Hà Nội, TP.HCM cùng xin kết thúc thí điểm Uber và Grab taxi
Uber vừa được Bộ GTVT cho phép hoạt động tại Việt Nam. Tuy vậy, thực tế, Hà Nội và TP.HCM đều đang kêu “đau đầu” với loại hình taxi công nghệ này.
Lượng xe chạy Uber, Grab ở Hà Nội, TP.HCM tăng vọt, phát triển ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý GTVT
Sau nhiều lần bị từ chối, mới đây, Bộ GTVT đã chính thức thông qua Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải khách hợp đồng đối với Uber. Trước đó, Bộ GTVT cũng đã thông qua Đề án của GrabTaxi Việt Nam với thời gian thí điểm 3 năm tại 5 thành phố lớn (2016-2018). Nhưng đến nay, Hà Nội và TP.HCM đều kiến nghị Bộ GTVT siết lại loại hình này.
Xe tăng không kiểm soát
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, đến nay, đề án thí điểm đã được triển khai tại 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa (từ tháng 1-2016 đến nay). Hiện nay, có 6 đơn vị cung cấp phần mềm chính thức tham gia thí điểm, 3 nhà cung cấp phần mềm đã có đề án gửi về Bộ GTVT và đang hướng dẫn hoàn thiện đề án; 235 đơn vị vận tải với 13.534 xe tham gia thí điểm.
“Qua thời gian thí điểm, ngành GTVT đã nắm bắt được số lượng đơn vị vận tải, số lượng phương tiện; bảo đảm được các điều kiện đối với phương tiện; nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử được đáp ứng. Hành khách được biết trước các thông tin về hành trình và khoản tiền phải chi trả cho chuyến đi,” ông Trần Bảo Ngọc nhận định.
Tuy nhiên, nhiều sở, ngành, địa phương, nơi đang trực tiếp quản lý và giám sát hoạt động của loại hình taxi online này lại không lạc quan như Bộ GTVT. Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, về bản chất, Uber và Grab là dạng taxi nên phải quản lý như taxi truyền thống, không phải xe hợp đồng ứng dụng công nghệ. Hiện nay, thực tế đang xảy ra tình trạng mỗi loại quản lý một kiểu. “Chúng tôi không nắm nổi Uber có mấy nghìn xe, chúng tôi đã “nài nỉ” xin số liệu mà không được, loại hình taxi này đã phát triển quá nhanh trong chưa đầy 1 năm”, ông Hà Huy Quang cho biết.
Nguyên nhân của tình trạng này là do logo doanh nghiệp chủ động dán với số lượng do Bộ duyệt nên Sở không nắm được và không quản lý được. Do đó, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Uber, Grab phải dán logo, thậm chí đeo mào để dễ nhận biết, quản lý và điều hành giao thông. Đại diện Sở GTVT Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT dừng mở rộng thí điểm vào thời điểm này và sớm kết thúc thí điểm để tổng kết, đánh giá và quyết định có cho phép làm tiếp hay không.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết, thành phố “bó tay” trong quản lý xe Grab và Uber. Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM lấy dẫn chứng, vào cuối năm 2015, TP.HCM chỉ có 200-300 xe dưới 9 chỗ chạy hợp đồng. Từ ngày 28-2-2016 bắt đầu thí điểm loại hình Grab, số lượng xe loại này tăng lên 2.437 xe, tới 31-8-2016 là 9.422 xe, tới tháng 12-2016 là hơn 15.000 xe và đến đầu tháng 4-2017 đã có hơn 22.000 xe. “TP.HCM đề nghị dừng cấp phép xe dưới 9 chỗ chạy hợp đồng và xây dựng quy hoạch xe hợp đồng, đồng thời yêu cầu dán logo, phù hiệu để quản lý”, ông Nguyễn Ngọc Giao đề nghị.
Sẽ tạm dừng mở rộng thí điểm
Đại diện Sở GTVT Khánh Hoà cũng cho rằng, đa số đối tác của Uber và Grab là xe tư nhân, núp danh trong dịch vụ hỗ trợ, do đó, đây là lỗ hổng quản lý dịch vụ. “Các quy định Nhà nước phải công bằng. Thế nhưng, trong khi chúng ta quản lý rất chặt xe taxi, thì lại quá lỏng lẻo xe hợp đồng”, vị này nói.
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay: “Chúng ta không thể lấy văn bản hành chính để cấm Uber hay Grab hoạt động được. Từ năm 2014, họ vào, chúng ta không cấp phép nhưng họ vẫn hoạt động, chúng ta có cấm được họ hay không? Điều quan trọng là phải đưa họ vào loại hình kinh doanh nào, để quản lý, thu được thuế”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thừa nhận, hiện nay, các văn bản pháp luật chưa theo kịp để quản lý loại hình Uber, Grab nên có sự lúng túng. Vì vậy, Bộ GTVT đang sửa Nghị định 86/NĐ-CP năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, nhằm có giải pháp tích cực để quản lý loại hình này.
“Các Sở GTVT không kiểm soát được hoạt động của các loại hình này cũng một phần xuất phát từ sự yếu kém của cơ quan quản lý Nhà nước. Vì vậy, cần thống nhất logo cho các xe hợp đồng, trước mắt Bộ sẽ tạm thời chưa cấp thêm đơn vị tham gia thí điểm”, ông Nguyễn Hồng Trường thông tin.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho rằng, với số lượng như báo cáo thì hiện xe hợp đồng tại các thành phố là quá lớn. Các Sở GTVT phải quy hoạch cụ thể số lượng xe cần có trên địa bàn, báo cáo Bộ GTVT, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để đưa ra lộ trình mới cho xe hợp đồng.
Đang đêm, tài khoản ở Hà Nội bỗng dưng bị trừ 2 cuốc taxi Uber ở... Nga Sáng 11-4, anh Hà (Hà Nội) nhận được tin nhắn SMS từ ngân hàng báo về tài khoản tín dụng bị trừ 150 USD. Tin nhắn ghi rõ, anh bị trừ do sử dụng dịch vụ của Uber để di chuyển 2 cuốc xe vào lúc nửa đêm. Kiểm tra hóa đơn báo về email, anh Hà mới phát hiện tài khoản của mình bị hack. Hacker đã thay đổi số điện thoại của anh và dùng tài khoản để thanh toán cho 2 cuốc xe ở Nga. Đại diện Uber Việt Nam cho hay, đây là trường hợp chưa từng xảy ra và Uber sau đó đã khôi phục tài khoản cũng như hoàn lại số tiền 150 USD cho anh Hà. Tuy vậy, đến nay, Uber vẫn chưa có lời giải thích về nguyên nhân gây ra sự cố nói trên. Đại diện Uber Việt Nam khuyến cáo, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng tài khoản Uber, hành khách nên sử dụng mật khẩu khó đoán (bao gồm cả số và chữ, chữ viết hoa và ký tự đặc biệt). Ngoài ra, cần thận trọng với những hành động lừa đảo đến từ các trang web giả mạo. |
Ngân Tuyền (ANTĐ)