Thanh lý 1.100 xe công, giá trung bình 46,2 triệu đồng/chiếc
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện Quyết định số 32, tổng số xe công đã thanh lý là 1.105 chiếc, đã báo cáo số tiền thu được của 761 xe là 35,15 tỷ, bình quân 46,2 triệu đồng/xe.
Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, đến hết năm 2016 cả nước đang có 34.214 chiếc Xe Công, trong đó xe phục vụ chức danh 864, phục vụ công tác chung là 17.047, xe chuyên dùng là 16.300 chiếc. Ước tính chi phí cho 1 xe công trung bình 320 triệu đồng/năm, bao gồm chi phí khấu hao xe, xăng xe, lái xe, bảo dưỡng xe…
Đến nay, tổng số xe đã Thanh Lý là đã thanh lý là 1.105 chiếc, trong đó các đơn vị đã báo cáo số tiền thu được của 761 xe với số tiền 35,15 tỷ, tính ra bình quân giá thanh lý xe là 46,2 triệu đồng/xe. Ngoài ra, còn 2.041 chiếc xe dư thừa và phải thực hiện thanh lý, nhưng bộ ngành, địa phương chưa báo cáo với Bộ Tài chính về kết quả xử lý xe.
Đã có trên 1.100 chiếc xe công được thanh lý
Trước đó, từ 1-10, Bộ Tài chính đã thực hiện khoán kinh phí đưa đón xe công từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại với các chức danh từ Tổng cục trưởng trở lên theo công thức Đơn giá khoán x Số km khoán x 2 lượt x Số ngày làm việc của tháng. Theo công thức này, mức khoán cao nhất là 9,9 triệu đồng, mức thấp nhất là gần 4 triệu đồng. Tổng cộng mức chi khoán đối với 6 Thứ trưởng của Bộ Tài chính khoảng 44 triệu đồng/tháng. Sau đó, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng diện khoán xe công đến lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ. Từ ngày 1-3-2017, Hà Nội cũng triển khai thí điểm khoán xe công tại 8 đơn vị.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính tại Tờ trình dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 32 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước đang được bộ này xây dựng trình Thủ tướng xem xét, quyết định thì tiến tới sẽ khoán kinh phí bắt buộc từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên. Theo đó, các chức danh đủ tiêu chuẩn sẽ bao gồm: Thứ trưởng và tương đương ở Trung ương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập.
Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án xác định mức khoán: Thứ nhất là 6,5 triệu đồng/tháng; Thứ hai là trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác với đơn giá khoán là 16.000 đồng/km hoặc dựa trên đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương do bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định.
Hà Loan (ANTĐ)