Lo bị "treo", Bộ GTVT không muốn quy hoạch trạm thu phí

| Thị trường
Xếp hạng 4.0 - 9 đánh giá

Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tổng thể trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ, cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030.

Một trong những quan điểm được lãnh đạo đưa ra là sẽ tập trung đầu tư hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, các dự án mới, không triển khai các dự án theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) đặt trên đường hiện hữu. Bên cạnh đó, Bộ GTVT kiến nghị dừng việc lập, phê duyệt quy hoạch tổng thể trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ, cao tốc Việt Nam với lý do “ngại” quy hoạch “treo”…

Lo bị

Bộ GTVT kiến nghị dừng quy hoạch trạm thu phí BOT

Không quốc gia nào lập quy hoạch trạm thu phí!

Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện nay, hệ thống quốc lộ có 88 trạm thu phí, trong đó có 62 trạm đang thu phí, 26 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư. Trên hệ thống cao tốc có 12 hệ thống thu phí, trong đó có 6 hệ thống đã thu phí, 6 hệ thống chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư.

Về khoảng cách và vị trí các trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ: Trong 88 trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ có 58 trạm (chiếm 66%) có khoảng cách đến trạm liền kề hơn 70km, có 10 trạm (chiếm 11%) có khoảng cách 60-70km, còn lại 20 trạm (chiếm 23%) có khoảng cách dưới 60km. Sau nhiều ý kiến về việc đặt trạm quá gần, mật độ trạm thu phí dày, mức thu phí cao, gây khó khăn cho người dân, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT lập quy hoạch tổng thể trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ, cao tốc.

Đến tháng 2-2017, Bộ GTVT đã có văn bản trình lên Thủ tướng Chính phủ với đề xuất “dừng lập quy hoạch tổng thể”. Lý do Bộ GTVT đưa ra là việc quy hoạch có thể quản lý, kiểm soát dự án BOT tốt hơn, nhưng định hướng đầu tư các dự án PPP (đối tác công tư) trong thời gian tới có nhiều thay đổi, tính khả thi của quy hoạch không cao. 

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, hiện trên thế giới chưa có quốc gia nào lập quy hoạch trạm thu phí, chỉ có một số quốc gia đưa ra tiêu chí về khoảng cách giữa các trạm để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước - nhà đầu tư - người sử dụng. 

Ngoài ra, Bộ GTVT cho rằng, tại các văn bản quy phạm pháp luật, chưa có quy định phải lập quy hoạch trạm thu phí. Hơn nữa, quy hoạch trạm chỉ là dự báo, việc đặt trạm thu phí phụ thuộc vào tính toán từng dự án cụ thể, tính khả thi lưu lượng xe, tính hấp dẫn của thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô nên tính ổn định, khả thi của quy hoạch không cao, không đủ cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn. “Trường hợp việc kêu gọi đầu tư các dự án PPP không thuận lợi dẫn đến việc triển khai dự án chậm hoặc không thể thực hiện thì thành quy hoạch “treo”, lãnh đạo Bộ GTVT bày tỏ. 

Theo quan điểm của Bộ GTVT, quy hoạch trạm thu phí có thể hạn chế việc tự nghiên cứu, đề xuất các dự án PPP của các nhà đầu tư do các dự án đề xuất có trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch được duyệt, điều này dẫn đến việc hạn chế số lượng các dự án PPP hiệu quả.

Chuyển phí đường bộ thành giá dịch vụ

Liên quan tới định hướng đầu tư các dự án PPP đường bộ trong thời gian tới, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ quan điểm chỉ tập trung đầu tư hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, các dự án mới, không triển khai các dự án theo hình thức BOT đặt trạm thu phí trên đường hiện hữu. Với các dự án cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu thực sự cấp bách, không thể cân đối được nguồn vốn, phải triển khai quy trình tham vấn ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô các địa phương và chỉ triển khai khi có sự đồng thuận của các bên. 

Về mức phí các trạm BOT, lãnh đạo Bộ GTVT nêu quan điểm, Bộ GTVT đã và đang đàm phán, thống nhất với các nhà đầu tư BOT để giảm phí.  Sau khi quy định về giá dịch vụ sử dụng đường có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15-11-2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý. Hiện nay, Bộ GTVT đang cùng các nhà đầu tư dự án BOT thương thảo, điều chỉnh mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ thành giá dịch vụ sử dụng đường bộ tuân thủ quy định của Luật Giá.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay