Hành vi chiếu laser vào tàu bay có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

| Thị trường
Xếp hạng 3.9 - 9 đánh giá

Hành vi chiếu tia laser vào sân bay có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như làm phi công xao nhãng trong quá trình cất/hạ cánh tàu bay, gây tổn thương mắt phi công... Dù vậy, vẫn chưa có chế tài xử lý đối với hành vi này.

Hành vi chiếu laser vào tàu bay có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Không nên sử dụng tia laser ở khu vực gần sân bay

Có thể gây mất kiểm soát tàu bay

Liên quan đến các vụ chiếu tia laser vào sân bay Nội Bài, uy hiếp hoạt động an toàn bay, ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục cho biết: “Việc chiếu tia laser vào tàu bay khi đang cất hoặc hạ cánh tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng có thể gây tổn thương mắt phi công, làm mất phương hướng, mất quyền kiểm soát tạm thời tàu bay, uy hiếp nghiêm trọng an toàn hàng không dân dụng, vi phạm các quy định của quốc tế và Việt Nam về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng”.

Vụ việc chiếu tia laser vào khu vực sân bay được phát hiện lần đầu tiên ở  sân bay Pleiku (Gia Lai), khi  tàu bay của Vietnam Airlines hạ cánh, đã xảy ra tình trạng buồng lái bị chiếu ánh sáng laser gây chói mắt phi công đang điều khiển tàu bay. Ngay sau đó, tổ bay đã báo cáo lại, cảng vụ hàng không Plieku đã kiểm tra, nhưng không phát hiện đối tượng gây ra sự việc.

Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO đã khuyến cáo các quốc gia ngăn ngừa việc sử dụng đèn laser làm ảnh hưởng hoạt động bay. Đối với các hoạt động hàng không, laser chiếu vào buồng lái trong quá trình hạ cánh gây mất tập trung và xao lãng. Nguy cơ này đã được Cục Quản lý hàng không Liên bang (FFA) Hoa Kỳ nhận thức rất rõ ràng. FFA đã hướng dẫn cho phi công xử lý trường hợp đặc thù này.

Việc sử dụng tia laser đã được quy định trong Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày            30-6-2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Cụ thể, khoản 9, điều 3 của Pháp lệnh quy định rõ, công cụ hỗ trợ gồm: “Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laser, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này”; Khoản 4 điều 4 quy định: “Người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng”.

Sử dụng tia laser gần sân bay phải xin phép

Về nguồn gốc của tia laser chiếu vào sân bay Nội Bài trong thời gian gần đây, ông Đinh Việt Sơn cho rằng, có thể xuất phát từ những hoạt động tổ chức sự kiện ngoài trời ở khu vực dân cư gần sân bay. Các đơn vị tổ chức đã sử dụng đèn laser công suất lớn, chuyên dụng, chiếu thẳng lên trời chứ khả năng phá hoại là gần như không có.

“Có khi đơn vị tổ chức, người sử dụng cũng không biết việc sử dụng tia laser như vậy gây ảnh hưởng đến an toàn bay. Do đó, vào tháng 3-2016, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã có Chỉ thị yêu cầu các địa phương có sân bay vào cuộc, tuyên truyền cho người dân gần khu vực sân bay hiểu và hạn chế sử dụng loại tia này”, ông Đinh Việt Sơn thông tin.

Mặc dù, hành vi chiếu tia laser vào sân bay có thể gây hậu quả nghiêm trọng, song theo lãnh đạo Cục Hàng không, đến nay vẫn chưa có chế tài xử phạt hành vi này. “Khi xây dựng luật thì chưa xuất hiện hành vi này nên các nhà làm luật cũng chưa đưa vào luật được. Tuy nhiên, tới đây, Cục Hàng không và các bộ, ngành liên quan sẽ xem xét, sửa đổi lại Nghị định 147/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, bổ sung chế tài xử lý hành vi này”, lãnh đạo Cục Hàng không cho hay.

Lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, trước mắt, các địa phương có sân bay cần thực hiện tốt và nghiêm Chỉ thị về việc phòng, chống sử dụng đèn chiếu laser uy hiếp an toàn hoạt động bay hàng không dân dụng của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia nói trên. Theo đó,  các Ban chỉ huy khẩn nguy hàng không địa phương, các cảng hàng không, sân bay, các cơ quan đơn vị có liên quan rà soát và có biện pháp khuyến cáo, tổ chức, cá nhân xung quanh khu vực sân bay không sử dụng đèn chiếu tia laser gây nguy hiểm cho hoạt động bay.

Đồng thời, phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền về nguy hại của việc sử dụng tia laser chiếu vào tàu bay khi đang trong quá trình cất/hạ cánh, các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tia laser… “Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân khi tổ chức các sự kiện gần khu vực cảng hàng không có sử dụng các loại đèn chiếu laser phải xin phép chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền và thông báo với nhà chức trách hàng không tại cảng hàng không đó” -  ông Đinh Việt Sơn nêu rõ.

Phi công cần bình tĩnh xử lý 

Cơ trưởng Đinh Đức Tuấn, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là phi công có thâm niên lái máy bay 38 năm, hiện là cơ trưởng của dòng máy bay Boeing 787 cho biết, bức xạ tia laser được ICAO đánh giá uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay, làm tổn hại mắt phi công. Trong lúc phi công tập trung cao độ để cất/hạ cánh, tia laser chiếu vào gây xao lãng, mất kiểm soát phương hướng trong một khoảng thời gian nhất định. 

Để xử lý tình huống này, cơ trưởng Đinh Đức Tuấn cho rằng, phi công cần hết sức bình tĩnh, không được dụi mắt và nên sử dụng hệ thống lái tự động để có thời gian đánh giá tình huống. Nếu cần thiết, có thể chuyển quyền điều khiển cho phi công bên cạnh.

Trong trường hợp đang cất/hạ cánh, cần dừng hoặc đổi đầu đường băng khác để tránh tia laser, đồng thời viết báo cáo với Kiểm soát viên không lưu, nhà chức trách vị trí tia laser, màu gì, bức xạ là tia hay chùm. Ngoài ra, ICAO cũng đã có tài liệu hướng dẫn tất cả các phi công được tập huấn và nghiên cứu xử lý tình huống đối phó với việc tia laser chiếu vào buồng lái hay trong quá trình cất/hạ cánh. (Hải Dương)

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay