Coi chừng cháy nhà vì... xe đạp điện

| Thị trường
Xếp hạng 4.1 - 9 đánh giá

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ chập ắc quy xe đạp điện dẫn đến cháy nhà, đe dọa tính mạng người sử dụng.

Coi chừng cháy nhà vì... xe đạp điện

Hiện trường vụ xe đạp điện bị chập cháy ở Hải Phòng

Tưởng lành hóa dữ

Ngày 5-1, tại một tòa nhà cao tầng ở phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, ), một căn hộ đã bất ngờ bị bốc cháy. Nguyên nhân là do chủ căn hộ mang xe đạp điện lên nhà để sạc. Quá trình sạc đã xảy ra chập điện, nổ ắc quy dẫn đến hỏa hoạn.Vào thời điểm xảy ra vụ cháy, trong căn hộ có 2 bố con chủ nhà nhưng 2 người này đã nhanh chóng được đưa ra khỏi đám cháy và cấp cứu kịp thời nên đã thoát nạn. Tuy vậy, ngọn lửa đã thiêu rụi căn bếp và một phần căn hộ.

Còn tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, một nữ sinh khi đang điều khiển xe đạp điện theo hướng Thủy Nguyên sang TP Hải Phòng thì bất ngờ chiếc  xe  phát nổ, bốc cháy dữ dội khiến nữ sinh văng xuống đất, bất tỉnh tại chỗ. Nguyên nhân được xác định do bình điện của xe bị chập.

Cũng tại Hải Phòng, một vụ lớn đã xảy ra tại một cửa hàng xe đạp điện ở quận Kiến An và nhanh chóng  lan sang 2 nhà liền kề. Hỏa hoạn xảy ra khi chủ nhà đang sạc điện xe đạp điện. Cách đây không lâu tại một gia đình ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, khi ngủ dậy, chủ nhà hốt hoảng khi phát hiện chiếc xe đạp điện và 2 chiếc xe đạp dựng dưới cầu thang bỗng dưng cháy rụi, ắc quy của chiếc xe đạp điện cháy đen, bốc mùi khét lẹt.

Với ưu điểm nhỏ gọn, giá cả phải chăng lại không tốn xăng, sử dụng tiện lợi, nhất là với học sinh nên xe đạp điện hiện đã trở thành một trong những phương tiện đi lại phổ biến của người dân.

Song, do thiếu hiểu biết về loại phương tiện này, cộng với tâm lý ham rẻ nên không ít người đã mua phải những chiếc xe đạp điện rởm, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, kém chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ và không đảm bảo khi tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho người sử dụng. 

Là người đã từng sử dụng xe đạp điện và nay lại quay về với xe đạp, bà Đỗ Thị  Hằng - cán bộ hưu trí phường  Xuân La, quận Tây Hồ cho biết, cách đây 2 năm, bà đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng để mua chiếc xe đạp điện có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tuy vậy, sau gần 1 năm sử dụng, chiếc xe của bà liên tục trục trặc. “Không chỉ đèn còi tậm tịt, chiếc xe thường xuyên trong tình trạng sạc điện không vào hoặc sụt điện bất thường. Có lần khi xe đang sạc điện, tôi vô tình chạm vào bình ắc quy thì thấy nóng ran nên phải vội vàng rút điện ra ngay, sợ cháy nổ. Tôi đã mang xe đến cửa hàng yêu cầu bảo hành, thậm chí gọi cả thợ về nhà để kiểm tra nhưng chỉ được một thời gian ngắn những sự cố trên lại tái diễn. Từ khi nghe thông tin về các vụ nổ xe đạp điện khi đang sạc nên tôi đành “đắp chiếu” chiếc xe này để đảm bảo an toàn” - bà Hằng chia sẻ.

Coi chừng cháy nhà vì... xe đạp điện

Người dân cần sạc xe đạp điện đúng cách, bảo dưỡng thường xuyên

Nguy cơ từ xe kém chất lượng 

Về lý do chính khiến xe đạp điện bị cháy nổ, đặc biệt là khi đang sạc điện, anh Nguyễn Đình Thu  - kỹ sư chế tạo máy,  trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, lỗi chủ yếu là do pin hoặc ắc quy. Đối với những chiếc xe giá rẻ, kém chất lượng, là hàng giả, hàng nhái, nguy cơ xe bị hỏng hóc hoặc phát nổ ở bộ phận này là khá cao.

Bên cạnh đó, nguồn điện trong xe bị chập khiến cho mạch của bộ sạc bị quá tải, hệ thống bộ đổi điện từ dòng điện xoay chiều sang một chiều và ngược lại gặp sự cố cũng có thể là nguyên nhân chính gây ra sự cố cháy nổ. 

Ngoài ra, những chiếc xe kém chất lượng thường có bình ắc quy không bền, mỗi khi xe gặp trục trặc, lượng chì và axit trong bình chảy tràn ra ngoài, rất dễ gây chập cháy. Những mối hàn, đầu nối của những linh kiện  nếu không được cách điện tốt cũng có thể gây ra hiện tượng phóng điện, chập cháy. Không chỉ có vậy, việc tự ý lắp đặt thêm phụ kiện, làm thay đổi kết cấu của xe, tác động đến các dây điện, nguồn điện cũng có thể khiến xe phát nổ.

Để đảm bảo an toàn, người dân khi đi mua xe đạp điện cần đến địa chỉ có uy tín, chọn xe có chế độ bảo hành cùng đầy đủ tem kiểm định chất lượng, khi sử dụng  xe cần đọc kỹ hướng dẫn, bảo dưỡng  định kỳ. Khi xe có các dấu hiệu bất thường như sạc điện không vào, xe có mùi khét hay gặp những trục trặc khác thì cần ngừng sử dụng, mang xe đi kiểm tra ngay.

Đặc  biệt, với bộ phận hay xảy ra cháy nổ ở xe đạp điện như pin, ắc quy, chủ xe cần bảo quản và sạc pin, ắc quy đúng cách, không để xe ở những nơi ẩm ướt hoặc có nhiệt độ cao, cần nhanh chóng làm khô các bộ phận này và dây cắm khi đi mưa hoặc rửa xe về trước khi khởi động xe.

Khi thấy bình ắc quy có dấu hiệu phù, nứt, chủ xe nên thay thế ắc quy mới.  “Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng khi chọn mua xe đạp điện cần chú ý tới các thông số kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra hệ thống mạch điện và bình ắc quy. Nhằm hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, người dân nên hạn chế việc sạc xe đạp, xe máy điện vào ban đêm” - kỹ sư Nguyễn Đình Thu khuyến cáo.

Huệ Linh (ANTĐ)

SourceXeHay