Tham vọng giảm ùn tắc giao thông bằng xe đạp

| Thị trường
Xếp hạng 4.1 - 9 đánh giá

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia thông tin, hàng ngày, ông vẫn đi làm bằng xe đạp. Vị Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, nếu được tổ chức khoa học, kết nối hiệu quả với hệ thống vận tải hành khách công cộng, xe

Tham vọng giảm ùn tắc giao thông bằng xe đạp

Xe đạp có thể là phương tiện kết nối giữa các loại hình vận tải công cộng

Nhận thức sai về phương tiện

Ông Khuất Việt Hùng cho biết, tình trạng ùn tắc hiện nay tại các đô thị lớn như , TP.HCM đang có chiều hướng phức tạp, gây bức xúc và có nguy cơ kéo lùi sự phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá rất cao việc Sở GTVT Hà Nội đã sớm xây dựng đề án quản lý phương tiện cá nhân vừa đưa ra lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia và người dân. 

Để giải bài toán về hạn chế phương tiện cá nhân, bên cạnh việc phát triển các loại hình vận tải công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, xe đạp chính là giải pháp kết nối hữu hiệu giữa các điểm trung chuyển, bến xe, nhà ga trong thành phố.  “Trong quá trình quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông công cộng, các thành phố nên tính toán, đưa phương tiện xe đạp công cộng trở thành giải pháp kết nối giao thông, giảm phương tiện cơ giới cá nhân”, ông Khuất Việt Hùng nêu quan điểm. 

Theo tính toán của Ủy ban ATGT quốc gia, khoảng 40-45% số chuyến đi tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM ở cự ly 4km và hoàn toàn có thể đi xe đạp. “Tôi hàng ngày vẫn đạp xe đi làm và không thấy vấn đề gì. Chỉ có điều khi đến các cơ quan, bộ, ngành họp thì mọi người nhìn tôi hơi lạ. Tôi thấy nhận thức của người dân về xe đạp chưa đúng. Nhiều người nghĩ đi xe đạp là nghèo, bị ghẻ lạnh. Cần phải thoát khỏi xe đạp để tiến lên xe máy và tiếp nữa là thoát khỏi xe máy để tiến lên ô tô mới văn minh. Dường như ai cũng phải cố lấy một chiếc ô tô để thay đổi hình ảnh của mình”, ông Khuất Việt Hùng bày tỏ.

Ông Khuất Việt Hùng dẫn chứng, ở nhiều thành phố châu Âu như London, Paris, Copenhaghen, Lucxembourg… người dân lại đang tìm cách để từ ô tô quay trở lại xe đạp. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, những thành phố lớn này xem việc phát triển mạng lưới xe đạp như một giải pháp cho vấn đề ách tắc giao thông dù các đô thị này đều đang sở hữu hệ thống tàu điện ngầm thuộc loại tốt nhất thế giới.

Cho phép xe đạp lưu thông trong phố đi bộ

Ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho rằng, chỉ nên xem xe đạp là “gia vị” của “món ăn” giao thông công cộng, chứ sử dụng nhiều là không hợp lý. “Đường sắt đô thị không kết nối được với loại hình khác thì chỉ như là “ngôi sao cô đơn”. Đường sắt đô thị, xe buýt không cạnh tranh với xe đạp, “xe ôm”, taxi mà coi là “anh em” trong một nhà vì tính kết nối giữa các loại hình vận tải này, đều nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách” - ông Vũ Hồng Trường nhìn nhận.

Còn ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, khi tham gia giao thông cùng với các phương tiện khác, xe đạp có thể không an toàn. “Xe đạp phù hợp với cự ly 5km trở lại, sẽ tạo ra hiệu quả nếu được kết nối tốt với phương tiện công cộng (như Nhật Bản, Hà Lan... đã làm). Tuy nhiên, do thua kém về tốc độ, tính tiện ích, xe đạp vẫn chỉ là loại phương tiện cổ lỗ, chưa thể thay thế và cạnh tranh xe máy... Xe đạp chỉ là phương tiện phụ trợ, kết nối giao thông công cộng trong tương lai”, ông Nguyễn Xuân Thủy phân tích.

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, với dự thảo Đề án quản lý phương tiện cá nhân của Sở GTVT chưa có “chỗ đứng” cho xe đạp. Do đó, Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị Sở GTVT báo cáo UBND TP Hà Nội trong không gian phố đi bộ nên cho phép xe đạp được lưu thông, xem xét những đoạn, tuyến phố mật độ giao thông cao nhưng tốc độ không quá 30km/h thì xe đạp được lưu thông bình thường mà không cần phải phân làn.

“Cần có các giải pháp điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới giao thông trên địa bàn thành phố, trong đó cần được quy hoạch vị trí điểm tập kết hợp lý cho phương tiện xe đạp tại các khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người sử dụng và sự bổ trợ, kết nối trong mạng lưới vận tải công cộng”, ông Khuất Việt Hùng nêu ý kiến.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay