Nhiều địa phương cấm taxi công nghệ: Thiệt thòi cho người tiêu dùng
Trong khuôn khổ báo cáo tổng kết thí điểm "Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải hành khách" tại thị trường Việt Nam, các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hoà..., tiếp tục khẳng định sẽ nói không với việc thí điểm xe công nghệ do... đặc thù tại địa phương.
Sự "ngoảnh mặt" của các địa phương khiến cho giới chuyên môn lo ngại các nhà đầu tư sẽ nản chí. Và đặc biệt, phần thiệt thòi sẽ thuộc về người tiêu dùng không được tiếp cận với công nghệ mới, giá rẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần có cái nhìn công bằng và khách quan hơn, xuất phát từ lợi ích đối với người dùng và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài
Lợi ích không thể bỏ qua
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, về lợi ích mà “Taxi Công Nghệ” như Grab hay Uber mang lại đã quá rõ ràng, là nhân tố chính làm thay đổi theo hướng tích cực đối với loại hình taxi truyền thống – vốn đã trì trệ nhiều năm qua. Gọi xe dễ dàng, giá cước rẻ, minh bạch, tài xế lịch thiệp, xe sạch đẹp, đảm bảo an toàn cho hành trình tạo cảm giác thoải mái cho bất cứ hành khách nào khi trải nghiệm dịch vụ.
Đến nay, nhiều địa phương vẫn nói "không" với taxi công nghệ
Không thể phủ nhận, sự có mặt của “taxi công nghệ” đã tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi của taxi truyền thống. Theo đó, lần lượt các đơn vị taxi truyền thống cũng được Bộ GTVT cho phép triển khai hoạt động thí điểm xe công nghệ tương tự như Grab hay Uber như: Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (Thanh Cong Car), Công ty CP Sun Taxi (S.CAR), Công ty CP Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (VIC.CAR), Công ty CP Hợp tác đầu tư và Phát triển (HOME CAR), Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car)...
Đây có thể coi là minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất trong việc “taxi công nghệ” tạo ra thay đổi, theo hướng hoàn thiện, đáp ứng xu thế mới - ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào loại hình vận tải hành khách.
Địa phương thích thì cấm?
Khác với các thành phố khác, Đà Nẵng quyết liệt "cấm túc" luôn các loại hình xe công nghệ ở địa phương. Khánh Hoà có phần nhẹ tay hơn khi cho hai đơn vị là VinaSun và Sun Taxi thí điểm nhưng vẫn nói không với các đơn vị cung cấp ứng dụng đặt xe có yếu tố "nước ngoài".
Ngay cả khi Grab ra mắt GrabTaxi và GrabBike, loại hình dịch vụ hoàn toàn hợp pháp theo luật giao dich điện tử và giấy phép đã đăng ký với Bộ Công Thương, không nằm trong khuôn khổ giấy phép thí điểm như GrabCar thì vẫn bị tuýt còi, yêu cầu ngưng dịch vụ. Việc đánh đồng các loại hình dịch vụ khiến doanh nghiệp nước ngoài "ngơ ngác", không hiểu vì sao đã được cấp phép mà lại không được triển khai. Trong khi đó, người tiêu dùng tại các địa phương này thì chịu thiệt thòi vì không được tiếp cận với công nghệ mới với mức giá “hời”.
Theo nhiều chuyên gia, với sự tiện lợi và dịch vụ hoàn hảo của “taxi công nghệ” thì cơ quan Nhà nước cần có cái nhìn công bằng hơn để đảm bảo lợi ích cho người dùng và quyền lợi cho các đơn vị đầu tư.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, thay vì sử dụng mệnh lệnh hành chính, cấm đoán thì hãy để thị trường điều tiết và các cá nhân tham gia thị trường quyết định. Cơ quan quản lý có thể cung cấp những số liệu, thông tin về dung lượng thị trường (lượng cung-cầu hiện ra sao) và bản thân tài xế sẽ tự quyết định việc có nên đầu tư, gia nhập thị trường hay không.
Để phát triển thị trường dịch vụ vận tải theo hướng bình đẳng, minh bạch và hoàn thiện, Nhà nước cũng nên thừa nhận những tính năng ưu việt của xe hợp đồng điện tử, xuất phát từ lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích công cộng và lợi ích môi trường. Đồng thời, hỗ trợ các công ty taxi truyền thống, nội địa, phát triển các công nghệ tương tự hoặc khuyến khích hợp tác đầu tư đa chiều, để bảo vệ vị trí và thương hiệu của mình. Không nên tư duy theo chiều ngược lại, tức là bắt xe hợp đồng điện tử phải chịu điều tiết hay quản lý theo kiểu taxi truyền thống.
Các địa phương đã được cơ quan Nhà nước đưa vào danh sách triển khai thí điểm cũng nên tạo điều kiện để các hãng “taxi công nghệ” phát triển, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động, hạn chế số lượng xe ô tô chạy rỗng ở các đô thị đã quá tải về hạ tầng giao thông… Việc quy định khung pháp lý sau thí điểm là quyết định của các cơ quan cấp cao, dựa trên kết quả báo cáo thí điểm thực tế.
Cũng theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế và giao thông, xét theo luật định, các cơ quan quản lý địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hoà cần có sự công bằng khi quyết định chế tài, để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư theo luật đầu tư và cạnh tranh quốc tế.
Việc ngần ngại triển khai thí điểm xe công nghệ trong khuôn khổ giấy phép thí điểm, dẫn đến "nói không" luôn với các loại hình khác, có giấy phép đúng luật như GrabTaxi và GrabBike có thể sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung, khiến các nhà đầu tư nước ngoài dè dặt khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Long Thắng (ANTĐ)