Nhiều bộ ngành, địa phương có sai phạm về quản lý, sử dụng ô tô công
Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là xe ô tô công, ở nhiều bộ ngành, địa phương.
Báo cáo tổng hợp kiểm toán năm 2016 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy nhiều sai phạm tại các bộ ngành, địa phương trong hoạt động quản lý, sử dụng Xe Công.
Theo Kiểm toán Nhà nước, sau khi rà soát việc thực hiện Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg về quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô cho thấy cả nước còn có 2.334 xe công dôi dư. Tuy nhiên đến ngày 8-3-2017 mới chỉ có 23/28 bộ, cơ quan Trung ương và 19/50 địa phương báo cáo về Bộ Tài chính phương án xử lý.
Một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tình trạng xe dôi dư so với định mức, chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp về Bộ Tài chính song vẫn mua sắm thêm xe phục vụ công tác và xe chuyên dùng bao gồm: Bộ Ngoại giao, TP.HCM, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Việc quản lý, sử dụng, thanh lý xe công của bộ ngành, địa phương còn nhiều sai sót
Việc thanh lý xe ô tô công chưa đảm bảo điều kiện về thời gian sử dụng được thanh lý theo quy định tại Quyết định 32 xảy ra tại 2 Bộ và 4 địa phương. Cụ thể, Bộ Tài chính thanh lý 93 chiếc (đã thanh lý 41 chiếc, đang triển khai thủ tục bán đấu giá 11 chiếc và đang hoàn thiện hồ sơ để thanh lý 41 chiếc) thời gian sử dụng từ 2002 đến 2007 (thiếu 1-6 năm). Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thanh lý 13 chiếc có thời gian sử dụng từ năm 2002-2006 (thiếu 1-5 năm).
Tỉnh Điện Biên thanh lý 4 chiếc ô tô có thời gian sử dụng 2003, 2004, 2005. Thành phố Cần Thơ thanh lý 1 chiếc có thời gian sử dụng năm 2010 (thiếu 9 năm), nhưng theo báo cáo xe đã có số km sử dụng đến thời điểm thanh lý (2016) là hơn 333.000 km. Tỉnh Đồng Nai thanh lý 7 chiếc thời gian sử dụng từ 2002-2009 (thiếu 1-8 năm); Tỉnh Bình Thuận thanh lý 6 chiếc có thời gian sử dụng từ 2002-2006 (thiếu 1-5 năm).
Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định, mặc dù Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg và Thông tư số 159/2015/TT-BTC chưa quy định, hướng dẫn việc chuyển đổi từ xe phục vụ công tác sang xe chuyên dùng nhưng đã có 6 bộ và 1 tỉnh chuyển đổi từ xe phục vụ công tác sang xe chuyên dùng.
Cụ thể, Bộ Tài chính chuyển 385 xe, tỉnh Bến Tre chuyển 9 xe, Ngân hàng Nhà nước chuyển 76 xe, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam chuyển 8 xe, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuyển 33 xe... Tỉnh Bến Tre và Bộ Tài chính còn thực hiển chuyển đổi trước khi Bộ Tài chính ban hành Công văn số 1041/BTC-QLCS.
Nhiều đơn vị, địa phương trang bị xe ô tô và xe chuyên dùng cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị xe. Chẳng hạn, tại tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh cho phép 7 huyện mua mới 8 xe chuyên dùng giá trị 9 tỷ đồng, các huyện đều giao cho các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã quản lý, sử dụng để thực hiện công tác vệ sinh môi trường là chưa đúng quy định.
Tại Ninh Bình, UBND TP Ninh Bình mua 3 xe chuyên dụng 4,148 tỷ đồng và 200 xe gom rác 0,86 tỷ đồng bàn giao cho Công ty Cổ phần Môi trường & Dịch vụ đô thị Ninh Bình là chưa đúng quy định.
Theo thống kê của Bộ Tài chính đưa ra hồi đầu năm nay, tổng số lượng xe ô tô công tính đến ngày 31/12/2016 là 34.214 chiếc. Trong đó, số xe phục vụ chức danh là 864 chiếc, xe phục vụ công tác chung là 17.047 chiếc và xe chuyên dùng là 16.330 chiếc. Trong năm 2016, các cơ quan đã thực hiện thanh lý 1.105 chiếc. Trong đó, các bộ ngành, địa phương đã báo cáo số tiền thu được của 761 xe là 35,15 tỷ đồng, bình quân là 46,2 triệu đồng/xe.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân có con số nói trên là do trong số 761 xe thanh lý có 90 xe báo cáo đã thanh lý nhưng chưa có thông tin về số tiền thu được. Bên cạnh đó, có 9 xe thanh lý theo hình thức phá dỡ, 8 xe chuyển sang làm mô hình học cụ, sửa chữa ô tô, thiết bị dạy nghề... nên không thu được tiền.
Ngoài ra, 183 xe được cho là đã quá cũ, lạc hậu (xe sử dụng từ năm 1996 trở về trước, xe Lada, xe Uoat, xe Gaz…) nên khi thanh lý chỉ thu được tổng số tiền xấp xỉ 5,5 tỷ đồng, tức trung bình khoảng 30 triệu đồng một xe. Năm 2016 còn 2.041 chiếc được các bộ ngành địa phương xác định dư thừa và phải thực hiện thanh lý nhưng chưa báo cáo hết số lượng thanh lý về Bộ Tài chính.
Hà Loan (ANTĐ)