biển số màu xanh, xe quân đội có màu đỏ…
Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM , 2 năm qua thực hiện chương trình thí điểm của Bộ GT-VT về hợp đồng điện tử của taxi công nghệ, Uber, Grab đã khuynh đảo, thao túng gần như hoàn toàn thị trường taxi Việt Nam, đã và đang đẩy rất nhiều hãng taxi ở Việt Nam đi đến giải thể phá sản. Theo Luật Cạnh tranh, một doanh nghiệp khi chiếm lĩnh trên 30% thị trường sẽ bị quy kết là kinh doanh độc quyền. “Hiện tại Uber và Grab đều đã chiếm lĩnh trên 70% thị trường taxi ở Việt Nam, liệu đã có thể coi là kinh doanh độc quyền?”, Hiệp hội Taxi TP.HCM đặt câu hỏi.
Khách hàng có quyền lựa chọn loại hình vận tải họ muốn
Đổ lỗi cho Uber, Grab là chưa thỏa đáng?
Không đồng tình với đánh giá nêu trên của Hiệp hội Taxi về taxi công nghệ, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Bản thân taxi truyền thống còn nhiều vấn đề nội tại cần thay đổi. Nhiều công ty taxi đổ lỗi cho Grab, Uber khiến làm ăn thua lỗ là chưa thỏa đáng”. Theo ông Bùi Danh Liên, các doanh nghiệp taxi nên lập tức vào cuộc đổi mới công nghệ, cách thức phục vụ khách hàng thay vì chỉ than khó.
Mới đây, Bộ GT-VT đã lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô nhằm thay thế Nghị định 86 được ban hành từ năm 2014, trong đó đề cập đến cách thức quản lý loại hình taxi công nghệ. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, dự thảo Nghị định mới không khác gì Nghị định đã có từ 4 năm trước, chủ yếu vẫn nêu lên sự bất cập trong quản lý.
Nói về dịch vụ Uber, Grab, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ rõ: Chương V dự thảo về quy định cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu cũng thể hiện sự tiếc nuối, duy trì cách thức và công cụ quản lý Nhà nước cũ kỹ theo tinh thần siết chặt kinh doanh vận tải hơn là cải cách hành chính. “Ý đồ loại trừ các phương thức kinh doanh theo mô hình Uber, Grab... được thể hiện rõ qua việc không đưa ra quy định rõ ràng, hợp lý nào về đăng ký hoạt động hay phù hiệu cho loại dịch vụ này” - bà Phạm Chi Lan nói - “Dự thảo Nghị định còn nói là “cho phép doanh nghiệp được ứng dụng điện tử”. Điều này vô lý vì họ chọn hình thức nào là quyền của họ, không chờ Nhà nước cho phép”.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc tranh cãi về quản lý kinh doanh vận tải ô tô là cần thiết, nhưng không phải là đưa ra chính sách, công cụ quản lý, siết chặt họ. “Ở Việt Nam, thị trường xuất hiện cái mới, đáng lẽ chính sách phải phục vụ để phát triển cái đó lên nhưng chúng ta lại đưa cái mới nhốt vào khung quản lý. Chúng ta không có khái niệm phải lấy cái mới để xây dựng chính sách để xóa bỏ cái cũ, phương thức cũ đã lỗi thời, lạc hậu”, ông Phan Đức Hiếu bình luận.
Chủ trương của Nhà nước là khuyến khích ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
Trên hết phải vì quyền lợi người tiêu dùng
Theo bà Phạm Chi Lan, dự thảo Nghị định đang bỏ qua quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp và tổ chức sử dụng dịch vụ giao thông. Tất cả bức xúc hoặc hạn chế của người tiêu dùng không được lắng nghe, đề cập đến nhiều để làm đối trọng. “Chính sách mới chỉ nhìn từ phía cung, phía quản lý chứ không nhìn từ phía cầu, hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng”, bà Phạm Chi Lan nói.
Theo đó, các vấn đề như: đô thị hóa, mở rộng hàng hóa dịch vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi mô hình, cạnh tranh công nghệ... đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, thay đổi nhanh chóng. “Thế giới quan và các diễn biến thị trường thay đổi nhanh chóng, chúng ta phải sẵn sàng với mô hình mới, người ta có quyền đòi hỏi khả năng tương tác, chọn lựa hoặc công nghệ để di chuyển”.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung khác cũng vẫn thể hiện tư duy quản lý theo cách cấm đoán hoặc hạn chế quyền kinh doanh của một số loại hình doanh nghiệp (kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử, các hộ kinh doanh vận tải) trong khi bảo hộ cho một số loại hình khác như doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải. “Đó là hành vi phản cạnh tranh, vừa đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng được tự do chọn lựa và sử dụng những phương thức kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ. Mặt khác, cấm đoán hoặc hạn chế sử dụng các công cụ điện tử cũng đi ngược lại chủ trương của Nhà nước về khuyến khích ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, bà Phạm Chi Lan thẳng thắn nêu quan điểm.
Ông Phan Đức Hiếu cũng cho rằng: “Không nên hạn chế một số phương thức kinh doanh mới bởi như vậy là cố gắng bó buộc nó trong chiếc áo cũ đã chật. Cần đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Không được hạn chế sự sáng tạo và cạnh tranh”. Cũng theo vị này, thị trường và người kinh doanh “khôn” hơn quản lý Nhà nước. Thế nên nếu họ thấy quá khó khăn, ngặt nghèo thì họ chuyển sang hình thức khác, lúc đó chúng ta lại “chạy” theo quản lý.
“Taxi truyền thống đang quá khó khăn vì bị bó buộc bởi quá nhiều điều kiện kinh doanh. Các điều kiện kinh doanh không công bằng giữa taxi truyền thống và Uber, Grab. Đơn cử, các doanh nghiệp phải khám sức khỏe thường kỳ cho lái xe, mất nhiều thời gian, chi phí, trong khi các doanh nghiệp Uber, Grab thì không”.
Ông Nguyễn Công Hùng (Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội)
“2 năm qua thực hiện chương trình thí điểm của Bộ GT-VT về hợp đồng điện tử của taxi công nghệ, Uber, Grab đã khuynh đảo, thao túng gần như hoàn toàn thị trường taxi Việt Nam, đã và đang đẩy rất nhiều hãng taxi ở Việt Nam đi đến giải thể phá sản. Theo Luật Cạnh tranh, một doanh nghiệp khi chiếm lĩnh trên 30% thị trường sẽ bị quy kết là kinh doanh độc quyền. Hiện tại Uber và Grab đều đã chiếm lĩnh trên 70% thị trường taxi ở Việt Nam, liệu đã có thể coi là kinh doanh độc quyền?”.
Ông Tạ Long Hỷ (Hiệp hội Taxi TP.Hồ Chí Minh)
“Việc tranh cãi về quản lý kinh doanh vận tải ô tô là cần thiết, nhưng không phải là đưa ra chính sách, công cụ quản lý, siết chặt họ. Ở Việt Nam, thị trường xuất hiện cái mới, đáng lẽ chính sách phải phục vụ để phát triển cái đó lên nhưng chúng ta lại đưa cái mới nhốt vào khung quản lý. Chúng ta không có khái niệm phải lấy cái mới để xây dựng chính sách để xóa bỏ cái cũ, phương thức cũ đã lỗi thời, lạc hậu”.
Ông Phan Đức Hiếu (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)
“Bản thân taxi truyền thống còn nhiều vấn đề nội tại cần thay đổi. Nhiều công ty taxi đổ lỗi cho Grab, Uber khiến làm ăn thua lỗ là chưa thỏa đáng. Các doanh nghiệp taxi nên lập tức vào cuộc đổi mới công nghệ, cách thức phục vụ khách hàng thay vì chỉ than khó”.
Ông Bùi Danh Liên (Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội)
Đề xuất cấp biển kiểm soát màu vàng cho xe kinh doanh vận tải
“Uber, Grab liên tục đưa ra các chương trình cạnh tranh trái pháp luật, nhằm triệt tiêu taxi truyền thống, tiến tới độc quyền. Bên cạnh đó, hàng trăm khách bị Uber, Grab bắt chẹt giá, bị lái xe chửi bới, dọa nạt, đuổi khách dọc đường nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Ngoài ra, còn có nguy cơ lái xe đình công, bãi công do chính sách bất ổn của Uber, Grab và nguy cơ phải “giải cứu” vì cung vượt quá xa so với cầu. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các địa phương dừng ngay việc gia tăng các phương tiện tham gia thí điểm; Sửa đổi các quy định về việc niêm yết và quản lý chất lượng đối với loại xe hợp đồng dưới 9 chỗ kinh doanh thí điểm, theo hướng: Phương tiện phải dán biểu trưng (logo) của đơn vị vận tải trên 2 cánh cửa xe; Trên nóc gắn hộp đèn có tên của đơn vị vận tải. Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT xử phạt đối với các vi phạm của Uber, Grab. Trường hợp các doanh nghiệp này cố tình không tuân thủ pháp luật Việt Nam thì đề nghị Bộ GTVT kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động để đảm bảo giữ kỷ cương phép nước. Bộ GTVT cũng cần bổ sung quy định về màu sắc biển kiểm soát đối với xe kinh doanh vận tải. Cụ thể là tất cả các xe kinh doanh vận tải sẽ được cấp biển kiểm soát riêng có màu vàng”.
Ông Nguyễn Công Hùng (Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội)
Cần tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng
“Chương V, dự thảo Nghị định Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô nhằm thay thế Nghị định 86 được ban hành từ năm 2014 quy định cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu… thể hiện sự tiếc nuối, duy trì cách thức và công cụ quản lý Nhà nước cũ kỹ theo tinh thần “siết chặt kinh doanh vận tải” của Nghị định 86 hơn là cải cách hành chính. Ý đồ loại trừ các phương thức kinh doanh theo mô hình Uber, Grab… được thể hiện rõ qua việc không đưa ra các quy định rõ ràng, hợp lý nào về đăng ký hoạt động hay phù hiệu cho loại hình dịch vụ này!
Đó là hành vi phản cạnh tranh, vừa đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng được tự do chọn lựa và sử dụng những phương thức kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ. Mặt khác, cấm đoán hoặc hạn chế sử dụng các công cụ điện tử cũng đi ngược lại chủ trương của Nhà nước về khuyến khích ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.
Bà Phạm Chi Lan (Chuyên gia kinh tế)
Lựa chọn taxi công nghệ vì cước rẻ và thân thiện
“Từ khi có Grab và Uber, tôi không đi taxi truyền thống. Taxi công nghệ sạch sẽ, lái xe thân thiện, lịch sự và mang lại cảm giác như đi xe cá nhân, trong khi taxi truyền thống thì lái xe lạng lách, đánh võng. Nếu khách đề nghị đi đường ngắn, lái xe taxi truyền thống có thể chửi và tỏ thái độ ngay với khách. Quan trọng hơn là cước taxi công nghệ rất cạnh tranh. Tránh gọi xe vào giờ cao điểm thì đi taxi công nghệ là một lựa chọn tốt, chưa kể khách hàng thường xuyên được tích điểm và khuyến mãi. Thực tế là từ khi có taxi công nghệ, những người có thu nhập ở mức trung bình như chúng tôi mới dám thường xuyên gọi xe vì chi phí hợp lý. Trời mưa rét hay nắng gắt, đi taxi công nghệ tiện dụng hơn đi bằng xe máy. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm hoặc ngày thời tiết thất thường, khách hàng gọi xe phải chờ đợi khá lâu, cước phí cao hơn taxi truyền thống. Tuyến di chuyển của taxi công nghệ chưa được linh hoạt như taxi truyền thống. Mặc dù vậy, tôi vẫn chọn taxi công nghệ. Muốn cạnh tranh lấy lại khách, taxi truyền thống phải cải thiện nhiều về thái độ dịch vụ và giá cước, chứ không phải chỉ cải thiện về ứng dụng công nghệ”.
Anh Nguyễn Hoàng Phương (Nhân viên văn phòng Hà Nội)
Chạy taxi công nghệ mang lại thu nhập ổn định
“Được sự động viên của bạn bè, tôi mạnh dạn mua xe ô tô để chạy taxi công nghệ. Thủ tục tham gia đơn giản. Từ ngày lái taxi công nghệ, tôi có nguồn thu nhập ổn định. Trước đây tôi làm thợ sửa xe máy, thu nhập ổn định nhưng thấp hơn. Một ngày tôi chạy xe nếu có khách đều đặn được 15 chuyến, mệt nhưng tôi vẫn thấy hào hứng. Khách hàng đi taxi công nghệ chủ yếu có dân trí cao vì biết sử dụng công nghệ nên đa số họ lịch sự, không gây ức chế cho người lái xe. Bản thân tôi cũng thấy lái taxi công nghệ thích hơn là lái xe taxi truyền thống vì giống như nhà mình có xe, mình mang đi kinh doanh, khác hơn với lái taxi truyền thống. Có lúc hãng điều chỉnh tỷ lệ chiết khấu cũng gây bức xúc cho lái xe, nhưng nói chung cứ chăm chỉ, tôi vẫn kiếm đủ tiền trang trải cho gia đình”.
Anh Cao Hoàng Hải (Lái xe taxi công nghệ)
Hà Linh (ANTĐ)