Thái Lan quyết "trị" nạn tắc đường
Tắc đường - “căn bệnh mãn tính” tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan sắp có “đơn thuốc” đặc trị khi Phó Thủ tướng nước này P. Wongsuwon chỉ thị cho các ban ngành phải giải quyết vấn nạn này trong vòng 1 tháng.
Hình ảnh thường thấy tại Thủ đô Bangkok
Là một trong những thành phố du lịch náo nhiệt nhất thế giới, Bangkok cũng là nơi gây ra “ác mộng” cho cánh lái xe. Trong bảng xếp hạng Traffic Index 2016 của Công ty TomTom chuyên về Giao Thông và dịch vụ dẫn đường của Hà Lan công bố hồi tháng 3 năm nay, Bangkok chiếm giữ vị trí “á quân”, xếp sau Mexico City về tắc đường. Theo bảng xếp hạng này, trung bình mỗi năm người dân Bangkok mất thêm 232 giờ cho việc đi lại vì tắc đường.
Tình hình tắc đường ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế. Chẳng hạn, người dân thay đổi thói quen chi tiêu như chọn mua đồ ăn từ các hiệu thức ăn nhanh để tiết kiệm thời gian đi lại, thay vì vào hàng quán, khiến doanh thu dịch vụ giảm sút. Thiệt hại rõ rệt nhất là hao tốn nhiên liệu. Theo các con số thống kê, mỗi năm Bangkok thiệt hại 11 tỷ baht (khoảng 320 triệu USD) do nguyên nhân này.
Xét về cơ sở hạ tầng giao thông, Bangkok không thua kém nhiều thành phố khác ở Đông Nam Á. Thành phố này có nhiều trục đường lớn cùng hệ thống cầu vượt, đường cao tốc trên không chạy trong thành phố, bốn tuyến tàu điện với tổng chiều dài gần 100km và vẫn đang được mở rộng thêm. Ngoài ra còn có hệ thống buýt thường, buýt nhanh, thuyền buýt và xe ôm tham gia giao thông.
Tuy nhiên, tắc đường ở Bangkok trở nên trầm trọng từ khi chính phủ ban hành chính sách hoàn thuế cho người lần đầu mua xe hơi vào năm 2011 nhằm khuyến khích người có thu nhập thấp và trung bình chuyển từ xe máy sang xe hơi, giúp tạo thị trường cho ngành công nghiệp “xe sinh thái” mới nổi lúc đó.
Vì giá xe hơi khá rẻ, lại được chính phủ hỗ trợ 100 ngàn Bath và phần còn lại sẽ trả góp trong nhiều năm, nên đa số người dân đều mua được xe hơi. Kết quả là số xe ở Bangkok lên tới 8,9 triệu xe, nhiều hơn con số 6 triệu dân ở đây.
Trở lại với kế hoạch giải quyết nạn tắc đường của Phó thủ tướng P. Wongsuwon. Theo tờ Bangkok Post, Cục Cảnh sát đô thị Bangkok và 53 ban ngành đã họp bàn để đưa ra các phương án tức thời và lâu dài. Trước mắt, lệnh cấm mua xe mới đối với những người không bảo đảm có chỗ đậu xe mà chính quyền thành phố ban hành vào năm 2015 tiếp tục được thực hiện.
Một số biện pháp khác để hạn chế xe lưu thông là phạt tiền những người đỗ xe trên các tuyến đường trong những quận trung tâm gây ra tắc nghẽn, hoặc tăng phí dịch vụ ở các bãi đậu xe trong trung tâm thành phố…
Những phương án được đề xuất thêm như thành lập tòa án riêng chuyên xử lý các vụ vi phạm giao thông, nâng cao chất lượng cảnh sát, điều chỉnh giờ làm việc, tước bằng lái, tăng phạt gấp bốn lần và quy định ngày được lưu thông cho xe có biển số chẵn - lẻ.
Ngoài ra, một lực lượng cảnh sát đặc biệt với đường dây nóng 1197 hoạt động 24/24 giờ cũng được thiết lập để người dân có thể gọi cảnh sát bất cứ khi nào xảy ra vấn đề liên quan đến giao thông. Một số dải phân cách có diện tích quá lớn được thu hẹp lại để lấy diện tích cho xe cộ.
Trong khi Chính quyền Bangkok đầu tư ngân sách vào hệ thống vận tải công cộng như mua thêm tàu điện trên cao, thì Chính phủ trung ương cũng có kế hoạch xây thêm 300 km đường ray tàu điện ở thủ đô, nối Bangkok với các vùng ngoại ô. Nhưng liệu Bangkok có thoát được danh hiệu “thành phố tắc đường” thì chưa ai có thể trả lời.
Hoàng Sơn (ANTĐ)