Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Phải tìm ra căn nguyên của tai nạn giao thông
Dù đã giảm đi khá nhiều so với các năm trước nhưng hiện mỗi ngày, tai nạn giao thông vẫn cướp đi sinh mạng của 24 người.
Tại Hội nghị an toàn Giao Thông toàn quốc diễn ra sáng 22-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, phải tìm ra căn nguyên, Nguyên Nhân gốc của TNGT để kéo giảm TNGT trong thời gian tới.
Xe điện thí điểm trong khu vực hạn chế vẫn chạy ra đường giao thông công cộng
Nửa triệu người bị tước giấy phép lái xe
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, những năm qua, TNGT liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2015, số người chết do TNGT đã giảm trên 12.500 người so với giai đoạn 2006-2010; năm 2016 TNGT vẫn tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí.
Tuy nhiên, trật tự ATGT ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, TNGT vẫn ở mức cao. Mỗi ngày, trung bình còn 24 người chết và gần 60 người bị thương tật vĩnh viễn do TNGT. “Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, xây dựng văn hóa giao thông để khắc phục, kiềm chế và đẩy lùi TNGT, ùn tắc giao thông”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dù TNGT đang có xu hướng giảm, nhưng để giảm được 50% số người chết vào năm 2020 là một nhiệm vụ khó khăn, nhất là trong bối cảnh, phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân còn thấp, sự phối hợp giữa các bộ, ngành quản lý Nhà nước còn kém nhịp nhàng, hiệu quả.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, theo thống kê, có đến nửa triệu người bị tước Giấy phép lái xe nhưng không đến giải quyết. “Điều này chứng tỏ, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa tốt, vì vẫn có những trường hợp 1 người có đến 2-3 bằng lái xe hay xe đã hết hạn kiểm định nhưng vẫn lưu thông, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa…”, Thiếu tướng Trần Sơn Hà nói.
Cục trưởng Cục CSGT cho rằng, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi phải quy định rõ ràng trách nhiệm của từng bộ, ngành để tránh tình trạng “hầm bà lằng”, không rõ trách nhiệm bên nào. Thiếu tướng Trần Sơn Hà đề xuất, với Luật Giao thông đường bộ sửa đổi lần này, có thể xem xét tách thành 2 luật: một luật về ATGT và một luật về đường bộ.
Không nên phân biệt biển xanh - biển trắng
Liên quan đến quản lý phương tiện, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội ATGT, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, nên xếp ô tô điện, xe máy điện vào phương tiện cơ giới đường bộ, bởi về tính chất vẫn là xe cơ giới đường bộ chở người, chỉ khác nhau là chạy bằng năng lượng khác.
Đồng quan điểm này, Thiếu tướng Trần Sơn Hà thông tin, đang có hiện tượng doanh nghiệp lách luật để nhập phương tiện cơ giới đường bộ vào nội địa với cụm từ “chạy thí điểm”. “Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô về lại khai báo là nhập “khung, gầm gắn động cơ”, hay phương tiện 4 bánh gắn động cơ, thực chất là ô tô và ô tô điện về để chạy thí điểm. Nhưng tại nhiều địa phương, xe điện chạy thí điểm trong khu hạn chế vẫn chạy ra cả đường giao thông công cộng. Đây là kẽ hở cho doanh nghiệp lách luật”, Thiếu tướng Trần Sơn Hà nói.
Ngoài ra, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai Trần Ngọc Sơn cho rằng, luật cần quy định thống nhất một loại biển kiểm soát phương tiện giao thông trên toàn quốc. Hiện nay, người dân dùng biển kiểm soát màu trắng, trong khi lực lượng chức năng sử dụng xe biển xanh. “Pháp luật phải bình đẳng, mọi người đều có quyền như nhau, không thể để biển xanh ưu tiên hơn biển trắng…” - ông Trần Ngọc Sơn bày tỏ.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà cũng cho rằng, việc thống nhất một loại biển kiểm soát là cần thiết. “Sắp tới, nếu sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, cần xem xét vấn đề này…”, Thiếu tướng Trần Sơn Hà nói.
Ùn tắc giao thông hiện cũng đang là vấn đề nhức nhối tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng hiện có tới 800.00 xe máy, 62.000 ô tô và khoảng 5.000 xe máy, xe đạp điện gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông. “Đà Nẵng muốn xây dựng lộ trình để tiến tới từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc nhưng chưa biết căn cứ vào đâu, quy định nào cho đúng pháp luật và thuyết phục người dân”, ông Nguyễn Hữu Cường băn khoăn.
"Việc thống nhất một loại biển kiểm soát là cần thiết. Sắp tới, nếu sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, cần xem xét vấn đề này". Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an |
Ngân Tuyền (ANTĐ)