"Soi" chiến hạm trấn giữ biển Đen mới của Nga
Hạm đội biển Đen chuẩn bị nhận được lô tàu chiến thuộc Dự án 22800 lớp Karakut đầu tiên. Đây có thể được coi là một loại tàu hộ vệ cỡ nhỏ như tàu Buyan nhưng có khả năng tấn công vô cùng mạnh mẽ.
Xưởng đóng tàu Zelenodolsk đã nhận được thêm được một đơn đặt hàng nữa cho Karakut. Loại Tàu Chiến này có lượng giãn nước 800 tấn, dài 65m và rộng 10m. Nó có khả năng đạt được vận tốc tối đa 30 hải lí/h, tầm hoạt động 2.500 hải lí và duy trì trên biển được 15 ngày liền.
Tàu Karakut chỉ có lượng giãn nước 800 tấn nhưng trang bị nhiều tên lửa rất mạnh
Các tàu chiến này sẽ gia nhập hạm đội biển Đen đầu tiên vào năm 2018 và lô bàn giao cuối cùng kết thúc vào 2021. Karakut được trang bị tên lửa Kalibr giống với tàu Buyan-M thuộc dự án 21631, chế tạo cho hạm đội biển Caspian.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích quân sự Boris Stepnov, so với tàu Buyan-M, tàu Karakut mang giá trị sử dụng lớn hơn và cũng có nhiều lợi thế về chiến thuật và công nghệ: “Ví dụ, để bảo vệ mình khỏi không lực địch, các tàu Buyan trang bị súng máy Ak-630M-2 30mm Duet, chỉ thích hợp cho sử dụng trên sông và biển Caspian. Tuy nhiên, những hoạt động tầm xa yêu cầu các loại vũ khí mạnh hơn và đây chính là lí do Nga trang bị cho Karakut hệ thống phòng không Pantsir-M”.
Ngoài ra, Karakut cũng được cho là có trang bị bệ phóng 3S13, có khả năng phóng tên lửa chống hạm Onyx cũng như tên lửa hành trình Kalibr-NK. Ông Stepnov cho rằng, việc trang bị tên lửa hành trình Kalibr trên Karakut sẽ đặt hầu hết khu vực châu Âu và Trung Đông vào trong tầm ngắm mặc dù tấn công tầm xa không phải nhiệm vụ của tàu hộ vệ nhỏ.
Cùng lúc đó, chiếc tàu cũng có thiết kế kiểu module, cho phép phát triển thành nhiều phiên bản, phục vụ các nhiệm vụ khác nhau như chống hạm hay hộ tống. Ông Stepnov còn nhận định rằng, súng máy hạng nặng 100mm của Karakut thích hợp cho mọi xung đột trên biên giới biển và không có gì bất ngờ nếu Karakut hạ được các chiến hãm lớn hơn.
Đặng Vũ (ANTĐ)