Trả lại vỉa hè cho người đi bộ (1) : Phải "phẫu thuật" tư duy
Văn minh của một đô thị hiện đại đòi hỏi mọi trật tự cần được thiết lập, trong đó có việc phải xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, nơi vốn chỉ dành cho khách bộ hành.
Muốn trở thành đô thị văn minh, Hà Nội không thể tiếp diễn những hình ảnh nhếch nhác, lộn xộn này
Rất nhiều người biện minh rằng, kinh doanh, buôn bán hay ẩm thực Vỉa Hè là một trong những nét văn hóa của Hà Nội. Nhưng thực tế, đây chỉ là cách biện minh cho sự nhếch nhác.
Thói quen khó bỏ
Vỉa hè phố cổ ở Hà Nội vốn nhỏ và hẹp, nhưng từ nhiều năm nay, người ta mặc nhiên chuyển đổi công năng của nó thành một “đại siêu thị” không tốn tiền thuê chỗ. “Văn hóa vỉa hè” tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như các quán trà đá, cà phê, cơm bình dân, quán nhậu, bãi đỗ xe, tập kết vật liệu xây dựng… Không chỉ là nơi để người ta kiếm tiền mưu sinh, khách hàng của các hàng quán vỉa hè khi đến đây cũng có thể thoải mái nói cười mà chẳng cần giữ gìn ý tứ.
Vài chiếc ghế nhựa với một chiếc quang gánh, vỉa hè phố Hàng Bạc là nơi sáng sáng, chị Hoàng Thị Thu (quê Tiên Lữ, Hưng Yên) có thể kiếm được vài trăm nghìn để nuôi 2 đứa con ăn học. Bán hàng từ 6h sáng, gánh bún riêu của chị được khá đông người dân trong khu vực này ưa thích vì ngon và rẻ. Khách hàng ngồi la liệt xoay quanh gánh bún húp xì xụp, hít hà vì cay, nóng.
Và khi đứng lên thì xung quanh chiếc ghế nhựa rải rác giấy ăn trắng xóa được vo tròn hay mấy cọng hành xanh oặt ẹo. Nước canh thừa cũng được chị Thu tiện tay hất toẹt ra ngay mép cống lẫn cả những váng mỡ. Chị Thu cho biết: “Tôi bán muộn lắm cũng chỉ đến hơn 8h là cùng, bởi sau đó là cán bộ phường sẽ đi nhắc nhở. Mình buôn thúng bán bưng nên phải hoạt động theo kiểu “du kích” thì mới lâu dài được”.
Cách “du kích” của chị Thu là mỗi khi thấy bóng dáng của đội tự quản từ xa thì lập tức quẩy gánh bún lên vai và rẽ ngay sang phố Hàng Bè hoặc Mã Mây. Hôm nào gấp quá thì chị rảo bước xa hơn sang tận phố Tạ Hiện, mặc thực khách vẫn thản nhiên ngồi xổm bưng tô bún nghi ngút khói.
“Cán bộ chỉ bắt người bán chứ chẳng có lý gì phạt người ăn. Khách của em toàn khách quen, ăn xong mà em chưa quay lại thì họ cứ xếp bát đũa vào sát tường hoặc gốc cây để lát sau em ra lại lấy, hôm sau trả tiền cũng được” - chị Thu nói về chiêu thức né tránh của mình.
Sau “ca” bán bún của chị Thu, vị trí này đến phiên điểm kinh doanh trà đá của một hộ dân trong ngõ và đến tối thì nó được thay bằng quán nem chua nướng. Thực khách lúc nào cũng đông, xe máy dựng kín xung quanh nên khách du lịch có đi qua đây chỉ còn cách lách người xuống lòng đường. Phía đầu Hàng Bạc là phố Nguyễn Hữu Huân.
Thời gian gần đây con phố này bỗng dưng thu hút giới trẻ bởi hàng chục quán cà phê với bàn ghế bày kín vỉa hè mỗi tối. Lý giải cho việc lấn chiếm lối đi bộ hành, chị Bích - một chủ quán biện minh: “Thực ra xếp ghế ngoài vỉa hè cũng bất tiện, nhưng nhiều khi chính khách hàng yêu cầu như thế. Ra quán uống cà phê vì còn được ngắm người đi lại trên phố, nếu ngồi bên trong thì thà họ về uống ở nhà còn hơn”.
Vỉa hè là để cho người đi bộ
Không phải tuyệt đối, nhưng người Hà Nội bây giờ đa số xuất thân từ các làng quê nông thôn, nơi mà phong cách làng xã đã ngấm vào huyết quản. Và các thói quen tiện đâu ngồi đấy, có thể ăn uống, mua bán, trao đổi… ở bất cứ chỗ nào khiến nó luôn bộc lộ mỗi khi có điều kiện. Và dĩ nhiên, để thay đổi thói quen này là không dễ dàng.
Cũng nhiều ý kiến băn khoăn khi Hà Nội đặt quyết tâm lập lại trật tự đô thị mà bắt đầu từ việc kiên quyết dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè. Một số cho rằng, phía sau gánh hàng rong, quán trà đá, quán nhậu… là nguồn sống của nhiều gia đình và dù gì nó cũng góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Lối suy nghĩ theo kiểu này nhận được không ít ủng hộ vì có vẻ lọt tai. Tuy nhiên dường như người ta quên mất một điều, cổ vũ cho nó cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận cho vi phạm trật tự đô thị gây ảnh hưởng đến an toàn của nhiều người.
Những năm 90, khi Hà Nội có chủ trương cấm xích lô, không chỉ có chủ phương tiện mà còn có các học giả trí thức cũng liên tiếp lên tiếng. Rằng xích lô là văn hóa Hà Nội, rằng những người nghèo đạp xích lô nuôi cả gia đình sẽ biết làm gì để kiếm sống? Họ quên mất rằng, xã hội văn minh luôn có sự đào thải, những thứ nhếch nhác phải bị loại trừ.
Và rồi Hà Nội đã mất hẳn những chiếc xích lô nhếch nhác, hoen màu gỉ sắt không chỉ chở người mà còn đủ thứ thập cẩm như thịt lợn, rau xanh hay thậm chí cả lô tiểu sành đi nghênh ngang trên phố. Rất nhanh chóng, các phương tiện vận chuyển cơ giới được thay thế. Rõ ràng chẳng có nét đẹp nào xuất phát từ sự nhếch nhác và xấu xí.
Ở góc độ ATGT, ai cũng biết công năng của vỉa hè là để cho người đi bộ và việc lấn chiếm nơi này để kinh doanh bán hàng là vi phạm Luật Giao Thông nghiêm trọng. Khi khách bộ hành phải vất vả len lỏi giữa những hàng quán bày bán trên vỉa hè hay buộc phải đi xuống lòng đường để nhường chỗ cho “nơi làm ăn” của người khác thì cũng là lúc họ phải đối mặt với hiểm nguy từ ô tô, xe máy. Một đô thị văn minh hiện đại không thể có chỗ cho sự lộn xộn, mất trật tự, chiếm dụng sự tiện lợi nơi công cộng của đa số chỉ để làm lợi cho thiểu số.
(Còn tiếp)
Nguyễn Long (ANTĐ)