Dùng dằng Thông tư 20 về nhập khẩu xe ô tô
Sau 5 năm thực hiện, Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định về nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi do Bộ Công Thương ban hành đã hết hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Cơ quan quản lý đang nghiên cứu trình Chính phủ các quy định mới thay thế văn bản này. Từ thực tế thực hiệ
Doanh nghiệp Nhập Khẩu ô tô thấp thỏm chờ chính sách mới
Bảo vệ lợi ích của nhà nhập khẩu chính hãng?
Ngày 21-7, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các bộ ngành như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ GTVT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… cùng đại diện các doanh nghiệp ô tô thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng ở Việt Nam (VIVA)… để lấy ý kiến về Thông Tư 20. Tuy nhiên, cuộc họp này không đem đến một kết quả thống nhất khi những tranh cãi về Thông Tư 20 giữa các nhà nhập khẩu chính hãng và các doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng trong nước vẫn tiếp diễn.
Tiếp đến, cuối tháng 7 vừa qua, Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ, ngành liên quan kiến nghị nhanh chóng có văn bản thay thế Thông tư 20 bởi nếu chậm trễ, quyền lợi của khách hàng, việc đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Ô tô là sản phẩm công nghệ cao và phức tạp. Chất lượng của xe ô tô có liên quan mật thiết đến an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Vì vậy, kinh doanh ô tô cần phải có dịch vụ sau bán hàng, bảo dưỡng và sửa chữa chuyên nghiệp để đảm bảo ô tô luôn ở điều kiện hoạt động tốt nhất trong suốt thời gian sử dụng lâu dài” - đại diện TMV cho biết. Và để đảm bảo được những yếu tố trên, chỉ nhà nhập khẩu chính hãng như TMV mới làm được! Các mục tiêu trên cũng được đề cập trong Thông tư 20. Khi Thông tư 20 hết hiệu lực, nhiều nhà nhập khẩu không chính hãng sẽ xuất hiện trên thị trường. Điều này khiến TMV băn khoăn về chất lượng xe, dịch vụ khách hàng và trách nhiệm thực hiện chiến dịch triệu hồi xe nếu gặp lỗi kỹ thuật.
Nhóm các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng cho rằng, Thông tư 20 đã tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế thị trường ô tô nhập khẩu không chính thức, chống nhập siêu và tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Nếu bãi bỏ Thông tư 20, xe nhập sẽ ồ ạt vào Việt Nam, gây ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đã đầu tư lớn vào lĩnh vực này nói riêng.
Thông tư 20: Điều kiện kinh doanh cần bãi bỏ
Trái ngược với luồng ý kiến trên, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không chính hãng cho hay, sau 5 năm Thông tư 20 có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp giảm xuống chỉ còn 1/10 so với trước đó. Nếu doanh nghiệp tiếp tục bị siết chặt hoạt động nhập khẩu thì người tiêu dùng vẫn chịu thiệt thòi nhất bởi thị trường xe không có cạnh tranh. Chẳng hạn, một chiếc xe Kia Morning năm 2012 giá chỉ khoảng 300 triệu đồng, nhưng nay đã lên tới 500 triệu đồng.
Đồng quan điểm, VCCI cũng đưa ra ý kiến, Thông tư 20 đã không đạt được các mục tiêu đề ra trong 5 năm qua. Cụ thể, về kiểm soát chất lượng Xe Nhập Khẩu, Việt Nam đã có đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu. Việc kiểm soát này không có sự khác biệt giữa xe ô tô nhập khẩu của thương nhân có ủy quyền hay thương nhân không có ủy quyền. Do đó, không có cơ sở để khẳng định Thông tư 20 giúp làm tăng chất lượng xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam.
Về kiểm soát nguồn cung trên thị trường, Thông tư 20 không có tác dụng trong việc kiểm soát nguồn cung ô tô trong nước. Trong khi đó, quy định của văn bản này lại khiến cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có ủy quyền được hưởng khoản chênh lệch tăng giá đáng kể.
Ngược lại, nếu bãi bỏ Thông tư 20, thị trường ô tô có sự tham gia của nhiều nhà nhập khẩu sẽ trở nên cạnh tranh hơn, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ giá cả tới chất lượng dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được hỗ trợ phát triển để trở thành doanh nghiệp lớn. Lập luận của VCCI cũng cho thấy, việc tồn tại hay không tồn tại Thông tư 20 không có tác động lớn đến nhập khẩu xe ô tô từ các nước ASEAN sau năm 2018. “Quy định tại Thông tư 20 rõ ràng có tính chất là một điều kiện kinh doanh vì đã trao quyền cho một số doanh nghiệp nhất định đủ điều kiện thì được kinh doanh, còn các doanh nghiệp khác thì không được” - VCCI khẳng định.
Được biết, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Hiện Bộ Công Thương đang tổng hợp, báo cáo thêm với Thủ tướng và đề xuất phương hướng điều hành trong thời gian tới.
Vân Hằng (ANTĐ)