Giao thông đô thị không ô tô, xe máy
Tại các nước xe máy không thông dụng, ô tô cũng không tiện lợi, người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đi bộ và đạp xe để di chuyển vô cùng linh hoạt và nhẹ nhàng.
Ô Tô và Xe Máy là những phương tiện Giao Thông rất tiện lợi, tuy nhiên sự gia tăng lưu lượng giao thông nhanh chóng lại tạo ra tình trạng ùn tắc, gây ảnh hưởng vô cùng xấu tới cuộc sống và sức khỏe của người dân. Mới đây nhất, ở Jakarta (Indonesia) đã xảy ra vụ tắc đường kéo dài tới gần một ngày trời, khiến 18 người thiệt mạng vì mệt mỏi, ngột ngạt.
Bài toán đặt ra cho các đô thị hiện nay đó chính là phải hạn chế xe cá nhân đang ngày một gia tăng. Tên thế giới, có nhiều quốc gia hiện đã vượt qua được những khó khăn ban đầu để thực hiện được việc này. Vậy khi không dùng đến xe máy, ô tô, người dân các nước này hàng ngày đi lại như thế nào?
Hệ thống giao thông công cộng phát triển
Hầu hết các quốc gia ít sử dụng các phương tiện cá nhân đều là những quốc gia có hệ thống giao thông công cộng phát triển. Trong danh sách các quốc gia có hệ thống giao thông công cộng tốt nhất thế giới không thể thiếu những cái tên như Mỹ, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Đức, Hà Lan... Những thành phố lớn của các quốc gia này đều có hệ thống các loại hình giao thông công cộng rất đa dạng, từ đường thủy, đường bộ, đường sắt cho tới tàu điện ngầm.
Người dân Hà Lan vẫn thường đèo con trên những chiếc xe đạp thế này
Tất cả những phương tiện này đều có thể đáp ứng được nhu cầu di chuyển của người dân và cả du khách. Nếu muốn di chuyển các quãng ngắn, bạn sẽ chọn tàu điện, xe buýt. Để đi làm hay đi tới các thành phố khác, tàu hỏa và tàu điện ngầm sẽ là giải pháp nhanh chóng cho bạn. Ngoài ra, bạn còn có thể lựa chọn tàu thủy hoặc xe đạp để vãn cảnh, rong chơi. Việc đa dạng hóa các phương tiện công cộng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển mà không phụ thuộc vào các phương tiện cơ giới cá nhân.
Không phải nói đâu xa, ngay cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, giao thông công cộng cũng rất phát triển. Mặc dù Bangkok vẫn còn tình trạng tắc đường nhưng với hệ thống tàu điện ngầm, tàu trên cao, tàu thủy và hệ thống xe buýt, việc sử dụng xe máy đã được hạn chế đáng kể.
Văn hóa đi bộ
Ở nhiều nước trên thế giới, người dân không ngại đi bộ nhiều cây số một ngày. Hình ảnh người dân vội vã đi bộ ra khỏi nhà, đến các bến xe, nhà ga để đi học, đi làm đã không còn quá xa lạ.
Đi Bộ đã trở thành thói quen và là nét đẹp văn hóa của người Nhật
Tại Nhật, hầu hết các con đường đều rất đông người đi bộ bởi phần lớn họ đều di chuyển bằng tàu điện ngầm. Các học sinh nắm tay nhau đi bộ đến trường, các bà nội trợ đi bộ ra siêu thị, các ông bố đi bộ ra ga tàu điện đi làm rồi lại đi bộ đến công sở. Trung bình mỗi người Nhật dành khoảng 1 giờ đi bộ mỗi ngày.
Đi bộ còn là một hình thức thể thao rất có lợi cho sức khỏe. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mỗi ngày một người nên đi bộ khoảng 10.000 bước, tương đương khoảng hơn 7km. Tại Mỹ, trung bình một người đi bộ 5.117 bước, tại Pháp mỗi người đi 6.330 bước, tại Thụy Sĩ là 9.650 bước và tại Nhật Bản là 7.168 bước.
Các chuyên gia cũng cho rằng, chìa khóa giúp các đô thị tương lai vừa vận hành hiệu quả, vừa đóng góp tích cực cho sức khỏe nằm ở một “công cụ” có từ thời cổ đại, đó chính là đôi chân. Họ cho rằng “giao thông tích cực” – chủ yếu gồm đi bộ và đạp xe – là phương pháp đi lại tốt hơn nhiều so với ô tô và xe máy.
Đi xe đạp nhiều hơn
Nhắc tới xe đạp, chúng ta phải nhắc đến đất nước Hà Lan, nơi có số xe đạp còn nhiều hơn cả số dân. Có tới 70% việc đi lại của người dân nước này là sử dụng xe đạp.
Trong những năm 1950-1960, ô tô cũng “bùng nổ” ở Hà Lan với tốc độ chóng mặt giống như nhiều nước châu Âu khác. Tuy nhiên, số lượng xe ô tô tăng cao đi kèm với số tai nạn chết người nhiều hơn. Trước tình trạng đó, Hà Lan đã quyết tâm giảm thiểu số ô tô, xe máy để chuyển sang đi xe đạp.
Đến nay, với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng tốt, xe đạp là phương tiện di chuyển tiện lợi nhất ở Hà Lan. Trong đô thị, nơi có các con đường nhỏ hẹp, ô tô còn không thuận tiện bằng xe đạp do phí đỗ xe đắt đỏ và rất hay tắc đường.
Trẻ con ở Hà Lan được dạy đi xe đạp từ rất sớm. Các học sinh cấp 2 ở đây phải trải qua một kì thi lái xe đạp mới được cấp chứng chỉ giao thông. Chứng chỉ này rất quan trọng bởi có tới 84% số học sinh cấp 2 ở Hà Lan tới trường bằng xe đạp trong phạm vi dưới 5km.
Không ít người dân chọn cách đi làm bằng tàu hỏa và tàu điện ngầm. Họ có thể đi xe đạp từ nhà ra nhà ga, gửi xe tại đây, lên tàu rồi sau đó lại lấy xe đạp khác đi tới công sở. Như vậy, so với chi phí mua một chiếc ô tô thì mua xe đạp và vé tàu rẻ hơn hẳn, vừa khỏe người lại vừa thân thiện với môi trường. Việc này cũng giúp hạn chế đáng kể phương tiện cá nhân lưu thông trong đô thị.
Có thể thấy, không có xe máy hay ô tô thì người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn có những cách di chuyển khác khá linh hoạt. Việc hạn chế các phương tiện cá nhân đang là xu hướng tất yếu. Tất nhiên, để làm được điều này thì các thành phố đều cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính quyền và người dân.
Hà Nội hướng tới việc hạn chế xe máy lưu thông trong thành phố Tại Việt Nam, cụ thể là Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải đang xây dựng đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn. Lãnh đạo Sở cho biết, đây là xu thế của các đô thị hiện đại trên thế giới và trong khu vực, cần có lộ trình giảm dần phương tiện cá nhân và tiến tới cấm xe máy hoạt động ở nội đô. Hà Nội hiện đang có khoảng 5,5 triệu xe cá nhân, trong đó có 500.000 ô tô và hơn 5 triệu xe máy. Lượng xe máy lớn không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn ảnh hưởng đến môi trường, khí thải. Chính vì vậy, quan điểm của thành phố là hạn chế và tiến tới cấm xe máy ở một số tuyến phố nội đô. Tuy nhiên, để làm được điều này, Hà Nội cần phải đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên, có phương tiện thay thế thì lúc đó người dân sẽ dần bỏ phương tiện cá nhân, vừa được an toàn, vừa được sạch sẽ. Hiện tại, thành phố cơ bản đã đầu tư xong hạ tầng khung như các tuyến đường vành đai, xuyên tâm. Sau đó, thành phố tập trung đầu tư vào các phương tiện vận tải hành khách công cộng, cố gắng đến năm 2025 phải đáp ứng được 30-40% nhu cầu đi lại. |
Thục Anh (Tuoitrethudo)