Đường không cũng....tắc

| Thị trường
Xếp hạng 3.5 - 13 đánh giá

Hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh nhưng hạ tầng không đáp ứng kịp. Nhiều hãng hàng không đã than phiền về việc các sân bay bị quá tải, kìm hãm tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp.

Đường không cũng....tắc

Sân bay quốc tế Nội Bài cũng sẽ quá tải trong vài năm tới

Tăng trưởng nóng, Tân Sơn Nhất luôn ùn tắc 

Cục cho biết, 4 tháng đầu năm 2016, lĩnh vực vận tải hàng không ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. 4 tháng qua, tốc độ tăng trưởng của vận tải hàng không là 31%, trong khi cả năm 2015 là 22%. Trong giai đoạn trên, đã có 25 triệu lượt khách qua các cảng hàng không, trong đó riêng sân bay Tân Sơn Nhất có 10 triệu lượt khách. 

“Không chỉ hàng không nội địa, hàng không quốc tế đến Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh. Năm 2015, thị phần quốc tế ở Việt Nam của các hãng hàng không nước ngoài chiếm 43,1%, nhưng 4 tháng qua đã ở mức 48,1%. Điều này chứng tỏ thị trường Việt Nam được các hãng hàng không quốc tế quan tâm hơn”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá. 

Tính đến tháng 4-2016, số lượng đăng ký quốc tịch Việt Nam là 138 chiếc, tăng 3 chiếc so với năm 2015 và tăng 24 chiếc so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, Vietnam Airlines dẫn đầu với 89 chiếc; tiếp đến là Vietjet Air với 27 chiếc và Jetstar Pacific có 13 chiếc... Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, hãng hàng không Vietjet Air hiện đã xếp ngang với Vietnam Airlines về thị phần nội địa. 

Trong bối cảnh vận tải hàng không phát triển mạnh thì hạ tầng hàng không đang là rào cản lớn nhất đối với chất lượng dịch vụ cũng như sự tăng trưởng của các hãng hàng không, thậm chí gây áp lực lên an toàn, an ninh hàng không. Hiện nay, hầu hết các sân bay lớn đều trong tình trạng quá tải, đặc biệt là Tân Sơn Nhất. Ông Lại Xuân Thanh thông tin, sân bay Tân Sơn Nhất được thiết kế với công suất 25 triệu lượt khách/năm nhưng năm 2015, lượng khách qua sân bay này đã ở con số 27 triệu, dự báo cả năm 2016 sẽ ở mức 31 triệu. “Tốc độ phát triển quá nhanh gây áp lực rất lớn lên hạ tầng cũng như an toàn hàng không”, lãnh đạo Cục Hàng không nhìn nhận.  

Hạ tầng “cản bước” phát triển 

Dù Chính phủ đã đồng ý dành đất quân sự để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, giải quyết nhu cầu đường lăn, sân đỗ nhưng hệ thống giao thông tiếp cận sân bay này vẫn là vấn đề lớn. Hiện tại, đường ra vào sân bay đang ở thế độc đạo. Cùng cảnh ngộ, sân bay Cam Ranh cũng đã quá tải. Sân bay Đà Nẵng hiện cũng trong quá trình mở rộng, đang chạy tiến độ để kịp hoàn thiện đón sự kiện APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng. 

Đề cập đến chuyện hạ tầng “cản bước” phát triển vận tải hàng không, ông Dương Trí Thành, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, nếu được hỏi doanh nghiệp hàng không vướng gì nhất, ai cũng nói ngay là hạ tầng thiếu và yếu. “Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã quá tải từ lâu, trong khi sân bay Long Thành nhanh cũng phải 5-7 năm nữa mới đi vào hoạt động. Trong khi đó, nhu cầu trong nước ngày càng tăng, máy bay mới vẫn liên tục được đưa về. Các hãng bay quốc tế cũng đang gia tăng tần suất bay tới Việt Nam”, ông Dương Trí Thành bày tỏ. 

Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air Lương Thế Phúc cũng cho rằng, thị trường hàng không phát triển quá nhanh, hạ tầng không theo kịp. Ở sân bay Tân Sơn Nhất, mặt đất ùn ứ dẫn tới tắc nghẽn trên trời. Đặc biệt, việc họp điều phối giờ cất hạ cánh (slot) được tổ chức nhiều lần nhưng mãi vẫn chỉ đạt mức dưới 40 chuyến/giờ. Không riêng gì Tân Sơn Nhất, các sân bay địa phương cũng sẽ sớm rơi vào tình trạng ùn tắc trong tương lai gần.

Được kỳ vọng sẽ giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng đến nay tiến độ dự án sân bay Long Thành vẫn rất ì ạch. Một chuyên gia hàng không cho rằng, rất khó để đạt được thời hạn hoàn thành giai đoạn 1 sân bay Long Thành vào năm 2025 như Quốc hội yêu cầu. Bởi hiện tại, dự án này vẫn đang ở giai đoạn lựa chọn phương án kiến trúc. 

Nội Bài cũng sẽ quá tải

Ở Hà Nội, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh thông tin, công suất của sân bay Nội Bài hiện đạt 25 triệu lượt hành khách/năm. “Năm nay, dự kiến lượng khách qua sân bay này ở mức 19 triệu lượt khách. Trung bình mỗi năm tăng trưởng từ 2-2,5 triệu lượt khách. Như vậy, chỉ khoảng 2-3 năm nữa thì sân bay này cũng sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng như sân bay Tân Sơn Nhất bây giờ”. Do đó, ở thời điểm này, bắt đầu tính toán việc mở rộng sân bay Nội Bài cũng đã là muộn.

Cục Hàng không Việt Nam dự báo, chỉ với mức tăng trưởng trung bình 10%/năm đến năm 2020, 8% đến năm 2030 thì sân bay quốc tế Nội Bài sẽ đạt công suất khoảng 60 triệu hành khách/năm vào thời điểm 2030. Hiện tại, dù sân bay Nội Bài đã có 2 đường cất hạ cánh 1A và 1B nhưng do khoảng cách quá gần nên không thể hoạt động độc lập (2 máy bay cất hoặc hạ cánh cùng lúc). 

Theo quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn đến 2020 và sau 2020, sân bay này sẽ được mở rộng về phía Nam. Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng Quy hoạch phát triển vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những điểm đáng chú ý là việc đầu tư mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài đạt 50 triệu khách/năm giai đoạn đến năm 2030 và đạt công suất 80-100 triệu khách/năm giai đoạn đến năm 2050.

Theo đó, trong giai đoạn đến 2030, sẽ xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh 2A, song song với đường cất hạ cánh 1B hiện có. Ngoài ra, sẽ xây dựng hệ thống đường lăn, sân đỗ, các công trình quản lý điều hành bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, hệ thống giao thông, công trình phụ trợ.

 Theo lãnh đạo Cục Hàng không, sau khi hoàn thiện, sân bay Nội Bài cũ và phần mở rộng sẽ hoạt động độc lập, chỉ chung nhau trục giao thông Võ Văn Kiệt. “Dự án nâng công suất sân bay Nội Bài lên 50 triệu hành khách/năm không khác gì dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Tuy nhiên, dự án mở rộng sân bay Nội Bài khó khăn hơn rất nhiều”, ông Lại Xuân Thanh nhìn nhận.

Chọn phương án khả thi nhất

Dự kiến, toàn bộ diện tích mở rộng sân bay Nội Bài giai đoạn đến 2030 sẽ nằm ở phía Nam (đối diện với sân bay Nội Bài hiện tại qua trục giao thông Võ Văn Kiệt), trong khi đây hiện là khu dân cư dày đặc. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng sẽ rất gian nan. Cục Hàng không tính toán, diện tích mở rộng khoảng 700ha, thuộc một số xã như Mai Đình, Phú Cường, Phú Minh... của huyện Sóc Sơn.

Riêng kinh phí GPMB, tái định cư đã mất khoảng 2 tỷ USD (thời giá năm 2015). Ngoài ra, tổng mức đầu tư hạ tầng của dự án mở rộng sân bay Nội Bài về phía Nam sẽ “ngốn” gần 4 tỷ USD, chưa bao gồm các công trình phụ trợ. “Với số vốn lớn như vậy thì chắc chắn phải kêu gọi xã hội hóa, ngân sách chỉ chi trả phần GPMB, tái định cư”, ông Lại Xuân Thanh cho biết. 

Cũng theo quy hoạch đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đến năm 2050, sân bay Nội Bài sẽ đạt công suất 100 triệu lượt hành khách/năm. Ông Lại Xuân Thanh cho hay, phần mở rộng trong giai đoạn này sẽ lấy về phía Bắc của sân bay Nội Bài hiện nay. GPMB ở khu vực này đơn giản hơn rất nhiều. 

Về định hướng xây dựng sân bay quốc tế thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, từ nhiều năm trước, Cục đã nghiên cứu và khảo sát việc xây dựng tại 1 trong 2 địa điểm là Miếu Môn - Hoà Lạc và Hải Dương. Tuy nhiên, cả 2 phương án này đều không khả thi. Tới nay, phương án mở rộng sân bay Nội Bài theo quy hoạch đã được phê duyệt là khả thi nhất.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc mở rộng sân bay Nội Bài mới là các phương hướng, kế hoạch cụ thể sẽ được lập và trình Chính phủ xem xét, nhưng tiến độ phải đảm bảo nâng công suất sân bay trước năm 2020. “Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể sân bay Nội Bài với 4 nhà ga T1, T2, T3 và T4. Chúng ta đã hoàn thành xây dựng nhà ga T1 và T2, hai nhà ga T3 và T4 sẽ nằm đối diện nhà ga hiện tại ở bên kia đường. Quy hoạch cũng đã cắm mốc lộ giới để quản lý”, ông Trường nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT, nếu thực hiện ngay xây dựng nhà ga T3 và T4 thì phải trình Quốc hội tương tự như với dự án Long Thành. Quá trình này mất đến 10 năm mới có thể thực thi, sẽ không kịp đáp ứng. Do đó, trước mắt ngành sẽ mở rộng nhà ga T1 và T2 nhằm đáp ứng ít nhất 20-25 triệu hành khách/năm. 

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay