Đại lộ Thăng Long thành sân phơi
Năm nào cũng vậy, cứ vào vụ gặt là bà con nông dân thuộc các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức (Hà Nội) lại mang rơm rạ, thóc lúa lên đại lộ Thăng Long phơi. Việc vi phạm quy định về đảm bảo an toàn giao thông này có thể gây ra tai nạn cho chính họ và
Nguy cơ xảy ra tai nạn từ việc phơi thóc lúa trên đại lộ Thăng Long là rất cao
“Mùa gặt nào chẳng lên đây”
Hầu như trong suốt tháng 6, hai bên đường gom của đại lộ Thăng Long lúc nào cũng tấp nập các xe lúa, xe rơm của người dân kéo nhau mang nông sản lên đây phơi phóng. Thậm chí, có gia đình còn dùng cả bao tải, bàn ghế ngăn mặt đường thành từng khoảnh để không cho xe cộ chạy đè lên thóc lúa của mình khiến mặt đường bị thu hẹp đáng kể.
Ông Phùng Văn Phú, trú tại tại thôn Liệp Mai, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai lý giải cho việc chiếm dụng mặt đường để phơi thóc của mình một cách hồn nhiên: “Tôi chỉ phơi 1-2 buổi thôi chứ có phơi quanh năm suốt tháng đâu. Vả lại khi phơi, tôi cũng chỉ trải thóc rộng ra độ hơn 1m và luôn túc trực ở đây để đảo thóc. Nếu có ô tô chạy qua tôi lại cầm cào vẫy vẫy ra hiệu cho họ giảm tốc độ nên không thể xảy ra tai nạn được”.
Nhà ông Phú cấy 3 sào ruộng thu trung bình 6 tạ thóc. Hôm gặp chúng tôi, ông vừa gặt xong 1 sào và cho biết khi nào phơi xong sẽ gặt tiếp. Như vậy, tính ra đến khi gặt hết 3 sào ruộng ông sẽ chiếm dụng mặt đường này trong khoảng 1 tuần.
Ngay bên cạnh bãi phơi thóc của ông Phú là “sân phơi” của bà Bùi Thị Lợi ở cùng thôn. Bà Lợi bảo, phơi thóc trên mặt đại lộ Thăng Long có 2 cái lợi, thứ nhất là mặt đường rất mịn, phơi xong cào thóc lại chỉ một loáng là xong. Thứ hai là mặt đường rất nóng và ánh nắng không bao giờ bị bóng râm che khuất như ở sân nhà, vì thế rơm thóc khô nhanh.
Vào những ngày nắng to, có khi chỉ cần phơi 1 ngày là khô. Nhà bà Lợi cấy 4 sào ruộng, thu hoạch 8 tạ thóc nhưng dự kiến sẽ gặt theo kiểu gối đầu, vì vậy, cũng giống như ông Phú, bà sẽ phải sử dụng cái “sân phơi” này trong hơn 1 tuần. “Mùa gặt nào chúng tôi chẳng lên đây phơi mà đã bao giờ thấy tai nạn đâu? Xe cộ họ thấy thóc lúa phơi như vậy thì cũng tránh ra chứ, các chú cứ lo hão” - bà Lợi nói.
CSGT nhắc nhở người dân không được phơi thóc trên mặt đường
Nhắc nhở nhiều lần vẫn tái phạm
Tại khu vực huyện Thạch Thất, chúng tôi gặp 1 xe ô tô tuần tra của lực lượng cảnh sát giao thông đang chầm chậm đi dọc tuyến đường nhắc nhở bà con thu dọn thóc lúa, không được lấn chiếm mặt đường làm sân phơi. Ông Nguyễn Văn Trung, trú tại thôn Trúc Động, xã Đồng Trúc ngượng nghịu khi bị buộc phải thu dọn đống thóc đang phơi dở: “Các anh thông cảm, nhà tôi cấy gần 1 mẫu nên sân của nhà phơi không xuể. Cũng biết lấn chiếm mặt đường như vậy là Vi Phạm, nhưng thóc gặt về rồi nếu không phơi nhanh thì lên mầm cả. Bí quá nên mới mang tới đây phơi thế này…”. Đây cũng là lý do mà nhiều người dân khác của xã Đồng Trúc viện ra để giải thích cho việc phơi thóc trên đường.
Thiếu tá Thái Đức Nghĩa - cán bộ đội CSGT số 11- Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết: “Việc phơi thóc lúa trên đường là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn cho các phương tiện giao thông đường bộ. Đơn vị chúng tôi ngày nào cũng phải cắt cử 1 xe đi dọc tuyến đường này để nhắc nhở bà con không được lấn chiếm lòng đường làm sân phơi thóc. Tuy nhiên, cứ nhắc hôm trước, hôm sau họ tái phạm.
Thậm chí khi nhắc thì họ vun thóc lại, nhưng khi chúng tôi đi khuất thì lại trải ra phơi. Nhiều khi bãi thóc ở đó mà chủ nhân lại chẳng thấy đâu, không lẽ CSGT lại thu thóc của bà con mang về đội rồi yêu cầu họ nộp phạt thì không nỡ. Vì vậy chúng tôi vẫn phải áp dụng biện pháp nhắc nhở là chính. Để giải quyết triệt để việc này đề nghị chính quyền các thôn, xã ven đại lộ Thăng Long tăng cường nhắc nhở, đề nghị bà con không tái diễn vi phạm”.
Hành vi bị luật nghiêm cấm Tại khoản 2, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ thì hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Theo quy định tại khoản 1, Điều 12 Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cá nhân, tổ chức có hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ có thể bị phạt tiền từ 100.000 đến 400.000 đồng; bị buộc phải thu dọn các vật cản, thu dọn những vật liệu, đồ vật chiếm dụng mặt đường và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Trường hợp vi phạm mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 1, Điều 203 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt là phạt tiền từ 5 triệu đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Nếu vi phạm tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm; gây hậu quả rất nghiêm trọng; đặc biệt nghiêm trọng thì khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù. |
Nguyễn Long (ANTĐ)