Đường sắt kéo khách trở lại bằng suât ăn tiêu chuẩn "hàng không"
Từ đầu năm 2018, Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ phục vụ suất ăn “tiêu chuẩn hàng không” cho hành khách mà không tính vào giá vé tàu.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết, hiện tại, VNR đã tiến hành xong quá trình đàm phán với đơn vị cung cấp là Công ty cổ phần Dịch Vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco).
Theo đó, suất ăn sẽ được cung cấp thí điểm trên 6 đoàn tàu SE (loại tàu chất lượng cao nhất hiện nay) trên tuyến Bắc - Nam. Trong ngày, tùy vào thời điểm, hành khách sẽ được cung cấp bữa ăn chính (giá trị 35.000 đồng/suất) và bữa ăn phụ (25.000 đồng/suất).
Bữa ăn chính gồm: cơm ăn kèm đồ mặn (thịt, cá, trứng) hoặc cơm rang, mì xào, phở xào; mỗi phần có thêm canh, hoa quả, nước uống. Bữa phụ gồm bánh bao, xôi, bánh ướt hoặc cơm cuộn và nước uống. Thực đơn có tính đến yếu tố ẩm thực vùng miền, cho người ăn bình thường hoặc ăn chay.
Đặc biệt, mỗi phần ăn được thiết kế đảm bảo năng lượng, thành phần dinh dưỡng với tỉ lệ cân đối giữa các nhóm thực phẩm: chất bột; chất đạm (thịt, cá...); vitamin và muối khoáng (rau, củ, quả…). Suất ăn cũng bao gồm trái cây, nước suối và các vật dụng tiện ích đi kèm: khăn ăn, tăm, thìa, dĩa…
Các phần ăn được nhập lên tàu ở mỗi điểm dừng: Ga Sài Gòn, Hà Nội và Đà Nẵng. Suất ăn được đóng gói theo tiêu chuẩn hàng không. Các phần ăn được dán tem nhãn chỉ sử dụng trong ngày và được làm nóng trước khi phục vụ hành khách.
Mặt khác, do thời gian di chuyển trên tàu dài nên suất ăn cũng được ngành đường sắt xây dựng trên cơ sở tăng thêm khối lượng so với suất ăn được ngành Hàng không cung cấp khi đi máy bay.
Cùng với cung cấp miễn phí suất ăn trên tàu, doanh nghiệp này đã đóng mới các đoàn tàu, vệ sinh, cải tạo các nhà ga, đưa tiếp viên đào tạo tại các trường hàng không.
Theo ông Vũ Anh Minh, đây là một trong những giải pháp nhằm tăng chất lượng dịch vụ của của VNR. Trước đó, VNR đã từng thực hiện việc cung cấp suất ăn trên tàu, nhưng sau đó đã chấm dứt vào năm 2007. Theo lãnh đạo VNR, điều này không phải vì khách không muốn sử dụng dịch vụ này của đường sắt lúc đó mà một phần do ngành Đường sắt muốn tăng lợi nhuận trên mỗi vé.
“Thời gian vừa qua ngành Đường sắt mặc dù có nhiều cố gắng nhưng lượng khách vẫn giảm. Chúng tôi nhận thấy rằng, cái cần nhất là đông đảo khách đến với đường sắt chứ không phải lợi nhuận tối đa trên một hành khách”, ông Vũ Anh Minh chia sẻ.
Trâm Anh (Tuoitrethudo)