Đấu thầu mua sắm ray đường sắt quá nhiều sai sót

| Thị trường
Xếp hạng 3.7 - 9 đánh giá

11 gói thầu mua sắm ray P50 dài 25m của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ có 2 đơn vị trúng thầu. Đáng chú ý, ray từ hàng xuất xứ Nga được chuyển thành hàng Trung Quốc.

Đấu thầu mua sắm ray đường sắt quá nhiều sai sót

Cần sớm khắc phụ sai sót trong việc đấu thầu mua sắm ray của ngành đường sắt

Kết luận thanh tra số 5615/KL-BGTVT của Bộ GTVT nêu rõ nhiều tồn tại trong trình tự, thủ tục mua sắm, đấu thầu đối với chủng loại ray P50 dài 25m có xuất xứ Trung Quốc trong kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia 2016 của Tổng Công ty Việt Nam (VNR) và các Công ty CP Đường sắt. Việc mua sắm này được duyệt trong kế hoạch bảo trì kết cấu đường sắt quốc gia 2016 của VNR, trị giá 2.190 tỷ đồng.

Không đấu thầu rộng rãi

Theo đó, Bộ GTVT chỉ ra, nhiều hồ sơ yêu cầu của các gói thầu mua ray P50 chưa quy định cụ thể về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu theo hướng dẫn. Điển hình là hồ sơ yêu cầu của các Công ty CP đường sắt Hà Lạng, Nghĩa Bình, Hà Hải, Quảng Bình, Hà Ninh và Nghệ Tĩnh. 

Bộ GTVT cũng cho biết, tài liệu chứng minh năng lực tài chính trong hồ sơ chào hàng của nhà thầu trúng thầu chưa phù hợp. Đơn cử như trường hợp của Công ty CP Thương mại và Tư vấn Tân Cơ là nhà thầu trúng gói thầu Cung cấp ray P50 do Công ty CP Đường sắt Yên Lào mời thầu, nhưng hợp đồng cấp tín dụng chung ký với ngân hàng chưa nêu cụ thể là cấp cho gói thầu đang xét. Một số cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu không có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu; một số cá nhân tham gia trực tiếp vào việc lập hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ đề xuất không có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định tại Điều 16 Luật 2013... 

Hầu hết các gói thầu của các đơn vị đều không áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi mà là chào hàng cạnh tranh, trong khi đó, đối với những gói thầu có giá trị lớn hơn 5 tỷ đồng theo quy định phải thực hiện đấu thầu rộng rãi trong cả nước. 

Đặc biệt, Bộ GTVT còn chỉ ra, Công ty CP Đường sắt Hà Ninh đã chia nhỏ dự án thành 3 gói thầu để lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh, còn Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình chia nhỏ dự án thành 2 gói thầu để lựa chọn nhà thầu theo hình thức mua sắm trực tiếp.

Từ hàng Nga chuyển thành Trung Quốc

Theo Quyết định số 1247/QĐ-BGTVT ngày 22-4-2016 phê duyệt kinh phí bảo dưỡng thường xuyên cho VNR là hơn 1.960 tỷ đồng, trong đó chủng loại ray P50 dài 25m phải xuất xứ từ Nga. Song không hiểu vì lý do gì, VNR lại có đề nghị Bộ GTVT cho sử dụng ray P50 dài 25m được sản xuất ở các nước khác. Và cuối cùng, VNR đã lựa chọn hàng xuất xứ Trung Quốc. 

Cũng theo Bộ GTVT, cùng thời điểm, cùng một đơn vị nhưng giá trúng thầu tại mỗi gói thầu là khác nhau. Giá mua ray P50 trong mỗi mói thầu dao động khá lớn, từ 28,4 triệu đồng/thanh - 33,4 triệu đồng/thanh.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Thương mại và Tư vấn Tân Cơ, nhà thầu trúng 9 trong số 11 gói thầu mua ray P50 của Trung Quốc, có địa chỉ tại số 92 phố Yết Kiêu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, có vốn điều lệ là 20 tỷ đồng. Theo Kết luận thanh tra, Công ty này đã thực hiện xong tất cả các hợp đồng của 9 gói thầu đã trúng, đã được thanh quyết toán, nhưng mới chỉ có 2 bên mời thầu công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.

Với những tồn tại trên, Bộ GTVT yêu cầu Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông khẩn trương rà soát, sớm khắc phục những tồn tại đã nêu trong kết luận thanh tra. Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu Vụ này phải kiểm điểm trách nhiệm trong tham mưu trình lãnh đạo Bộ ký Văn bản 7350/BGTVT-KCHT, là văn bản đồng ý cho phép VNR thay thế chủng loại ray P50 dài 25m xuất xứ Nga thành xuất xứ Trung Quốc; đồng thời cho phép VNR chào hàng cạnh tranh thay vì đấu thầu rộng rãi theo quy định.

Đối với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các Công ty CP đường sắt, cần khẩn trương rà soát những tồn tại, nghiêm khắc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan và sớm khắc phục những tồn tại, sai sót đã nêu.

Hải Dương (ANTĐ)

SourceXeHay