Trung Quốc càng "thèm khát" độc chiếm Biển Đông
Cơn thèm khát độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc càng gia tăng khi phát hiện mỏ băng cháy, một nguồn năng lượng mới, dưới đáy vùng biển vừa giàu có tài nguyên lại vừa có vị trí chiến lược trọng yếu này.
Tàu thăm dò biển sâu Cá ngựa của Trung Quốc bắt đầu lặn xuống thăm dò mỏ băng cháy ở phía Bắc Biển Đông
Tờ Nhật báo Quảng Châu (Guangzhou Daily) bản tiếng Anh của Trung Quốc ngày 27-6 đưa tin, Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc phát hiện một mỏ băng cháy ở đáy biển sâu tại Biển Đông, gần lòng chảo mà nước này gọi là Châu Giang. Mỏ băng cháy này nằm ở phía Tây của lòng chảo rộng khoảng 350 km2 với những suối nước lạnh ở dưới mực nước biển từ 1.350 đến 1.430 m.
Phát hiện trên là một phần kết quả của cuộc thăm dò được chia thành 3 đợt, vào tháng 5-2015, tháng 10-2015 và tháng 3-2016, với thiết bị thăm dò chủ lực là tàu lặn điều khiển từ xa mang tên Seahorse (Cá ngựa) có thể lặn sâu tối đa 4.500 m. Giới chức Trung Quốc không đưa ra ước tính về trữ lượng mỏ mới vừa phát hiện, song các thông tin khác tiết lộ, khu vực này có thể chứa 100 - 150 tỷ m3 khí thiên nhiên.
Cùng với nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, khu vực phía Bắc Biển Đông từ lâu được đánh giá có trữ lượng rất lớn băng cháy. Trung Quốc cùng với tham vọng độc chiếm Biển Đông và đòi hỏi chủ quyền phi lý trên vùng biển này đã triển khai việc nghiên cứu, đánh giá và thăm dò về trữ lượng băng cháy ở đây.
Trong một cuộc hội thảo ở tỉnh Quảng Châu từ tháng 12-2008, các chuyên gia Trung Quốc đã nêu ra con số về trữ lượng băng cháy ở phía Bắc Biển Đông vào khoảng 18,5 tỷ tấn. Theo các chuyên gia Trung Quốc, trữ lượng này tương đương 6 lần trữ lượng dầu mỏ mà nước này đã thăm dò được vào lúc đó “ở vùng nước sâu” của Biển Đông.
Đến năm 2011, Trung Quốc lần đầu tuyên bố đã phát hiện ở khu vực biển phía Bắc Biển Đông chứa một lượng băng cháy khổng lồ, với trữ lượng vào khoảng 19,4 tỷ m3. Trung Quốc khi đó cũng lấy được mẫu băng cháy ở đáy Biển Đông, trong khi giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng nước này cần đẩy nhanh việc khảo sát và thăm dò nguồn nhiên liệu tương lai kẻo để lâu sẽ “đêm dài lắm mộng”.
Tháng 7-2014, Trung Quốc vạch kế hoạch cụ thể thăm dò và khai thác băng cháy ở Biển Đông. Theo kế hoạch này, tàu lặn Seahorse đã tiến hành 3 đợt thăm dò để phục vụ cho toan tính khai thác băng cháy ở Biển Đông vào năm 2017 và thương mại hóa các nguồn năng lượng này vào năm 2030.
Băng cháy - còn gọi là methane hydrate, có cấu tạo từ khí methane nén chặt trong băng bên dưới đáy biển hoặc đóng băng vĩnh viễn - là một loại hợp chất có khả năng sinh nhiệt lượng cao, có thể thay thế dầu lửa song sạch hơn vì ít gây ô nhiễm môi trường hơn. Băng cháy được xem là một nguồn năng lượng khổng lồ trong tương lai vì cứ 1 m3 băng cháy chứa khoảng 164 m3 khí đốt tự nhiên do nó ở thể nén.
Trung Quốc tham vọng biến Biển Đông - vùng biển vừa có vị trí chiến lược trọng yếu, vừa phong phú tài nguyên thiên nhiên với ước tính có khoảng 30 tỷ thùng dầu và một lượng lớn khí tự nhiên cùng kim loại quý và khoáng sản thành “ao nhà”, vì thế sẽ càng “thèm khát” hơn khi phát hiện trữ lượng lớn băng cháy dưới đáy Biển Đông.
Hoàng Tuấn (ANTĐ)