"Triệt" tai nạn giao thông bằng công nghệ
Tai nạn giao thông luôn là một vấn đề đáng lo ngại cướp đi 1,25 triệu sinh mạng mỗi năm trên thế giới. Việc ứng dụng mạnh mẽ những kết quả nghiên cứu khoa học đã góp phần kéo giảm tình trạng này.
Hệ thống rào chắn bánh xoay bảo vệ lái xe khỏi những cú va chạm và cứu sống được nhiều người
Rào chắn của tương lai
Để Giảm Thiểu số thương vong do những Tai Nạn mất lái đâm vào lan can đường quốc lộ, Công ty Hàn Quốc ETI CO LTD đã thiết kế “Hệ thống rào chắn bánh xoay” độc đáo. Rào chắn bánh xoay không chỉ hấp thu lực va chạm, chúng còn chuyển đổi lực này thành lực xoay để đẩy xe dọc theo lan can, ngăn chặn va chạm trực diện với xe. Sản phẩm của ETI có những thùng xoay (bánh xoay) làm bằng nhựa EVA với khả năng hấp thụ tốt lực va chạm, ngoài ra còn có khung đệm 3 chiều và dụng cụ đặc biệt hỗ trợ khung. Bánh xoay được dán tấm phản quang giúp lái xe nhìn rõ hơn.
EVA linh hoạt hơn và đàn hồi tốt hơn so với các loại nhựa polyethylene khác, đồng thời có các tính năng tương tự như cao su. Khi một chiếc xe chạm vào lan can, thùng xoay chuyển lực va chạm thành lực xoay. Khung trên và dưới của lan can sẽ chắn lốp xe để ngăn hệ thống lái mất chức năng. Bánh xoay lắp kiểu đường ray và thanh chống mềm dẻo giúp hấp thụ sốc từ tai nạn và khung có bề mặt mịn giúp điều chỉnh lốp xe và dẫn hướng chuyển động để ngăn chặn va chạm từ phía sau lần hai. Các cấu trúc khung và đệm 3 chiều hình chữ D sẽ phân phối và hấp thụ lực sốc lần thứ hai.
Thanh chống cách nhau khoảng 0,7m làm tăng sức chịu lực để ngăn phương tiện giao thông trật bánh. Chúng được ráp lại với nhau, nếu có sự cố thì chỉ cần thay thế phần bị hỏng. Điều này giúp chi phí bảo trì ở mức thấp. Công ty ETI còn đưa ra các thùng xoay khác nhau cho lề đường, dải phân cách, đường hầm.
Các cảm biến sử dụng sóng laser có độ nhạy rất cao
Giảm tai nạn xe buýt bằng Công Nghệ laser 3D
Tại các thành phố giao thông đông đúc, không tránh khỏi các vụ va chạm xe buýt và tình trạng tắc đường. Với hệ thống laser 3D của Tập đoàn thiết bị điện công nghiệp IHI (Nhật) hứa hẹn sẽ giảm đáng kể các va chạm đáng tiếc giữa xe buýt và các phương tiện cá nhân khác, đồng thời kiểm soát hành trình của xe buýt giúp giải tỏa tình trạng tắc đường.
Hệ thống này được lắp đặt tại các nút giao thông “nóng”, cấu tạo gồm các cảm biến dùng sóng laser để đo khoảng cách, tốc độ và hướng chuyển động của người và xe. Các cảm biến sử dụng sóng laser có độ nhạy rất cao, xác định vị trí của đối tượng chỉ trong 0.1-3 giây và có thể làm việc chính xác trong các điều kiện phức tạp như đêm tối hay thời tiết xấu.
Hệ thống sẽ phân tích các dữ liệu nhận được và gửi về các thiết bị gắn trên xe buýt. Nhờ hệ thống này, nguy cơ xảy ra va chạm do các phương tiện chạy ngược chiều hay lao ra từ… ngõ được giảm đáng kể vì hệ thống có tác dụng “mở rộng tầm nhìn”. Các thiết bị trên xe buýt được tích hợp chức năng can thiệp tới việc vận hành để giúp ngăn chặn nguy cơ tai nạn.
Gờ giảm tốc “giả”
Chính quyền Ấn Độ đang xem xét về việc sử dụng các hình vẽ 3D thay cho các gờ giảm tốc thật trên các tuyến đường huyết mạch, nhằm giúp giảm tình trạng tai nạn giao thông. “Chúng tôi đang thử nghiệm các gờ giảm tốc “ảo” bằng hình vẽ 3D, nhằm tránh cho các lái xe phải phanh gấp quá thường xuyên”, Bộ trưởng Giao thông Ấn độ Nitin Gadkari viết trên trang Twitter cá nhân.
Hình vẽ 3D có thể dễ dàng được nhìn thấy từ xa vì chúng rất nổi bật, giúp lái xe sớm nhận thấy cảnh báo và từ từ giảm tốc, thay vì những cú phanh gấp nguy hiểm. Không chỉ gờ giảm tốc, hình vẽ 3D còn được áp dụng để thay thế cho các vạch kẻ sang đường dành cho người đi bộ.
Trước đó, Ấn Độ đã loại bỏ hoàn toàn các gờ giảm tốc trên các tuyến đường cao tốc, do sự nguy hiểm chúng gây ra cho các phương tiện chạy với tốc độ cao.
Minh Hiển (ANTĐ)