Bất chấp Nga phản đối, Mỹ quyết duy trì tàu chiến trên biển Đen
Đại diện hải quân Mỹ vừa lên tiếng khẳng định rằng, họ vẫn sẽ tuần tra ở biển Đen bất chấp lời cảnh báo của Nga đối với các tàu chiến nước ngoài ở đây.
Tàu USS Porter đã đến Biển Đen vào đầu tháng 6 và dẫn đến nhiều lời chỉ trích từ phía Moscow. Thổ Nhĩ Kì và Romania được cho là cũng sẽ thúc đẩy sự hiện diện của NATO ở biển Đen trong hội nghị thượng đỉnh của khối Quân Sự này tại Warsaw vào tháng tới.
Phát biểu trên tàu USS Mason đang hoạt động trên Địa Trung Hải, Tư lệnh hải quân Mỹ Ray Mabus cho biết, Tàu Chiến Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện trên biển Đen để “chống lại sự gây hấn và giữ vững tự do hàng hải như những gì đã làm hơn 70 năm qua”.
Sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ ở biển Đen luôn làm Nga vô cùng quan ngại
Ông Mabus khẳng định Mỹ tuân theo Công ước Montreux, khi chỉ ở lại biển Đen trong 21 ngày nhưng theo kiểu luân phiên giữa các tàu chiến. Ngoài ra, nhiều thành viên của NATO như Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria đều đang nằm xung quanh biển Đen nên hoàn toàn có quyền tự do đi lại tại đây.
Vào hồi đầu năm 2016, giới chức lãnh đạo Romania đã đề xuất với các đối tác trong khối NATO thành lập một hạm đội mới trên biển Đen. Theo đó, ngoài các nước thành viên nằm trong vùng biển này, hạm đội biển Đen mới sẽ mời thêm cả hải quân Mỹ, Đức, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia.
Lý do cần lập ra một hạm đội như vậy là vì Nga gia tăng hoạt động trong khu vực Biển Đen, đặc biệt là sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và đầu tư xây dựng cơ sở quân sự tại đây.
Trước những lời phát biểu mới của ông Mabus, đại diện Bộ Ngoại giao Nga, ông Andrei Kelin khẳng định rằng, nếu NATO quyết định thành lập hạm đội mới ở biển Đen, đây sẽ là hành động làm bất ổn mạnh đến tình hình khu vực và Nga sẽ có những biện pháp đáp trả tương đương.
Đặng Vũ (ANTĐ)