Xe gia đình đắt tiền sang chảnh đua nhau về Việt Nam
Dòng xe 7 đến 9 chỗ MPV đắt tiền lâu nay chưa thực sự có thị phần ổn định ở Việt Nam, nhưng gần đây lại có tốc độ 'phủ sóng' khá nhanh với nhiều mẫu xe mới ra mắt.
Xe gia đình sang Chảnh đua nhau Ra Mắt
Các Mẫu Xe đa dụng MPV (hay còn được gọi là Minivan) có không gian nội thất rộng rãi, thường chia 3 hàng ghế từ 7 đến 9 chỗ, vốn được coi là lựa chọn thích hợp nhất cho gia đình đông người hoặc chuyên chở khách.
Nhưng với dòng MPV bình dân (giá dưới 1 tỷ đồng) quen thuộc trên thị trường như Toyota Innova, Avanza, Mitsubishi Xpander, Suzuki Ertiga thường không được đánh giá cao về Thiết Kế lẫn các tiện nghi. Vì thế, với đòi hỏi cao hơn, những xe MPV cao cấp có giá trên 1 tỷ đồng đều đáp ứng được các yêu cầu về trang bị tiện nghị, độ sang chảnh.
Nếu như dòng MPV dưới 1 tỷ suốt nhiều năm chỉ có 4 mẫu xe thì trong vòng 3 năm trở lại đây, phân khúc MPV cao cấp tại Việt Nam đón nhận cuộc đua khá sôi động khi có tới 8 mẫu xe gồm cả đời cũ (ra mắt năm 2015) như Mercedes-Benz V-Class, Kia Sedona, Honda Odyssey, và thế mới mới ra mắt các năm về sau như Volkswagen Sharan (2016), Toyota Alphard (2017), Peugeot Traveller (2019), Ford Tourneo (2019) và mới nhất là Toyota Granvia.
Không chỉ phong phú về giá bán, trang bị mà mỗi dòng MPV cao cấp trên lại sở hữu các thiết kế riêng biệt, khó lẫn, khác hẳn các dòng xe khác.
Xuất hiện và bán sớm nhất từ đầu năm 2015, Kia Sedona với tiền thân là chiếc Kia Carnival từng được liên doanh ôtô hòa bình (VMC) lắp ráp trước đó một thập niên, ngay lập tức nhận được sự quan tâm bởi đã lâu rồi thị trường ô tô Việt Nam mới có một mẫu xe thân rộng 7 chỗ đi kèm nội thất xịn sò. Từ chỗ ban đầu chỉ có 2 phiên xăng và dầu, đến nay còn 3 Phiên Bản giá từ 1,129 tỷ đến 1,429 tỷ đồng.
Không lâu sau sự xuất hiện của Kia Sedona, thương hiệu Mercedes-Benz đã đưa V-Class 7 chỗ với hai phiên bản V 220d Avantgarde giá 2,579 tỷ đồng và V 250 Advantgarde giá 3,129 tỷ đồng. Mẫu MPV của hãng xe sang Đức giữ lại khá nhiều đặc điểm quen thuộc trong thiết kế trên chiếc V-Class như bệ điều khiển hai gam màu được ốp vân gỗ, hay cụm điều khiển touchpad cảm ứng ở giữa. Đặc biệt hàng ghế 2 và 3 có thể xoay hướng vào nhau tạo “bàn tròn” khá độc đáo.
Cuối năm 2015, Honda Việt Nam giới thiệu chiếc Odyssey và bắt đầu bán từ tháng 3/2016 với một phiên bản duy nhất giá 1,99 tỷ đồng. Odyssey mang đúng nghĩa một chiếc MPV gia đình thực dụng với cửa sổ trời, 2 hàng ghế đầu có tựa tay, hàng ghế giữa có thêm tấm đỡ chân.
Cũng trong năm 2016, thương hiệu Volkswagen ra mắt chiếc Sharan với trục cơ sở chưa đến 3 mét, là một chiếc MPV này khá gọn, với trọng lượng hơn 1,8 tấn một chút. Xe có giá bán 1,9 tỷ đồng và điểm nhấn của chiếc xe này là cửa sổ trời lớn và cách xếp hai hàng ghế sau đơn giản, dễ cho vẫn chuyển người lẫn đồ đạc. Toyota cũng “tham chiến” một năm sau với chiếc Alphard tại triển lãm ô tô Việt Nam 2017. Xe có cấu hình 7 chỗ ngồi cùng giá bán 3,5 tỷ đồng, trở thành chiếc xe đắt nhất trong danh mục sản phẩm của Toyota Việt Nam.
Trong năm 2019, thị trường có thêm hai “tân binh” ra nhập làng MPV đắt tiền là Peugeot Traveller và Ford Tourneo. Cả hai mẫu xe này đều được lắp ráp tại Việt Nam. Peugeot Traveller bán ra hai phiên bản từ tháng 5/2019: Luxury cấu hình 7 chỗ giá 1,699 tỷ đồng và Premium 4+2 chỗ với hai ghế giữa hạng thương gia, giá 2,249 tỷ đồng. Đến tháng 10/2019, Ford Tourneo chính thức bán với hai bản gồm Titanium giá 1,07 tỷ và bản Trend giá 1 tỷ đồng.
Thành viên mới nhất vừa ra mắt hôm 8/6/2020 đến từ Toyota. Mẫu xe Granvia 2020 cấu hình 9 chỗ được nhập khẩu từ Nhật và có giá niêm yết 3,072 tỷ đồng. Đây là được coi là chiếc MPV “tiết kiệm” hơn so với người “anh em” Alphard, không chỉ về giá bán mà trang bị cũng kém hơn.
Thị phần thấp nhưng vẫn sôi động ra mắt
Phân khúc MPV cao cấp tại Việt Nam không phải là mảnh đất quá béo bở cho các hãng xe. Có thể thấy ngay điều này ở doanh số bán các thương hiệu phân phối. Trong năm 2017, Toyota Alphard bán được 12 chiếc, năm 2018 giảm còn 8 chiếc do ảnh hưởng chính sách nhập khẩu, và chỉ bất ngờ tăng cao lên 124 chiếc vào năm 2019.
Không được “may mắn” tồn tại trong danh mục bán lâu dài như đối thủ Toyota, mẫu Honda Odyssey có khởi đầu vào năm 2016 khá tốt với 229 xe bán ra thị trường, nhưng doanh số sau đó tụt giảm tới 56% khi bước sang năm 2017 (bán 100 xe), và dừng hẳn nhập từ năm 2018 đến nay.
Mẫu Ford Tourneo được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt phân khúc MPV cao cấp với thành tích sau 3 tháng ra mắt đã bán được 245 xe. Nhưng hiện mẫu xe này cũng đang gặp khó với doanh số 5 tháng đầu năm 2020 chưa vượt mốc 100 xe.
Điểm sáng duy nhất trong nhóm xe gia đình cao cấp này là mẫu Kia Sedona. Năm 2018 dù thị trường ô tô gặp khó khăn nhưng doanh số của Sedona vẫn đạt 2.451 xe, sang năm 2019 mức bán ra là 2.697 xe, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và tăng tới 817% so với năm 2015 khi lần đầu ra mắt (bán được 294 xe).
Chính câu chuyện thành công của Kia Sedona không chỉ làm lu mờ các đối thủ mà còn làm khó cho chính “người trong nhà”. Một nhân viên bán hàng Peugeot cho biết mẫu Traveller Luxury hay được “cân đo” với Kia Sedona bản Platinum 3.3L vì chỉ chênh 270 triệu đồng, trong khi bản Premium 4+2 đối tượng khách hàng hướng đến khá hạn chế.
Nói về phân khúc MPV cao cấp, chuyên gia ô tô Nguyễn Xuân Đạt (chủ showroom Auto 668 Lạc Long Quân, Hà Nội) cho rằng nguyên nhân kén khách bởi đa số các mẫu đang bán trên thị trường đều có giá cao, thiết kế chưa quen mắt với đại đa số người tiêu dùng.
Anh Đạt nói: “Những mẫu như Mercedes-Benz V-Class, Peugeot Traveller hay Ford Tourneo có thể rất được ưu chuộng ở châu Âu, bởi nó hợp với sở thích di chuyển kiểu mobihome, cắm trại tùy hứng. Nhưng ở Việt Nam, hình ảnh những chiếc xe đuôi vuông thân dài còn khá xa lạ, cần thêm thời gian. Riêng mẫu Kia Sedona thì lại mang thiết kế phổ thông, lai giữa sedan và MPV nên dễ được lựa chọn hơn”.
Sự hạn chế về đối tượng khách hàng của dòng MPV cao cấp tại Việt Nam cũng được nhìn nhận ngay từ phía nhà phân phối. Trong buổi ra mắt Peugeot Traveller ở nhà máy Trường Hải hồi tháng 5/2019, ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Thaco Trường Hải nói rằng, đây là mẫu xe du lịch chuyên dụng cao cấp đầu tiên của công ty, góp phần đa dạng danh mục sản phẩm thương hiệu Peugeot. “Chúng tôi xác định hướng phát triển dài hạn khi làm xe chuyên dụng cao cấp”, ông Tài nhấn mạnh.
Dù doanh số gần như thấp nhất so với các phân khúc xe khác trên thị trường, nhưng tốc độ và số lượng xe MPV cao cấp ra mắt đến nay không hề ít. Điều này có thể nhìn nhận rằng phân khúc MPV cao cấp tại Việt Nam hiện vẫn là một cuộc chiến mang tính cạnh tranh về hình ảnh hơn là lợi nhuận.
Đình Quý
Bạn có đánh giá gì về những mẫu xe MPV cao cấp tại Việt Nam. Trân trọng mời bạn đọc gửi tin, bài, ảnh, video cộng tác về Ban Ô tô xe máy, email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!