Suôn sẻ 2 ngày đầu vận hành xe buýt nhanh
Ngày 31-12-2016, Sở GTVT Hà Nội và Tổng Công ty vận tải Hà Nội - Transerco đã đưa tuyến buýt nhanh 01 lộ trình bến xe Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa vào vận hành.
Hơn 500 chuyến Buýt Nhanh đã được thực hiện trong 2 ngày đầu tiên
Trong buổi trải nghiệm đầu tiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ thực hiện đúng mục tiêu của dự án đề ra từ đầu, ưu tiên vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng thông tin, sau quá trình chạy thử nghiệm, sẽ có những điều chỉnh để BRT vận hành một cách hợp lý nhất, phát huy hết tác dụng.
Ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp buýt nhanh BRT (Transerco) cho biết, tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đã có những ngày đầu vận hành tương đối ổn định. “Ước tính, trong 2 ngày đầu (31-12-2016 và 1-1-2017), buýt nhanh BRT thực hiện hơn 520 chuyến lượt với tần suất 5-10-15 phút/chuyến, tùy từng thời điểm. Đến thời điểm này, các lượt xe vẫn được thực hiện đúng theo biểu đồ, không có trục trặc gì lớn ảnh hưởng đến hoạt động”, ông Nguyễn Thủy thông tin.
Tuy vậy, qua những ngày đầu vận hành, phía đơn vị khai thác nhìn nhận, việc khớp nối của xe với nhà chờ cũng chưa chuẩn 100%. Theo yêu cầu kỹ thuật, việc kết nối xe với nhà chờ đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối; sai lệch 5-10cm cũng có thể khiến hệ thống cửa kính tự động của nhà chờ không hoạt động, do đó, đôi lúc vẫn có trường hợp lái xe phải căn chỉnh lại vị trí đỗ để có thể khớp nối được xe và nhà chờ.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thủy, sau ngày đầu nhận bàn giao, đơn vị cũng nhận thấy hệ thống thông tin hướng dẫn hành khách trên tuyến còn thiếu rất nhiều. Đây cũng là lý do khiến nhiều khách không biết làm cách nào để vào bên trong nhà chờ.
Để khắc phục, Transerco đã gấp rút dán các thông tin cảnh báo hành khách về cửa tự động để người dân biết và không đứng gần. Việc này đã được hoàn thiện ngay trong ngày 1-1. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, tổng kết để có những kiến nghị với cơ quan chức năng về việc tổ chức, vận hành hệ thống nhằm đảm bảo việc đi lại của hành khách được an toàn và thuận tiện nhất. Trước mắt, chúng tôi sẽ kiến nghị tăng cường lực lượng chức năng tại các nút giao trong toàn bộ khung giờ hoạt động để giúp phân làn, hướng dẫn giao thông”, ông Nguyễn Thủy nói.
Về ý kiến cho rằng, xe buýt nhanh chiếm diện tích đường lớn, trong khi lượng phương tiện lưu thông đông, việc dành riêng làn đường cho xe buýt sẽ ảnh hưởng đến các phương tiện khác, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho rằng, phải xác định buýt nhanh BRT là phương tiện công cộng cần được ưu tiên, khi đó, chắc chắn sẽ có một bộ phận phương tiện khác bị ảnh hưởng. Vì hạ tầng giao thông có giới hạn, không thể tổ chức giao thông theo kiểu “dàn hàng ngang”, với mức độ ưu tiên các thành phần như nhau.
Ngân Tuyền (ANTĐ)