Châu Âu có cần một lực lượng vũ trang chung?
Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao nghị viện châu Âu, ông Elmar Brok vừa đề cập lại ý kiến thành lập một quân đội chung của các nước châu Âu, sau sự kiện người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi EU (Brexit).
“Chúng ta cần hợp tác tốt hơn trong chính sách quân sự Châu Âu. Lực Lượng Vũ Trang mới nên được hình thành theo mô hình quân đội Đức và Pháp để khiến chính sách ngoại giao của EU hiệu quả hơn”, ông Brok cho biết.
Một quân đội chung sẽ giúp châu Âu ít phụ thuộc hơn vào Mỹ
Theo ông Brok, một lực lượng đồng nhất của EU sẽ củng cố vai trò của châu Âu trong chính sách an ninh thế giới cũng như đồng bộ hóa chi tiêu quân sự giữa các nước trong khu vực.
Ông Brok thừa nhận rằng, ở thời điểm hiện tại quân đội chung của các nước châu Âu là khó có khả năng hình thành do hạn chế về luật pháp. Nghị viện châu Âu sẽ phải sửa đổi hiến chương và các nước thành viên cũng phải có những thay đổi trong hiến pháp của mình.
Vào tuần tới, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách chính sách đối ngoại Federica Mogherini được cho là sẽ trình bày chiến lược ngoại giao và an ninh mới của châu Âu nhằm thay thế đường lối đã được sử dụng từ năm 2003 cho tới nay.
Lãnh đạo các nước châu Âu thường xuyên kêu gọi tăng cường ngân sách quốc phòng với lí do đề phòng sự gây gấn từ Nga. Trong buổi lễ kỉ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II vào hồi năm 2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định rằng, EU cần loại bỏ dần sự phụ thuộc quân sự vào Mỹ nhằm chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.
Đặng Vũ (ANTĐ)