Uber được phép hoạt động, Grab cầu cứu Thủ tướng vì bị Đà Nẵng cấm cửa
Bộ GTVT vừa chính thức thông qua Đề án ứng dụng khoa học kỹ thuật hỗ trợ vận tải của Uber. Tuy vậy, Grab dù được Bộ Giao thông cho phép triển khai thí điểm nhưng đã bị Đà Nẵng cấm cửa.
Trước đó vào tháng 2/2017, Bộ GTVT đã từ chối đề án thí điểm của đơn vị này với lý do Công ty Uber BV (công ty mẹ tại Hà Lan) uỷ quyền cho Uber Việt Nam tham gia đề án thí điểm và thực hiện các nghĩa vụ trong Quyết định số 24 là chưa phù hợp.
Ứng dụng Uber có tính năng hoạt động tương tự “ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử” nên cần được thực hiện các thủ tục đăng ký với Bộ Công thương. Bộ GTVT yêu cầu Uber Việt Nam khi chưa hoàn thiện các nội dung của Đề án để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam thì không cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành.
Grab vừa phải kêu cứu Thủ tướng Chỉnh phủ vì bị Đà Nẵng "cấm cửa" hoạt động
Trong khi đó, Grab dù đã được Bộ GTVT cho phép thí điểm trong thời gian 3 năm nhưng mới đây, Đà Nẵng đã nói không với ứng dụng này trên địa bàn của mình.
Để giải quyết sự việc này, ông Yen Hock Lim, đại diện ủy quyền tại Việt Nam của Công ty TNHH GrabTaxi, vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng cho phép Grab tiếp tục được triển khai hoạt động tại đây.
Theo ông Yen Hock Lim, yêu cầu của Sở GTVT Đà Nẵng xuất phát từ các đơn vị vận tải, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng taxi trên địa bàn thành phố.
Grab đã báo cáo Bộ GTVT về vấn trên. Ngày 23-12-2016, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND TP Đà Nẵng tiếp tục tạo thuận lợi và hướng dẫn cho Grab thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn TP Đà Nẵng theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Tuy nhiên cho đến nay, UBND TP Đà Nẵng vẫn chưa cho phép thí điểm ứng dụng của Grab tại thành phố này.
Ông Lim cho rằng yêu cầu tạm dừng không nêu thời hạn của Sở GTVT Đà Nẵng chưa phù hợp với nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triền doanh nghiệp đến năm 2020.
Yêu cầu tạm dừng này không những làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư hiện tại mà còn làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng vào Việt Nam. Đồng thời chưa phù họp với chỉ đạo của Thủ tướng cũng như quyết định của Bộ GTVT.
Đại diện Grab cũng cho rằng, việc Sở GTVT Đà Nẵng căn cứ trên phản ánh của các đơn vị taxi trên địa bàn để yêu cầu Grab VN dừng triển khai là chưa thỏa đáng vì việc này có thể chưa thực sự phù hợp với tinh thần của Luật cạnh tranh năm 2005.
Đồng thời làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch kinh doanh của Grab tại Đà Nẵng nói riêng và tại các thành phố đã triển khai là Hà Nội và TP.HCM, gây tâm lý không ổn định cho hàng ngàn người lao động là các lái xe đang tham gia thí điểm GrabCar, Grabtaxi tại hai thành phố này.
Grab đề nghị Thủ tướng có chỉ đạo kip thời cho các bộ liên quan và UBND TP Đà Nẵng theo hướng UBND TP Đà Nẵng cho phép Grab tiếp tục được triển khai tại Đà Nẵng theo đúng ý kiến chi đạo của Thủ tướng.
Bộ Tư pháp xem xét lại tính pháp lý của văn bản do Sở GTVT Đà Nẵng ban hành có yêu cầu Grab dừng ngay việc ký hợp đồng với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Ngân Tuyền (ANTĐ)