37% số vụ TNGT bắt nguồn từ việc uống rượu bia
Thống kê từ Cục CSGT cho thấy, có tới 36,6% số vụ TNGT xảy ra là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia.
Theo thống kê của Cục Csgt, trong năm 2016, cả nước xảy ra 21.568 vụ, làm chết 8.680 người, bị thương 19.280 người. So với năm 2015, giảm 1.259 vụ (-5,52%), giảm 47 người chết (-0,54%), giảm 1.789 người bị thương (-8,49%).
Đa phần Tai Nạn Giao Thông (TNGT) xảy ra trên đường bộ với 97,8%, đường sắt chiếm 1,7%, đường thủy nội địa chiếm 0,5% tổng số vụ TNGT.
Biểu đồ so sánh TNGT năm 2015 và năm 2016 (Nguồn: Cục CSGT)
So với năm 2015, TNGT đường bộ giảm 1.232 vụ (-5,52%), giảm 18 người chết (-0,21%), giảm 1.780 người bị thương (-8,55%). Hầu hết tại các địa phương TNGT đường bộ đều giảm trên cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, vẫn xảy ra 62 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 196 người, bị thương 222 người.
Đáng chú ý là vụ TNGT ở Bình Thuận xảy ra rạng sáng ngày 22-5, khiến 13 người thiệt mạng, 39 người khác bị thương và 3 xe khách giường nằm bị thiêu rụi; hay vụ TNGT xảy ra chiều ngày 9-2-2016 (mùng 2 Tết Nguyên đán) tại Chương Mỹ (Hà Nội) làm 4 người tử vong, 3 người khác bị thương nặng. Trong đó, có một gia đình gồm 5 người thương vong…
Hiện trường vụ TNGT xảy ra tại Bình Thuận ngày 22-5-2016
Trên các tuyến giao thông đường sắt xảy ra 360 vụ TNGT, làm chết 191 người, bị thương 229 người. So với năm 2015, giảm 45 vụ (-11,11%), giảm 27 người chết (-12,38%), giảm 10 người bị thương (-4,18%). Trong đó, vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra hôm 24-10-2016, giữa tàu SE 2 và ô tô 7 chỗ Honda CRV mang BKS 30A-602.25 tại huyện Thường Tín (Hà Nội), làm chết 6 người, bị thương 1 người.
Hiện trường vụ TNGT xảy ra trên địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội) ngày 24-10-2016
Đường thủy nội địa xảy ra 114 vụ TNGT, làm chết 72 người, bị thương 16 người. So với năm 2015, tăng 18 vụ (+18,75%), giảm 2 người chết (-2,7%), tăng 1 người bị thương (+6,66%). Đường thủy nội địa xảy ra 7 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 17 người, thiệt hại về tài sản hàng trăm tỷ đồng, như: vụ tàu kéo sà lan đâm sập trụ cầu Ghềnh (Đồng Nai), làm hai nhịp cầu rơi xuống sông, xảy ra hôm 20-3, khiến tuyến đường sắt Bắc – Nam bị tê liệt; hay vụ tàu Thảo Vân 2 chở 55 người bị lật trên sông Hàn tối ngày 4-6 khiến 3 người tử vong.
(Nguồn: Cục CSGT)
Qua phân tích các vụ TNGT đường bộ cho thấy, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các lỗi vi phạm TNGT như: Đi không đúng làn đường, phần đường quy định; không chấp hành tín hiệu đèn giao thông; chạy quá tốc độ…Đáng nói, nguyên nhân do sử dụng Rượu Bia chiếm tỉ lệ lớn số vụ TNGT trong năm 2016, với 36,6% tổng số vụ.
Và có tới 40% số vụ TNGT xảy ra vào khoảng thời gian từ 18-24h. Trong đó, mô tô, xe máy là loại phương tiện chủ yếu trong các vụ tai nạn khi chiếm tới 66,7%, với rất nhiều mô tô, xe máy cũ hoặc không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và an toàn.
Cũng theo thống kê của Cục CSGT, TNGT chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ (36%) và nội thị (34%), nơi có mật độ dân cư đông đúc, người và phương tiện tham gia giao thông đa dạng với mật độ cao, nhiều đường giao cắt, khá phức tạp trong bảo đảm TTATGT.
Trong khi đó, tỉ lệ này ở các tuyến cao tốc là 4%, nhưng tính chất nghiêm trọng của vụ TNGT trên tuyến này cũng ở mức tương đương. Điển hình là vụ TNGT trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, xảy ra chiều ngày 19-11 khiến 4 người tử vong và 6 người khác bị thương phải nhập viện điều trị.
CSGT kiên quyết lập biên bản xử phạt các hành vi vi phạm giao thông
Và để giảm thiểu TNGT trong thời gian tới, Cục CSGT cho rằng, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng CSGT cần tăng cường công tác TTKS, xử lý vi phạm, tập trung các hành vi vi phạm về làn đường, phần đường, chạy quá tốc độ, sử dụng nồng độ cồn khi tham gia giao thông; đẩy mạnh việc đảm bảo TTATGT tại khu vực đông dân cư; thực hiện chiến dịch kêu gọi không sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện….
Ngoài ra, các cơ quan chức năng đẩy mạnh phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, góp phần cải thiện tình hình trật tự an toàn giao thông, hướng tới giảm thiểu TNGT và xây dựng văn hóa giao thông.
Yến Nhi (ANTĐ)