Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu than "càng bán càng lỗ"
Nguồn cung khan hiếm, chiết khấu lại về 0 đồng/lít. Từ vài tháng nay, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục kêu than càng bán càng lỗ.
Mới đây, tại hội nghị Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Doanh Nghiệp Bán Lẻ Xăng Dầuđược Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức, các doanh nghiệp bán lẻ đều than càng bán càng lỗ, chỉ còn nước đóng cửa.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Sơn Hải cho biết, mức chiết khấu từ tháng 7 đến nay có thời điểm xuống 0 đồng/lít, có lúc 50 - 100 đồng/lít. Mức chiết khấu này quá nhỏ bé, không đủ so với chi phí trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động mà các doanh nghiệp đang phải gồng gánh.
Một số doanh nghiệp cho rằng, trong điều kiện hiện nay, mức chiết khấu phải từ 1.200-1.300 đồng/lít mới đủ để doanh nghiệp bù trừ chi phí, chứ chưa nói đến có lãi.
Cùng chung cảnh ngộ, bà Lê Thị Nhã, chủ doanh nghiệp tư nhân Văn Phúc (Thường Tín, Hà Nội), cho rằng: “Chưa có thời nào chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ lại “ác” như thời này. Giá xăng giảm 1.000 - 1.400 đồng/lít nhưng chiết khấu vẫn 0 đồng”. Suốt 2 tháng nay không hề có chiết khấu, lợi nhuận kinh doanh không đủ trả tiền điện. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, doanh nghiệp chỉ còn nước đóng cửa.
Tại Nghị định 83/NĐ-CP/2014 và Nghị định 95/NĐ-CP/2021 quy định mỗi cây xăng chỉ được mua hàng của một nguồn để dễ dàng quy trách nhiệm chất lượng trong từng khâu phân phối. Tuy nhiên, bà Nhã cho rằng, chính quy định này khiến cho việc bán lẻ xăng dầu gặp muôn vàn khó khăn. Việc không cho doanh nghiệp bán lẻ lựa chọn các nguồn hàng là thủ tiêu sự cạnh tranh.
Chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Bích Hường - giám đốc Công ty thương mại dịch vụ và xây lắp dầu khí cho rằng: “Doanh nghiệp kinh doanh trong điều kiện thị trường biến động là phải có chia sẻ. Khi cơ quan điều hành giá đưa ra giá bán lẻ phải tính đủ và đảm bảo chi phí cho lưu thông. Doanh nghiệp cũng rất sợ bị rút giấy phép, do đó không có chuyện doanh nghiệp găm hàng, vì doanh nghiệp không có khả năng đó, mà nếu có thì thiệt hại còn nhiều hơn".
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đồng cảm những bất cập về chính sách mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang gánh chịu. Ông cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cần thương thảo mức chiết khấu với doanh nghiệp đầu mối và mức cụ thể ra sao cần ghi rõ trong hợp đồng. Như hiện nay, hợp đồng không có quy định về chiết khấu.
Tuy nhiên, về tình hình chiết khấu bằng 0, ông Bảo cho rằng thực tế này rất lạ lùng, chưa từng có. Lý do là biến động của thị trường giá xăng dầu năm nay quá dị biệt so với các năm trước đây.
Ở kỳ điều chỉnh trước, liên bộ bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng theo chu kỳ mới cụ thể, xăng E5 RON 92 có giá 21.780 đồng/lít, xăng RON 95-III có giá 22.580 đồng/lít, dầu 0.05S-II có giá 22.530 đồng/lít, dầu 0.001S-V có giá 24.510 đồng/lít.
TH (Tuoitrethudo)
Ảnh: Doãn Hưng