Hạn chế phương tiện cá nhân: Cần lộ trình phù hợp
Tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, xu hướng hạn chế xe cá nhân là tất yếu, bởi hạ tầng không thể theo kịp tốc độ tăng của phương tiện. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, vì điều này ảnh hưởng rất lớn đến người dân nên phải có lộ trình cũng như phương
Hạ tầng Giao Thông Hà Nội luôn ở trong tình trạng quá tải
Hạn chế, nhưng người dân đi bằng gì?
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó có Xe Máy đã được đề cập từ lâu và sẽ phải làm, nhưng làm thế nào để đạt được kết quả mới là quan trọng. “Xe máy tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang tăng chóng mặt. Muốn hạn chế xe cá nhân phải căn cứ nhiều yếu tố như kinh tế xã hội, mức sống của người dân, nghiên cứu xã hội học để đánh giá cụ thể chứ không thể làm tùy tiện…”, ông Bùi Danh Liên góp ý.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, thành phố phải giải được bài toán bố trí phương tiện công cộng thế nào để người dân đi lại thuận tiện nhất. Khi nhu cầu đi lại được đáp ứng thì người dân sẽ tự giác bỏ xe cá nhân chứ không cần áp dụng mệnh lệnh hành chính.
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng cho rằng, việc hạn chế xe máy phải phụ thuộc vào tốc độ phát triển của giao thông công cộng. “Rõ ràng, các đô thị lớn đã rơi vào cảnh quá tải phương tiện nhưng đây là do tầm nhìn của cơ quan chức năng chưa theo kịp sự phát triển chứ không phải lỗi của người dân. Người dân có nhu cầu đi lại nên mới bỏ tiền ra mua xe”, ông Nguyễn Xuân Thủy nói.
TS Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ, lộ trình Sở GTVT Hà Nội đặt ra từ nay đến năm 2025 hạn chế xe cá nhân gồm cả ô tô, xe máy là chưa hợp lý, thay vào đó chỉ nên hạn chế xe vào giờ cao điểm. “Chỉ còn gần 10 năm nữa thì vận tải công cộng của Hà Nội chưa thay đổi được nhiều. Đến năm 2020 - 2025, vận tải công cộng không thể đảm bảo các mục tiêu như dự thảo Đề án đưa ra”, ông Nguyễn Xuân Thủy phân tích.
Nếu cấm phương tiện cá nhân thì vận tải công cộng sẽ phải đảm nhận việc kết nối, di chuyển của người dân nhưng TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, tốc độ phát triển vận tải công cộng quá chậm. Thực tế, tuyến buýt nhanh BRT trên địa bàn Hà Nội nhiều năm vẫn chưa thể vận hành.
Một số tuyến đường sắt đô thị thí điểm như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội xây dựng suốt 6 năm chưa hoàn thành. TS Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ: “Nếu giao thông công cộng không đáp ứng yêu cầu thì làm sao hạn chế được người dân sử dụng xe cá nhân. Do vậy, cần phải có một lộ trình phù hợp”.
Vận tải công cộng ì ạch
Là một trong những đơn vị phối hợp với Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu, xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố”, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT cho biết, dự thảo chỉ mới đưa ra cơ sở dữ liệu ban đầu để thảo luận, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý.
Cho rằng vận tải công cộng phát triển ở mức độ nào sẽ quyết định đến sự thành hay bại của chính sách hạn chế phương tiện cá nhân, ông Lê Đỗ Mười nhấn mạnh, chiến lược đặt ra nhưng nguồn lực chưa đủ để đầu tư vì đường sắt đô thị, xe buýt nhanh đều đắt đỏ. “Chúng tôi xác định xe buýt vẫn là xương sống cho Hà Nội đến năm 2030, cần quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới, rà soát nhu cầu, sắp xếp các tuyến xe buýt để đảm đương khối lượng vận tải lớn”, ông Lê Đỗ Mười cho hay.
Thành phố sẽ lựa chọn chủng loại xe phù hợp với từng khu vực, như khu phố cổ sẽ khôi phục xe nhỏ kết nối với các trục lớn; các xe lớn kết nối với các làng nghề, ngoại thành. Mạng lưới xe buýt sẽ kéo dài các tuyến đến các xã thuộc Đông Anh, Sóc Sơn, Ba Vì… các điểm trung chuyển, nhà chờ sẽ được bố trí nhiều ở ngoại thành, làm tăng sức hút để người dân sử dụng xe buýt thay vì phương tiện cá nhân đi vào nội đô.
Ngân Tuyền (ANTĐ)