BOT Quốc lộ 5: Nghiêng về phương án giảm phí cho người dân lân cận
Chiều 12-12, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng phương án giảm phí tại 2 trạm thu phí trên QL5.
Chiều 12-12, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng phương án giảm phí tại 2 trạm thu phí trên QL5.
Cụ thể, phương án 1 là giảm phí cho chủ phương tiện trong vùng lân cận trạm thu phí QL 5. Những phương tiện của các cơ quan đóng trên địa bàn quanh trạm được giảm 20% mức phí so với hiện tại. Còn các phương tiện nhóm 1, gồm xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và xe bus công cộng không tham gia kinh doanh sẽ được giảm 100% mức phí.
Phương án 2 là giảm chung cho tất cả các phương tiện qua trạm. Theo đó, các phương tiện thuộc nhóm 1 sẽ được giảm mức phí từ 40.000 đồng/lượt như hiện nay xuống còn 35.000 đồng/lượt. Còn lại phương tiện thuộc các nhóm khác mức giảm sẽ tương ứng từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/lượt.
Theo đánh giá của Bộ Gtvt, ở phương án 1, nếu áp dụng mức giảm phí cho các phương tiện trong phạm vi bán kính 3km quanh trạm thì mỗi năm nguồn thu của trạm sẽ giảm 51 tỷ đồng so với mức thu hiện tại.
Còn nếu áp dụng trong bán kính 5km quanh trạng, nguồn thu sẽ giảm khoảng 80 tỷ đồng/năm. Ở phương án hai, mức phí sẽ giảm khoảng 5.000 tỷ đồng so với phương án tài chính của dự án.
Nếu áp dụng phương án 1 sẽ không ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án. Nhưng nếu phương án 2, Nhà nước sẽ phải hỗ trợ thêm cho nhà đầu tư 5.000 tỷ đồng cho giai đoạn từ 2018 - 2025.
Do đó, đây là phương án khó khả thi. Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận phương án giảm phí thứ nhất đồng thời Bộ này cũng có kiến nghị Thủ tướng xem xét giải quyết chi phí giải phóng mặt bằng 4.000 tỷ đồng tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đây là phần vốn hỗ trợ mà Nhà nước đã cam kết, chiếm 39% tổng vốn của dự án.
Vì sao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lại thu phí QL5?
Liên quan đến phản ứng của các tài xế khi lưu thông trên QL5 nhưng lại phải đóng phí cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tuyến QL5 có đặc thù so với các tuyến đường BOT thông thường, bởi trước đây tuyến đường này được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước đi vay, sau đó tiến hành thu phí để trả nợ cho ngân sách Nhà nước.
Để tránh quá tải cho tuyến đường này, đồng thời thức đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Chính phủ đã quyết định đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phần hỗ trợ của Nhà nước vào dự án bao gồm: Quyền thu phí trên QL5, quỹ đất dọc tuyến đường và 4.000 tỷ đồng tiền GPMB…
Do đó, dòng tiền thu phí từ QL5 trong thời gian qua chính là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tham gia vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. “Đây là quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2007 và các văn bản quy phạm pháp luật thời điểm đó cũng không có quy định nào cấm không được làm như vậy”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Năm 2009, 2 trạm thu phí QL5 được chuyển giao cho VIDIFI, nhưng đến năm 2012 quỹ bảo trì đường bộ ra đời, Thủ tướng đồng ý bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, với trạm thu phí đã chuyển sang hỗ trợ dự án BOT như trạm QL5 đã có cam kết của Nhà nước với nhà đầu tư bằng hợp đồng nên vẫn thực hiện theo hợp đồng.
“Chính sách áp dụng trên nên tảng pháp luật khi đó và Nhà nước đã cam kết với nhà đầu tư bằng hợp đồng. Nếu hồi tố, bỏ trạm thu phí trên QL5 thì phá vỡ phương án tài chính đã thống nhất, Nhà nước phải lấy ngân sách để bù thì không còn ngân sách để đầu tư trong 5-7 năm tới khi ngân sách chỉ đủ trả dần nếu mua lại các dự án BOT”- ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Ông Đông còn cho biết thêm Bộ đang rà soát các dự án BOT, dự án nào điều chỉnh được sẽ điều chỉnh, miễn giảm giá được sẽ miễn giảm, đưa trạm thu phí về vị trí hợp lý được thì sẽ đưa.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng khẳng định, không có chuyện phí chồng phí giữa việc chủ phương tiện đóng phí bảo trì đường bộ với phí sử dụng dịch vụ đường bộ BOT.
Theo ông Huyện, trong tổng số 23.000km đường bộ trên cả nước hiện nay chỉ có 1.700km đường làm BOT, riêng QL1 là 908km. Nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ khoảng 6.500 tỷ đồng/năm, chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.
“Hiện nay, còn 8.500km đường bộ đến kỳ vào cấp nhưng không có tiền để làm, điển hình là đường Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng 15 năm (từ năm 2002) nhưng không có tiền nên đến giờ mới bảo trì được 35%.
Còn đối với các dự án BOT, việc sửa chữa, bào trì tuyến đường do nhà đầu tư bỏ tiền chứ Quỹ Bảo trì đường bộ không được phép chi. Do vậy, một số chủ phương tiện nói đã đóng quỹ bảo trì rồi thì không phải trả tiền phí BOT là lấy lý do để cố tình chống đối thu phí”, ông Huyện nói.
Linh Nhật (ANTĐ)