"Cuộc chiến" taxi công nghệ với truyền thống (3): Cuộc "khủng hoảng" vượt tầm kiểm soát

| Thị trường
Xếp hạng 4.0 - 9 đánh giá

Nhiều địa phương kiến nghị dừng đề án thí điểm taxi công nghệ để đánh giá đầy đủ hơn về loại hình vận tải này. 

Bộ GTVT cho biết, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/NĐ-CP về quản lý vận tải, Bộ sẽ đặt ra các quy định mới để siết lại loại hình . Tuy nhiên, không chờ được tới khi quy định này ra đời, nhiều địa phương đã kiến nghị Bộ GTVT kết thúc đề án thí điểm taxi công nghệ bởi số lượng xe cá nhân tham gia loại hình này đã vượt tầm kiểm soát, gây ra cuộc “khủng hoảng” về taxi.

Taxi công nghệ đang lấn lướt taxi truyền thống với những ưu việt hiện có

Địa phương than quá tải 

TP Đà Nẵng là địa phương đầu tiên đề nghị tạm thời chưa triển khai dịch vụ Grabcar trên địa bàn thành phố này. Đồng thời, Ban An toàn giao thông Đà Nẵng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các nhà mạng 3G trên địa bàn thành phố thực hiện việc ngăn chặn mọi kênh truy cập vào phần mềm ứng dụng GrabCar và Uber. Tháng 4-2017, TP.HCM và Hà Nội đều kiến nghị Bộ GTVT kết thúc đề án thí điểm taxi công nghệ bởi số lượng xe cá nhân tham gia loại hình này đã quá lớn, vượt tầm kiểm soát, gây ra cuộc “khủng hoảng” về taxi cũng như gia tăng tình trạng ùn tắc trên địa bàn.

Hà Nội hiện có 19.200 xe taxi của 77 đơn vị kinh doanh. Hiện nay, Hà Nội vẫn  giữ nguyên quy hoạch taxi, giữ ổn định số lượng đến năm 2020 mà không cho bất kỳ đơn vị nào tăng thêm đầu xe. Ngoài ra, có khoảng 2.200 xe taxi của 27 đơn vị có chi nhánh ở các tỉnh, thành phố lân cận đưa xe về hoạt động, cộng với số xe tham gia hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin  chở khách khoảng 7.000 xe. Với số lượng xe như hiện tại, Sở GTVT Hà Nội đánh giá là cung đã vượt cầu và thực sự đã tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá cước. 

Ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Taxi Nguyên Minh bày tỏ: “Taxi truyền thống nhiều năm nay không được mở rộng, không được tăng thêm đầu xe vì quy hoạch không cho phép. Nhưng Grab và Uber vừa vào hoạt động thì số lượng đã lên tới 7.000 xe. Đây hầu hết là xe cá nhân, hoạt động như taxi nhưng lại không chịu chế tài quản lý, ràng buộc như taxi truyền thống mà dễ dãi hơn rất nhiều”.

Lo ngại việc phát triển số lượng xe taxi công nghệ tiếp tục gia tăng, gây áp lực lên hệ thống giao thông thành phố, Sở GTVT Hà Nội đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội có văn bản kiến nghị Bộ GTVT tạm dừng tăng số lượng đơn vị tham gia thí điểm cũng như số lượng xe tham gia hoạt động trên địa bàn thành phố. Tương tự, trên địa bàn TP.HCM, trong khi taxi truyền thống chỉ có khoảng 11.000 xe từ nhiều năm nay, thì lượng xe tham gia taxi công nghệ đã gấp đôi con số này.

Trước thực trạng này, Sở GTVT TP.HCM đã kiến nghị chưa cho Uber thực hiện thí điểm hợp đồng điện tử tại thành phố trong năm 2017. Lý do là hiện nay tại TP.HCM đã có các đơn vị đang thực hiện thí điểm hợp đồng điện tử gồm Grab, V.Car (Vinasun Car) và mới đây là M Car (Mai Linh Car).

Đồng thời, theo Sở GTVT TP.HCM, việc tạm dừng cho phép các xe Uber hoạt động là nhằm khống chế phát sinh số lượng xe hợp đồng điện tử tham gia thí điểm, vốn được cho là làm ảnh hưởng đến trật tự vận tải và ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch phát triển taxi tại TP.HCM.

Taxi truyền thống phải tự chuyển mình

Nhìn thẳng vào vấn đề, ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng Phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, phương tiện tham gia hoạt động thí điểm theo QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 của Bộ GTVT thực chất là taxi nhưng về danh nghĩa lại là xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi. Sự phát triển quá nhanh về số lượng phương tiện trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến công tác tổ chức giao thông của thành phố, nhất là đề án phát triển hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô. 

Thừa nhận số lượng xe tham gia thí điểm hiện quá lớn, Bộ GTVT cam kết, sắp tới, sẽ quản lý, siết chặt loại hình này. Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, tháng 4-2017, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các địa phương có loại hình taxi công nghệ hoạt động, yêu cầu thống kê, rà soát chính xác số lượng xe tham gia, đồng thời dừng cấp phép thí điểm mới. Ngoài ra, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 86/NĐ-CP về quản lý vận tải, Bộ GTVT đã đưa loại hình taxi Uber, Grab vào đối tượng quản lý. “Sau khi có Nghị định 86/NĐ-CP sửa đổi, chúng tôi tin rằng quản lý các loại hình taxi này sẽ công bằng hơn”, ông Nguyễn Hồng Trường nói.

“Hà Nội đang hướng tới xây dựng hệ thống vận tải khách công cộng khối lượng lớn xe xe buýt, buýt nhanh BRT, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao mà không phải là taxi hay xe hợp đồng. Bởi vậy, cần thiết phải khống chế số lượng cũng như đơn vị tham gia taxi công nghệ. Đối với lượng xe đang tham gia, phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn”. 

Ông Nguyễn Tuyển, (Phó trưởng Phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội)

Nhìn lại “cuộc chiến” giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống, các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cho rằng, taxi truyền thống cũng phải nhìn lại mình và tự đổi mới để có thể theo kịp xu thế của thời đại. “Một thời gian dài taxi truyền thống làm mưa làm gió về giá cước trong khi chất lượng dịch vụ đi xuống thì taxi công nghệ như một “làn gió mới” nên sớm được người dân hưởng ứng. Rõ ràng, để có thể cạnh tranh được, taxi truyền thống buộc phải thay đổi”, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đánh giá.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, các đơn vị vận tải phải thay đổi cách quản lý, qua mô hình hoạt động của Uber và Grab cho thấy, chi phí quản lý của doanh nghiệp taxi truyền thống quá đắt đỏ nên sức cạnh tranh giảm. Chúng ta nên hoan nghênh chứ không nên từ chối các mô hình kinh doanh mới. Tất nhiên, vì yêu cầu quản lý chung, các địa phương cũng cần kiểm soát chặt chẽ nhưng mục tiêu cuối cùng là để người dân được hưởng lợi tối đa. Với quan điểm như thế, rõ ràng, các doanh nghiệp taxi truyền thống buộc phải thay đổi để thích nghi, tăng tính cạnh tranh, phục vụ khách hàng tốt hơn.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay