Dịch vụ đi chung xe của Grab có mặt ở thị trường Việt Nam
Tối 9/5, Grab Việt Nam đã chính thức ra mắt tính năng đi chung xe GrabShare nhằm tiết kiệm chi phí trên mỗi chuyến đi cho hành khách.
Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết, trong tháng 5, tính năng GrabShare được thử nghiệm ở thị trường TP.HCM. Dự kiến, trong tháng 6, tính năng này sẽ cung cấp cho hành khách tại thị trường Hà Nội.
GrabShare tận dụng nền tảng dịch vụ có sẵn của GrabCar, giúp hành khách giảm chi phí khoảng 30% so với dịch vụ GrabCar thông thường, đồng thời giúp đối tác lái xe tăng thêm thu nhập nhờ kết hợp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe.
Dịch vụ đi chung xe của Grab giúp hành khách tiết kiệm chi phí nhờ "chia" với hành khách khác có cùng cung đường
Thông qua việc khuyến khích hành khách chia sẻ hành trình, GrabShare giúp tăng hiệu quả vận hành xe và giảm số lượng xe lưu thông trên đường, từ đó góp phần giảm ùn tắc giao thông và giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Tận dụng nền tảng dịch vụ sẵn có của GrabCar, GrabShare trở thành dịch vụ vận chuyển thứ 4 của Grab tại Việt Nam bên cạnh các dịch vụ vận chuyển hiện có gồm GrabTaxi và GrabBike.
Ông Jerry Lim thông tin: "GrabShare sẽ đưa hành khách tới các điểm đến với chi phí tiết kiệm hơn, đồng thời giảm thiểu nhu cầu cần thêm nhiều xe trên đường bằng cách tận dụng nền tảng dịch vụ có sẵn của GrabCar.
Dự kiến, tháng 6/2017, GrabShare sẽ được mở rộng tại thị trường Hà Nội
GrabShare đã được Grab triển khai và phát triển nhằm mục tiêu mang trải nghiệm đi chung xe đến với khách hàng và đối tác tài xế khắp Đông Nam Á, và chúng tôi rất tự hào đi tiên phong trong việc mang trải nghiệm đi chung xe trên ứng dụng di động này đến Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng GrabShare sẽ giúp Grab đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hành khách dành cho dịch vụ đặt xe công nghệ đang tăng lên nhanh chóng”.
Để đưa hành khách đến điểm đến một cách nhanh chóng, GrabShare thực hiện ghép cặp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển vào cùng một chuyến xe. Hành khách sẽ chỉ trải qua tối đa 2 điểm dừng trước khi đến điểm đến mong muốn của mình.
Ví dụ, nếu hành khách A bắt đầu chuyến xe và được ghép cặp với hành khách B, tùy thuộc vào tuyến đường nào di chuyển hiệu quả hơn, hành khách A có thể đến điểm dừng đầu tiên để đón hành khách B và di chuyển đến điểm dừng thứ 2 cũng là điểm đến của hành khách B. Chi phí của chuyến đi này sẽ được 2 hành khách cùng chi trả nên sẽ rẻ hơn khoảng 30% so với sử dụng GrabCar.
Grabshare ra mắt ở Singapore vào tháng 12-2016, hiện đã có mặt ở Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Mới 5 tháng ra mắt, nhưng GrabShare đã thực hiện hơn 8 triệu chuyến đi, với tổng chiều dài quãng đường khoảng 72 triệu km.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia bày tỏ, hiện nay, tốc độ gia tăng của phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô tại các đô thị lớn đang khá cao. Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, Bộ GTVT đã đồng ý với các địa phương tạm thời không cấp phép thử nghiệm thêm các dịch vụ ứng dụng công nghệ vào đặt xe như Grab và Uber, đồng thời khống chế số lượng xe tham gia Grab và Uber để giảm áp lực giao thông trên đường. Tuy vậy, để việc này không làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân thì tính năng GrabShare của Grab ra đời đáp ứng được nhu cầu.
"Tôi hy vọng dịch vụ này sẽ giúp giảm số lượng phương tiên tham gia giao thông trong khi số người được di chuyển vẫn tăng lên, giúp giảm ùn tắc giao thông", ông Khuất Việt Hùng bày tỏ.
Ngoài ra, hiện các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang đau đầu về tình trạng xe "dù", bến "cóc", tính năng GrabShare của Grab là một gợi ý rất tốt cho Bộ GTVT và cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các địa phương nghiên cứu, xem xét để quản lý xe hợp đồng và xe du lịch hiện nay, gúp minh bạch trong thị trường vận tải, tạo cạnh tranh lành mạnh.
Ngân Tuyền (ANTĐ)