Hà Nội sẽ có "Nội Bài 2"
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, sân bay Nội Bài sẽ được mở rộng, đạt công suất 50 triệu lượt khách/năm vào năm 2030. Dự kiến, sân bay Nội Bài sẽ được mở rộng phía Nam, đối diện sân bay Nội Bài hiện tại qua trục Võ Văn Kiệt.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin, công suất của Sân Bay Nội Bài hiện là 25 triệu lượt hành khách/năm.
“Năm nay, dự kiến lượng khách qua sân bay này ở mức 19 triệu lượt khách. Trung bình mỗi năm tăng trưởng từ 2-2,5 triệu lượt khách. Như vậy, chỉ khoảng 2-3 năm nữa thì sân bay này cũng sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng như sân bay Tân Sơn Nhất bây giờ”, ông Lại Xuân Thanh nhìn nhận. Do đó, ở thời điểm này, bắt đầu tính toán việc mở rộng sân bay Nội Bài cũng đã là muộn.
Cục Hàng không Việt Nam dự báo, chỉ với mức tăng trưởng trung bình 10%/năm đến năm 2020, 8% đến năm 2030 thì sân bay quốc tế Nội Bài sẽ đạt công suất khoảng 60 triệu hành khách/năm vào thời điểm 2030. Hiện tại, dù sân bay Nội Bài đã có 2 đường cất hạ cánh 1A và 1B nhưng do khoảng cách quá gần nên không thể hoạt động độc lập (2 máy bay cất hoặc hạ cánh cùng lúc).
Cục Hàng không đang tính toán mở rộng thêm sân bay Nội Bài với công suất 50 triệu lượt khách/năm vào năm 2030
Theo quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn đến 2020 và sau 2020, sân bay này sẽ được mở rộng về phía Nam. Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng Quy hoạch phát triển vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một trong những điểm đáng chú ý là việc đầu tư mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài đạt 50 triệu khách/năm giai đoạn đến năm 2030 và đạt công suất 80-100 triệu khách/năm giai đoạn đến năm 2050.
Theo đó, trong giai đoạn đến 2030, sẽ xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh 2A, song song với đường cất hạ cánh 1B hiện có. Ngoài ra, sẽ xây dựng hệ thống đường lăn, sân đỗ, các công trình quản lý điều hành bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, hệ thống giao thông, công trình phụ trợ.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, sau khi hoàn thiện, sân bay Nội Bài cũ và phần mở rộng sẽ hoạt động độc lập, chỉ chung nhau trục giao thông Võ Văn Kiệt. “Dự án nâng công suất sân bay Nội Bài lên 50 triệu hành khách/năm không khác gì dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Tuy nhiên, dự án mở rộng sân bay Nội Bài khó khăn hơn rất nhiều”, ông Lại Xuân Thanh nhìn nhận.
Dự kiến, toàn bộ diện tích mở rộng Nội Bài giai đoạn đến 2030 sẽ nằm ở phía Nam (đối diện với sân bay Nội Bài hiện tại qua trục giao thông Võ Văn Kiệt), trong khi đây hiện là khu dân cư dày đặc. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng sẽ rất gian nan.
Cục Hàng không tính toán, diện tích mở rộng khoảng 700ha, thuộc một số xã như Mai Đình, Phú Cường, Phú Minh... của huyện Sóc Sơn. Riêng kinh phí GPMB, tái định cư đã mất khoảng 2 tỷ USD (thời giá năm 2015). Ngoài ra, tổng mức đầu tư hạ tầng của dự án mở rộng sân bay Nội Bài về phía Nam sẽ “ngốn” khoảng gần 4 tỷ USD, chưa bao gồm các công trình phụ trợ. “Với số vốn lớn như vậy thì chắc chắn phải kêu gọi xã hội hóa, ngân sách chỉ chi trả phần GPMB, tái định cư”, ông Lại Xuân Thanh cho biết.
Cũng theo quy hoạch đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đến năm 2050, sân bay Nội Bài sẽ đạt công suất 100 triệu lượt hành khách/năm. Ông Lại Xuân Thanh cho hay, phần mở rộng trong giai đoạn này sẽ lấy về phía Bắc của sân bay Nội Bài hiện nay. GPMB ở khu vực này đơn giản hơn rất nhiều.
Ngân Tuyền (ANTĐ)