Trung Quốc toan tính gì với "trạm không gian" đại dương?
Kế hoạch của Trung Quốc xây dựng một phòng thí nghiệm ở độ sâu hàng nghìn mét tại Biển Đông để tìm kiếm khoáng sản đang khiến dư luận thế giới lo ngại.
Tàu Giao Long của Trung Quốc có thể lặn sâu tới 7 km
Hãng truyền thông Bloomberg dẫn một tài liệu từ Bộ Khoa học Trung Quốc cho biết, đây là dự án đã được đề cập trong kế hoạch kinh tế 5 năm mà Trung Quốc công bố hồi tháng 3 năm nay. Nó được xếp thứ hai trong danh sách 100 ưu tiên khoa học-kỹ thuật của Bắc Kinh. Theo dự kiến, “Trạm Không Gian” đại dương này sẽ nằm ở độ sâu tới 3.000 mét dưới mặt nước biển nhưng hiện vị trí đặt chưa được tiết lộ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng phát biểu: “Vùng biển sâu chứa những kho tàng vẫn chưa được khai phá và phát triển. Để tìm được những kho tàng đó, chúng ta phải kiểm soát những công nghệ then chốt để tiếp cận, khám phá và phát triển vùng biển sâu”.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ Trung Quốc thừa nhận ngoài mục đích tìm kiếm khoáng sản, phòng thí nghiệm trên còn được sử dụng vào mục đích Quân Sự. Nếu được lắp đặt các cảm biến, phòng thí nghiệm này có thể theo dõi tàu ngầm của đối phương.
Đây là điều mà dư luận lo ngại bởi nó sẽ là động thái nữa theo hướng quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Nhìn lại quá khứ vài năm gần đây, Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động nhằm độc chiếm Biển Đông. Việc Bắc Kinh tiến hành bồi đắp để biến 7 bãi đá thành đảo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, xây dựng các sân bay có thể dùng vào mục đích quân sự trên một số đảo này đã khiến dư luận trong khu vực và thế giới hết sức bất bình.
Chưa dừng ở đó, Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu đa chức năng Shenyang J-11 và hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động hay còn gọi là radar AESA hiện đại tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những tên lửa đất đối không HQ-9 có tầm bắn tới 220km cũng đã được bố trí trên đảo Phú Lâm.
Trong khi hệ thống radar AESA có thể theo dõi nhiều mục tiêu cùng một lúc và thu thập dữ liệu về phạm vi, độ cao, đường đi và tốc độ của mục tiêu, thì các tên lửa HQ-9 sẽ có nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu theo chỉ dẫn của AESA.
Rất có thể đây là những động thái nhằm chuẩn bị để Bắc Kinh tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, giống như Trung Quốc đã làm trên Biển Hoa Đông bao trùm lên cả quần đảo Senkaku mà Trung Quốc tuyên bố có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và đá ngầm Socotra mà Trung Quốc tranh chấp với Hàn Quốc.
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ H. Kazianis, nghiên cứu sinh Chính sách an ninh quốc gia, Tổ chức Potomac, Mỹ, cảnh báo rằng, bây giờ câu hỏi về ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ là “khi nào”, chứ không còn là “có hay không” nữa.
Gần đây, những thông tin mà hải quân Mỹ thu thập được cho thấy tàu khảo sát của Trung Quốc còn xuất hiện ở bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham, nằm cách Philippines 230 km về phía Tây. Bãi cạn này đang bị Bắc Kinh đưa vào tầm ngắm để biến thành đảo nhân tạo như Bắc Kinh đã làm với 7 bãi đá khác cũng thuộc quần đảo Trường Sa. Dù cả Philippines và Mỹ đều lên tiếng cảnh báo bất cứ hành động nào của Trung Quốc nhằm biến bãi cạn tranh chấp thành đảo nhân tạo sẽ làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông nhưng không ai có thể đoán chắc là Bắc Kinh sẽ không hành động.
Tại Diễn đàn an ninh Shangri-la mới đây ở Singapore, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, đại diện của Trung Quốc, đã nhắc đi nhắc lại rằng Biển Đông là vùng biển thuộc sở hữu của Trung Quốc từ thời xưa, là lãnh thổ không thể thiếu. Hàng loạt những động thái, cả dưới nước (với “Trạm không gian” đại dương), cả trên cạn (với các bãi đá ở Trường Sa), cả trên không trung (mưu toan thiết lập ADIZ) là bằng chứng cho thấy toan tính của Trung Quốc quyết giành quyền kiểm soát hoàn toàn Biển Đông đang được gấp rút triển khai trên thực tế.
Hoàng Sơn (ANTĐ)