Bất quy tắc khi tham gia giao thông

| Thị trường
Xếp hạng 3.7 - 9 đánh giá

Mỗi người khi tham gia giao thông đều bị điều chỉnh bởi luật. Thế nhưng có những người vẫn cho mình quyền được đứng ngoài quy tắc ấy, xâm phạm quy tắc ấy và vượt qua nó. 

Bất quy tắc khi tham gia giao thông

Người đi bộ “hồn nhiên” vi phạm  Luật Giao thông vì “cậy” mình... yếu thế

Dạo trước, một số chị em tràn trề tình thương, một số anh em vô cùng dễ xúc động đã chia sẻ  clip về một pha cãi nhau giữa một cô gái trẻ với một cụ già có nhiều nếp nhăn. Đại thể, ngồi trước bàn phím, cộng đồng đông đảo đều bày tỏ thái độ bức xúc với người phụ nữ đã va chạm với một cụ già đáng tuổi bố mình mà không thèm cất lời xin lỗi. 

Tôi xem clip ấy với sự thận trọng hơn, bởi tôi cũng như hơn 90 triệu người dân Việt Nam khác không phải là người trực tiếp chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối, nên không thể phán xét tính đúng sai ở đây. 

Sau đó, người phụ nữ là nhân vật bị “tổng sỉ vả” nói trên đã phải lên mạng trần tình và nói ra cái chúng ta tạm tin là sự thật, một sự thật khác với những gì chúng ta suy đoán. 

Dĩ nhiên, cũng như hơn 90 triệu người dân khác tôi vẫn không thể biết người phụ nữ kia nói thật hay cụ ông kia không nói sai, nhưng tôi vẫn có một niềm tin rằng, dư luận vẫn dễ bị cảm xúc chi phối hành vi. 

Đó cũng là một bất quy tắc của giao thông. Người ta sẵn sàng bảo vệ người yếu thế kể cả khi họ sai, và lên án người khác kể cả khi biết rằng họ đúng. Các mẹ yêu con chẳng thế mà hay dặn đứa con thơ dại mới gần 30 tuổi của mình rằng, ra đường lỡ có va quệt thì dù mình có đúng thì cũng phải cất lời xin lỗi trước. Một sự nhịn là chín sự lành, thà chịu nhục còn hơn bị đập cho tơi bời. Đó là bất quy tắc thứ hai. 

Có một bất quy tắc khác được giao vào tay lái của những người tự cho mình là những người đã đổ xương máu để chúng ta có được ngày hôm nay.

Đó là những người đàn ông ngồi trên chiếc xe ba gác tự chế dán chằng chịt những chữ thể hiện họ là thương binh và chiến đấu ở đơn vị hay chiến trường nào. Tôi đã từng chứng kiến một người đàn ông ngồi trên chiếc xe ấy, hôm đó là một ngày đẹp trời, người đàn ông bật nhạc trên chiếc loa thùng nghe rất lùng nhùng một ca khúc cách mạng.

Có lẽ cảm xúc dâng trào và cũng là người đam mê phối khí, ông đệm vào tiếng nhạc những tiếng còi xe liên hồi. Kiểu ba hai một bằng tiếng còi rè, vẫn trong tâm trạng đấy ông vượt cả đèn đỏ như thể đó là điều tất nhiên. 

Bố tôi cũng là một thương binh, có những người thương binh không để lại chân hay tay mình ở chiến trường, họ còn chịu khó đem từ chiến trường về nhà mảnh đạn găm ở trong đầu hay đâu đó trong người.

Hà Nội có đầy rẫy những bất quy tắc, có một quy tắc mà những người lần đầu tiên đến nơi đông đúc nhộn nhịp này dặn nhau mỗi khi qua đường đó là, đừng nghĩ việc mình phải tránh người ta thế nào, chỉ cần nghĩ họ làm thế nào để tránh ta mà thôi. 

Với những người có công với đất nước, chúng ta nghiêng mình kính trọng và cảm kích, chúng ta nhắc nhớ họ và Nhà nước có chính sách dành cho người có công… nhưng không đồng nghĩa với việc chấp nhận họ là những người tham gia giao thông bất quy tắc. Cũng may, có nhiều lần những người cựu chiến binh thật hay thương binh thật đã lên tiếng khẳng định, không phải chiếc xe nào gắn biển thương binh cũng là người đã bước ra từ cuộc chiến và mang trong mình những vết thương chiến tranh. 

Hà Nội có đầy rẫy những bất quy tắc, có một quy tắc mà những người lần đầu tiên đến nơi đông đúc nhộn nhịp này dặn nhau mỗi khi qua đường đó là, đừng nghĩ việc mình phải tránh người ta thế nào, chỉ cần nghĩ họ làm thế nào để tránh ta mà thôi. Đời cũng như giao thông, có những bất quy tắc vẫn tồn tại như một sự hiển nhiên để lâu nó bỗng thành chân lý dĩ nhiên đúng. 

Hồ Viết Thinh (ANTĐ)

SourceXeHay