Dấu hiệu bất thường từ việc xe sang "hồi hương"
Hơn 1.000 xe ôtô nhập khẩu dưới dạng tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương, tuy nhiên chỉ có chưa tới 1/10 số lượng xe này được đăng ký lưu hành dưới tên của Việt kiều. Cơ quan hải quan cho rằng, chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu này có dấu hiệu bị
Tăng cường biện pháp quản lý đối với xe của Việt kiều hồi hương
Xuất hiện những con số bất thường
Những năm gần đây, câu chuyện xe ôtô nhập khẩu theo con đường Việt kiều hồi hương luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Chính sách ưu đãi về thuế khi đưa ôtô khi về nước được đưa ra nhằm khuyến khích các Việt kiều trở về và đầu tư, làm ăn trong nước, tuy nhiên bên cạnh đó cũng không ít trường hợp lợi dụng chính sách này để trục lợi.
Thống kê của Bộ Tài chính cho biết trong giai đoạn 2010-2014, lượng ôtô, mô tô nhập về Việt Nam theo chế độ tài sản di chuyển của Việt kiều có sự gia tăng đột biến, từ 200 chiếc năm 2010-2011 lên 1.142 chiếc năm 2012. Giai đoạn này, xe nhập theo diện Việt kiều hồi hương được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, còn thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ phải tính theo trị giá của xe.
Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã lập chuyên đề thanh tra, rà soát, cập nhật thông tin gần 1.400 bộ hồ sơ, hàng loạt trường hợp bị từ chối cấp phép. Cùng với đó, nhiều vụ buôn lậu với thủ đoạn giả mạo hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu xe theo diện tài sản di chuyển của Việt kiều để trốn thuế được phát hiện và xử lý.
Điển hình nhất có thể kể đến vụ việc diễn ra tại TP.HCM. Năm 2012, Tổng cục Hải quan tình nghi những chiếc Xe Sang như Rolls-Royce, Bentley, Land Rover, Audi, Porsche… được nhập về dưới danh nghĩa Việt kiều hồi hương có dấu hiệu bất thường, số lượng tăng đột biến, bên cạnh đó hàng loạt các thủ tục liên quan như hộ chiếu, thẻ cư trú... cũng có dấu hiệu khả nghi.
Qua xác minh, cơ quan chức năng phát hiện những giấy tờ này được hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Thời điểm đăng ký mua xe và làm thủ tục nhập xe về nước rất gần nhau. Không những vậy, việc hoàn tất thủ tục đăng ký hộ khẩu tại Việt Nam của những Việt kiều này cũng có dấu hiệu đáng ngờ.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định một đối tượng và đồng phạm đã thuê những người Việt ở nước ngoài đứng ra nhập xe. Những Việt kiều được thuê không thực sự hồi hương, nhiều trường hợp đóng dấu xuất nhập cảnh khống. Hoàn thành những “thủ tục” cần thiết, các đối tượng cung cấp thông tin của các Việt kiều và cung cấp cho đồng phạm sống ở Mỹ để mua xe chuyển về Việt Nam tiêu thụ.
Trong vòng gần 2 năm, các đối tượng đã làm thủ tục nhập khẩu ôtô, môtô cho 64 Việt kiều hồi hương. Theo đó, 54 xe được thuê mướn để hợp thức hóa hành vi buôn lậu, bao gồm các loại xe Rolls Royce, Land Rover, Bentley, Lexus, Audi, BMW, Porsche… và 12 môtô phân khối lớn.
Cơ quan hải quan cho biết, thông thường nếu nhập khẩu bình thường các xe sang này phải chịu thuế hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, với thủ đoạn nêu trên các đối tượng chỉ phải nộp hơn 64 tỷ đồng. Trước thực tế đó, chính sách nhập khẩu xe theo diện Việt kiều hồi hương cũng được siết lại. Xe ôtô, mô tô của Việt kiều hồi hương phải đáp ứng nhiều điều kiện mới được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng theo diện tài sản di chuyển.
Sau đó, các quy định tiếp tục thắt chặt hơn, xe ôtô nhập khẩu theo diện này chỉ được miễn thuế nhập khẩu, trong khi thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt không còn được miễn. Đáng chú ý, khi chuyển nhượng thì bên nhận chuyển nhượng sẽ phải nộp thuế nhập khẩu.
Mặc dù các quy định ngày càng được siết lại, nhưng thông tin từ Bộ Tài chính mới đây cho biết, việc nhập khẩu ôtô theo con đường Việt kiều hồi hương tiếp tục có những dấu hiệu bất thường. Cụ thể, hiện đã có hơn 1.000 xe ôtô nhập khẩu dưới dạng tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương, trong đó chưa đến 100 xe được đăng ký lưu hành dưới tên của Việt kiều, số còn lại hầu hết sau khi nhập khẩu đã chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam.
Phản ánh của một số chi cục hải quan cho hay, việc nhập khẩu ôtô là tài sản di chuyển tiếp tục có dấu hiệu lợi dụng vì các xe ôtô nhập khẩu thường có giá trị cao, năm sản xuất mới như loại xe Porsche, Bentley, BMW, Lexus… Hơn nữa, hiện chính sách đăng ký thường trú tại Việt Nam khá thuận lợi, do vậy Việt kiều có thể đăng ký thường trú tại Việt Nam, song thực tế không cần định cư hoặc sinh sống lâu dài tại Việt Nam.
Bỏ quy định miễn thuế?
Theo Bộ Tài chính, để tránh tình trạng lợi dụng chính sách, tại dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ cho phép bỏ quy định miễn thuế đối với tài sản di chuyển là 1 ôtô, xe máy đã qua sử dụng cho đối tượng là công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là trí thức, chuyên gia, công nhân lành nghề đến công tác, làm việc tại Việt Nam từ 1 năm trở lên theo lời mời của cơ quan Nhà nước Việt Nam.
Đồng thời, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về thời gian cư trú hoặc làm việc tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên, phù hợp với quy định của pháp luật lao động về việc cấp giấy phép lao động có thời hạn lao động từ 12 tháng trở lên.
Trên thực tế, việc đề xuất thu cả thuế nhập khẩu đối với xe ôtô nhập về nước theo hình thức xe Việt kiều hồi hương cũng đã được đề ra trước đây. Từ năm 2012, Cục Hải quan TP.HCM đã đề nghị áp thuế nhập khẩu đối với xe của Việt kiều, theo đơn vị này việc áp thuế là nhằm quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu ôtô, xe gắn máy 2 bánh đang sử dụng theo chế độ tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương cũng như tạo thêm nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.
Đề xuất này ngay lập tức nhận được những phản hồi, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan hải quan đã đi ngược lại với chính sách khuyến khích Việt kiều về nước làm ăn, sinh sống. Bởi thực tế, để có thể nhập khẩu ôtô về nước theo dạng tài sản di chuyển, các Việt kiều phải đáp ứng rất nhiều điều kiện và chỉ được nhập một chiếc duy nhất.
Cụ thể điều kiện là ôtô phải đang sử dụng, đăng ký theo tên Việt kiều khi ở nước ngoài, chủ xe phải làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng rồi làm hồ sơ thủ tục nhập khẩu xe đã qua sử dụng.
Ngoài ra, khi chiếc xe được mang ra bán và làm thủ tục sang tên, chủ mới của xe sẽ phải nộp bổ sung các loại thuế mà Việt kiều được miễn, trừ trường hợp chấp nhận đi xe không chính chủ.
Các ý kiến cũng cho biết, thực tế có hiện tượng một Việt kiều đứng tên nhiều xe khác nhau để kiếm lời, tuy nhiên đây là trách nhiệm thuộc về cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan. Các cơ quan này phải cần thực hiện hết trách nhiệm của mình trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý thay vì đưa ra đề xuất đánh đồng tất cả.
Góp ý cho dự thảo của Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao đề nghị miễn thuế 1 xe ôtô, xe gắn máy, tương tự quy định tại Quyết định 31/QĐ-Thủ tướng Chính phủ với lý do là để đảm bảo chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho Việt kiều hồi hương, phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 36/2004/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 19-5-2015 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Hùng Anh (ANTĐ)