Gia tăng nguy cơ ùn tắc giao thông tại Hà Nội
Đã thành quy luật, từ đầu tháng 9 cho đến cuối năm, áp lực về giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng tăng cao. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra không chỉ trong giờ cao điểm sáng và chiều tối mà còn xảy ra vào buổi trưa trên nhiều tuyến phố
Mật độ phương tiện đông, gia tăng trong dịp cuối năm cũng là nguyên nhân chính gây ra ùn ứ Giao Thông
Ùn Tắc trong nhiều khung giờ
Theo Đại úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội, thời điểm tháng 9 cho đến cuối năm, theo quy luật tự nhiên, giao thông trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và các vùng lân cận đều tăng cao. Đang vào mùa cưới, trên địa bàn đơn vị quản lý có khá nhiều điểm tổ chức sự kiện, lễ cưới như Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội hay khu vực Hàm Tử Quan. Nhiều gia đình trong các tuyến phố cổ, phố cũ khi nhà có việc còn dựng rạp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Chính vì vậy có những lúc cao điểm một buổi trưa hoặc tối diễn ra vài lễ cưới, mật độ phương tiện tập trung ở những điểm, tuyến đường này tăng đột biến, ảnh hưởng đến những tuyến đường xung quanh và gây ra cảnh ùn tắc cục bộ.
Cũng theo đại diện chỉ huy Đội CSGT số 1, thời gian ùn tắc không phải buổi sáng hay chiều tối mà là buổi trưa, thời điểm dân công sở trên địa bàn tranh thủ ra ngoài mua sắm, ăn uống. Càng về cuối năm mức độ đi lại, nhu cầu mua sắm, giao thương càng tăng nên Nguy Cơ ùn tắc cao.
Nếu như Đội CSGT số 1 chịu áp lực chống ùn tắc vào buổi trưa thì hầu hết các đơn vị khác lại đang phải quần quật chống ùn tắc trong cả 3 khung giờ sáng, trưa, chiều tối. Thượng tá Nguyễn Văn Hoan, Đội trưởng Đội CSGT số 4 cho biết, mỗi ngày, đơn vị bố trí tới 16 CBCS phối hợp với các lực lượng để điều hành giao thông, song nguy cơ ùn tắc ở dưới chân cầu Vĩnh Tuy, đường Minh Khai lúc nào cũng thường trực. Số lượng xe khách chở học sinh lưu thông trên tuyến đường này đã tạo áp lực lớn về giao thông. Trên tuyến đường Tam Trinh, xe tải, xe container, xe khách chạy với mật độ cao, lòng đường khá hẹp, xấu, nên tốc độ lưu thông rất chậm. Trên tuyến đường Trần Khánh Dư kéo dài nhiều đoạn vẫn đang thi công, chưa hoàn thành đã tạo sự ùn tắc cục bộ trong những khung giờ cao điểm...
Ùn tắc giao thông còn phải kể đến tuyến đường Láng, quận Đống Đa. Kể từ khi cầu Nhật Tân đi vào sử dụng, dòng phương tiện theo hướng từ sân bay Nội Bài về nội đô, đổ dồn xuống đường Láng tăng cao. Những trục đường cắt ngang với đường Láng như Trần Duy Hưng kéo lên Nguyễn Chí Thanh hay Lê Văn Lương-Láng Hạ, dù đã có hệ thống cầu vượt song mật độ phương tiện lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Xuôi về khu vực cầu vượt Ngã Tư Sở, phương tiện lại bị ùn ứ bởi đường Trường Chinh, Đại La. Ngay cả tuyến đường Nguyễn Trãi dù đã thi công xong hầm đường bộ tại nút giao với đường Khuất Duy Tiến nhưng những rào chắn dọc trục đường này xuống dưới Hà Đông; hay trục Cầu Giấy, Xuân Thủy... vẫn còn ngổn ngang, chiếm phần lớn lòng đường, càng khiến cho nguy cơ ùn tắc giao thông rình rập.
Chủ động phương án giải tỏa
Thông tin với phóng viên ANTĐ, Trung tá Nguyễn Trung Thành, Đội trưởng Đội CSGT số 6 cho hay, dọc trục đường Cầu Giấy, Xuân Thủy tập trung đông các trường đại học, cao đẳng. Từ tháng 9, học sinh, sinh viên tựu trường cũng đã tạo áp lực cho tình hình giao thông trên địa bàn. Hệ thống các công trường xây dựng đang thi công kéo dài cũng khiến cho công tác phòng chống ùn tắc của CSGT gặp nhiều khó khăn. Đồng quan điểm, chỉ huy Đội CSGT số 3 đánh giá, nhiều tuyến đường hiện nay tình trạng dừng đỗ xe dưới lòng đường rất nhiều. Dọc trục đường Nguyễn Khang, sáng, trưa chiều tối xe ô tô đỗ tràn lan dưới lòng đường. Lực lượng CAP cũng như CSGT dù đã được tăng cường phân luồng, song ùn tắc xảy ra liên miên trong sáng và chiều tối. Trong điều kiện trời mưa, ùn tắc lại càng khủng khiếp.
Qua tìm hiểu, hiện các Đội CSGT đều xây dựng những kế hoạch riêng chống ùn tắc ở từng điểm phát sinh. Bàn về những biện pháp mang tính lâu dài, Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra TNGT, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, đã thành quy luật, từ tháng 9 cho đến cuối năm, nhu cầu giao thương, vận tải, đi lại, mua sắm của người dân tăng cao.
Nhiều công trình xây dựng dịp này cũng gấp rút hoàn thành tiến độ. Áp lực về ùn tắc giao thông cũng từ đó phát sinh. Để phòng ngừa ùn tắc, hiện Phòng CSGT đã triển khai Kế hoạch 88 về tuyên truyền xử lý vi phạm Luật Giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên cũng như tiếp tục chuyên đề xử phạt nghiêm các trường hợp xe dừng đỗ trái phép trên các tuyến đường nội đô. Bên cạnh đó, các chuyên đề xử phạt xe ba bánh, chở hàng hóa cồng kềnh, xe khách dừng đỗ, chạy vòng vo đón trả khách không đúng quy định cũng sẽ bị CSGT tăng cường xử phạt.
“Chúng tôi cũng khảo sát, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý những đơn vị thi công cố tình lấn chiếm lòng đường, vỉa hè hoặc không hoàn trả lòng đường cho người dân theo đúng quy định, giấy phép xây dựng để tránh tình trạng xảy ra ùn tắc. Lực lượng CSGT tiếp tục được tăng cường tuần lưu nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về giao thông trên đường, không để ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân” - đại diện Phòng CSGT khẳng định.
Hoàng Phong (ANTĐ)