Vụ Su-30MK2 mất tích: Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường được ngư dân cứu an toàn

| Thị trường
Xếp hạng 4.3 - 11 đánh giá

Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường được tàu cá của ngư dân phát hiện và cứu khi đang lênh đênh trên biển trong tình trạng sức khỏe khá ổn định. Hiện tàu cứu nạn đang ra vùng biển để đưa Thiếu tá Cường vào bờ.

Sáng sớm nay 15-6, thông tin từ Thượng tá Trần Công Lực, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho An ninh Thủ đô biết: Vào khoảng 4h30 sáng 15-6, tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh đã vớt được một phi công điều khiển chiếc tiêm kích số hiệu 8585 gặp nạn trên vùng biển Nghệ An vào sáng 14-6 vừa qua.

Được biết, Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường được một tàu cá của người đàn ông tên Phạm Văn Lệ trú ở Hà Tĩnh phát hiện khi đang đánh cá.

Ngay sau đó, Thiếu tá Cường được cứu lên tàu. Vị trí nơi tìm thấy phi công Cường là ở vùng biển giáp ranh giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Hiện tại, các lực lượng tìm kiếm đang khoanh vùng tìm kiếm chiếc Su-30 bị nạn cũng như tung tích của phi công Trần Quang Khải.

Trước đó, đến tối 14-6, sau một ngày lập ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại Nghệ An, các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng đã định vị được nơi chiếc tiêm kích Su-30MK2 cùng hai phi công gặp nạn nhưng thông tin về số phận hai phi công trên máy bay vẫn chưa có.

Gặp nạn khi bay huấn luyện

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, lúc 7 giờ 29 sáng 14-6, chiếc Su-30MK2 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Khi bay đến khu vực đảo Mắt, cách TP Vinh (Nghệ An) khoảng 40 km và cách sân bay Sao Vàng khoảng 200 km thì bị mất liên lạc. Theo xác định, vị trí bị nạn khoảng 18-19 độ vĩ Bắc, 106,4 độ kinh Đông, cách đảo Mắt về phía đông khoảng 4-6 km.

Trên máy bay có hai phi công gồm Thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi), Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923 và Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi), Phó Phi đội trưởng Phi đội bay Su-30. Cả hai phi công cùng quê Bắc Giang và là phi công dày dạn kinh nghiệm.

Ngay sau khi nhận thông tin, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã điện báo cáo UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Chỉ huy tỉnh Nghệ An, UBND các huyện, thị ven biển và yêu cầu cứu nạn chiếc Su-30MK2.

Máy bay cứu nạn được huy động, tàu thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An, cảnh sát biển, kiểm ngư… ở Nghệ An nhận lệnh ra khu vực biển Nghệ An tìm kiếm.

Vụ Su-30MK2 mất tích: Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường được ngư dân cứu an toànThượng tá Trần Quang Khải. Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (VietNam MRCC) cũng nhận lệnh sẵn sàng tham gia.

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng), trực tiếp cùng các đơn vị chức năng tham gia tìm kiếm chiếc Su-30MK2.

Theo ông Hà Tân Tiến, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, khoảng 20 phương tiện của lực lượng chức năng tham gia cứu hộ gồm bốn máy bay Mi171 và Mi172 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916 thuộc Sư đoàn 371, tàu cảnh sát biển thuộc Hải đội 2, Hải đội 137, tàu kiểm ngư với nhân lực rất đông đang tập trung làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, hàng trăm tàu cá trong khu vực cũng được kêu gọi phối hợp tìm kiếm.

Vụ Su-30MK2 mất tích: Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường được ngư dân cứu an toànTàu tìm kiếm cứu nạn quần thảo trên vùng biển máy bay mất tích. Ảnh: Đ.LAM (PLO.vn)

Bắt được tín hiệu SOS nghi của máy bay bị nạn

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định Bộ Quốc phòng đã, đang và sẽ huy động tất cả lực lượng có thể để tìm kiếm hai phi công cùng máy bay gặp nạn.

Đến 18 giờ chiều 14-6, lực lượng chức năng đã bắt được tín hiệu SOS từ vùng biển nơi chiếc máy bay bị rơi. Lực lượng chức năng phân tích nguồn tín hiệu này và nhận định có thể tín hiệu phát ra từ chiếc hộp đen máy bay hoặc từ chiếc ghế lái của phi công.

Theo PLO.VN, lực lượng đặc công nước được huy động đến vùng biển Cửa Lò (Nghệ An) để tham gia tìm kiếm chiếc Su-30MK2. Các thiết bị chuyên dụng cũng đã được huy động, đoàn công tác Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam mang thiết bị dò tìm hộp đen máy bay ra khu vực phát hiện dấu hiệu của máy bay để tìm kiếm chiếc Su-30MK2.

Nghệ An huy động 50 chiếc tàu cá của ngư dân cùng nhiều tàu chuyên dụng ra biển để tìm kiếm và ứng cứu. Bên cạnh đó, tỉnh đã thông báo qua hệ thống đài viễn thông duyên hải về sự việc đến 4.000 tàu cá của ngư dân đang hoạt động trên biển.

Theo Thượng tướng Võ Văn Tuấn, ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu đình chỉ tất cả hoạt động bay huấn luyện để đánh giá sự cố xảy ra đối với máy bay Su-30MK2 đang mất tích.

Tại quê nhà Bắc Giang, từ trưa, Sư đoàn Không quân 371 cùng đại diện Quân chủng Phòng không đã về thăm, động viên gia đình hai phi công gặp nạn. Vợ và người thân của Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường và Thượng tá Trần Quang Khải đều vào sở chỉ huy ở Cửa Lò (Nghệ An) đợi kết quả tìm kiếm, cứu nạn.

Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với gia đình Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường ở xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Anh Nguyễn Quang Hưng, anh rể của Thiếu tá Cường, cho biết gia đình nghe tin dữ từ hơn 7 giờ sáng, cho đến nay vẫn đang rất thấp thỏm, không biết sự tình thế nào.

Đến 19 giờ 30, trên vùng biển Nghệ An biển động, có sóng đánh mạnh, trời tối nên công tác tìm kiếm, cứu nạn đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho hay hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân máy bay bị nạn.

Su-30MK2 của Việt Nam là sản phẩm của tổ hợp Komsomolsk-on-Amur, là loại máy bay thực hiện nhiệm vụ cường kích đánh trên biển. Máy bay Su-30MK2 có chiều dài 21,9 m; sải cánh 14,7 m; chiều cao 6,36 m; trọng lượng rỗng 24.900 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 34.500 kg.

Loại máy bay này được trang bị tổ hợp ngắm bắn đa nhiệm SUV-VEP bao gồm radar N001 và OLS-30 có phạm vi tìm kiếm mục tiêu trên không khoảng 150 km, phát hiện tàu sân bay và xuồng cao tốc từ cự ly tương ứng 250 km và 70 km.

Chiếc Su-30MK có khả năng tải trọng vũ khí mang được lên tới tám tấn và được phân bổ trên 12 giá treo, bao gồm tên lửa không đối không, không đối đất, không đối hải, các loại bom và rocket. Bên cạnh đó máy bay còn có một pháo tự động GSh-30-1 cỡ 30 mm với cơ số đạn 150 viên.

Ngoài ra, radar của Su-30MK2 có thể theo dõi 10 mục tiêu và điều khiển tên lửa tiêu diệt hai mục tiêu (một xa, một gần) cùng lúc. Động cơ trang bị cho Su-30MK2 là loại Lyulka AL-31F có lực đẩy 123 kN mỗi chiếc, cho tốc độ tối đa Mach 2 (2.120 km/giờ), tầm hoạt động 3.000 km, trần bay 17.300 m, vận tốc leo cao 305 m/giây.

Chiều tối 14-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi công điện yêu cầu Bộ Quốc phòng tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm cứu nạn phi công và máy bay Su-30MK2 mất tích, đồng thời rà soát quy trình chỉ huy, điều hành bay, đảm bảo kỹ thuật hàng không, kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn bay, không để xảy ra vụ việc tương tự.

Trịnh Nguyễn (ANTĐ)

SourceXeHay