Ôtô bị dột như 'nhà tranh' - mặt trái của cửa sổ trời
Cửa sổ trời là một trang bị được nhiều tài xế yêu thích, nhưng đặc thù môi trường ở Việt Nam khiến bộ phận này đôi khi "phản chủ".
Nguyễn Nam, Hà Nội sử dụng chiếc xe có Cửa Sổ Trời, ngày thường lâu lâu mới có dịp mở. Những tưởng chiếc cửa này sẽ không có vấn đề gì, thì đến một ngày anh tá hoả khi phát hiện xe mình đầy nước dưới sàn ghế lái.
Ban đầu lượng nước ít nên anh nghĩ có thể do làm đổ hoặc do trời ẩm. Tuy nhiên, mưa kéo dài nhiều ngày, nước dưới sàn cứ thế đầy lên nên Nam thấy bất thường. Sau 2-3 ngày tự tìm hiểu nhưng không phát hiện ra nguyên nhân, anh đưa xe đến gara để khám bệnh. "Bác sĩ" thông báo: nước bị rò rỉ vào trong xe do ống thoát nước cửa sổ trời bị tắc.
Để giải quyết lượng nước mưa rơi vào khe giữa cửa sổ trời và thân xe, nhà sản xuất tạo ra một máng thoát nước nối vào ống thoát nước chạy dọc thân xe. Loại máng thoát nước này tương tự như trên điều hòa gia đình. Theo thời gian, bụi bẩn nhiều bám vào khe, ống gây tắc, nước theo đường này trào ra, chảy xuống khe thoát bên trong xe và ngấm dần xuống sàn xe. Theo thợ kỹ thuật, một vài trường hợp nước sẽ ngấm ở khu vực cánh cửa trước khi chảy thành giọt xuống sàn. Nhưng có trường hợp sẽ không tạo ra vết mà chảy thẳng xuống.
Chủ xe có thể kiếm tra bằng cách đổ nước ngược vào khe thoát, nếu thấy nước tràn ra có thể ống đã bị tắc. Đối với cửa sổ trời việc vệ sinh tại nhà cũng không quá khó khăn.
Tại Việt Nam, tắc ống thoát nước là vấn đề thường gặp với cửa sổ trời khiến ôtô bị dột, bên cạnh một vấn đề khác là gioăng cửa sổ trời bị lão hoá và mòn, cũng khiến nước ngấm vào xe. Điều kiện thời tiết nóng ẩm quanh năm, lượng bụi trong môi trường lớn là nguyên nhân sâu xa của những vấn đề này.
Hậu quả của việc nước rò theo đường thoát nước cửa sổ trời là gây ẩm trần xe, hư hỏng các thiết bị điện đi ngầm trong cánh cửa, thân xe .
Theo nhân viên kỹ thuật, nếu không phải từ cửa sổ trời, xe bị dột chỉ có thể từ vị trí cánh cửa hoặc cốp xe. Nước cũng có thể ngấm từ ăng-ten nhưng khá hiếm gặp.
Việc khắc phụ lỗi này sẽ tốn 100.000-300.000 đồng, tùy vào mức độ lỗi. Thông thường, thợ kỹ thuật sẽ dùng que mềm có lông hoặc gai vệ sinh, có thể dùng dung dịch tẩy rửa chuyên dụng loại bỏ bụi bẩn triệt để. Với cao su bị lão hóa, chỉ có cách thay mới.
Theo khuyến cáo từ chuyên gia, cửa sổ trời nên được vệ sinh sau 1-3 tháng tùy vào đặc thù thời tiết nơi di chuyển, để tránh bị đọng nước hoặc bám đất cát ở các khu vực xung quanh vị trí này.
Chủ xe không nên chủ quan với tình trạng thấm hay dột trong khoang ca bin xe, bởi nếu để lâu có thể ảnh hưởng tới hệ thống điện và vận hành của xe. Chi phí để khắc phục khi xe bị ngấm nước nặng có thể sẽ rất lớn.