Những chiếc ô tô đặc biệt đã từng được phục vụ Bác Hồ thời chiến
Peugeot 404, ZIS 115, Pobeda là những chiếc xe Bác đã sử dụng trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Chúng hiện đang được trưng bày tại khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3 chiếc xe Bác sử dụng trong cuộc sống và sự nghiệp
Xe Zis 115
ZIS 115 là chiếc xe bọc thép đặc chủng do Chính phủ Liên Xô tặng Chính phủ Việt Nam năm 1954. Xe sử dụng để bảo vệ Bác trong những chuyến công tác đặc biệt.
ZIS 115 hầu như giữ nguyên thiết kế nguyên bản, ngoại trừ đèn sương mù, hai đèn báo động hiện đại, cửa sổ được thiết kế đặc biệt, lốp xe cỡ lớn. Logo xe ZIS 115 rất tinh xảo. Thân xe rộng 2m, dài 6,1m và trang bị thêm lớp thép chống đạn dày 8mm cùng lớp kính dày 70mm. Do đó, xe có khả năng chống đỡ những đầu đạn và mảnh vũ khí hạng nhẹ. Gầm xe được gia cố để đối phó với những loại mìn đặt dưới lòng đất.
ZIS 115 trang bị động cơ với 8 máy, công suất 140 mã lực. Xe có thể đạt tốc độ tối đa 120km/h, mức tiêu thụ nhiên liệu 27.5L/100km.
Xe Pobeda
Pobeda là chiếc xe do Chính phủ Liên Xô tặng cho Chính phủ Việt Nam năm 1955. Đến tháng 3/1957, Văn phòng Phủ chủ tịch nhận được xe từ Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao. Xe đã phục vụ Chủ Tịch Hồ Chí Minh đến tận năm 1969 với quãng đường đi được là 39.463km.
Thân xe Pobeda có thiết kế ấn tượng với điểm nhấn là những chi tiết nổi, tinh tế. Logo xe – M20 thiết kế cách điệu. Pobeda đạt vận tốc tối đa 140km/h. Đây là chiếc xe được Bác sử dụng nhiều vì ưu điểm xe cao, máy khỏe và tiết kiệm xăng.
Xe Peugeot 404
Peugeot 404 là chiếc xe vận chuyển từ Pháp về cảng Hải Phòng theo đường thủy. Những năm 1967, Bác thường sử dụng chiếc Peugeot 404 để di chuyển trong thành phố vì xe có gầm thấp giúp Bác lên xuống xe thuận tiện hơn. Xe đạt vận tốc tối đa 170km/h. Tổng quãng đường xe đã chạy được là 16.575km.
Đội ô tô đặc biệt chở thi hài Bác Hồ trưng bày tại Khu di tích K9
Ngày 2/9/1969, Bác qua đời. Địa điểm đầu tiên được chọn làm nơi bảo quản thi hài Bác là Bệnh viện Quân y 108 (K75A) và sau đó là Hội trường Ba Đình (K75B). Tuy nhiên, để ứng phó trong thời kỳ không quân Mỹ rải bom đánh phá Hà Nội, cuối năm 1969, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định chọn Khu căn cứ Đá Chông (K9) để xây dựng thêm công trình “Ngôi nhà kính”, “Hầm ngầm” phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác do nơi đây bảo đảm được các yếu tố: yên tĩnh, bí mật, thuận tiện giao thông.
Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã điều động ba chiếc xe đặc biệt bao gồm: xe UAZ cứu thương (xe Hồng thập tự) mang biển số FH 1468 của Viện Quân y 108, xe ZIL 157 biển số 470-189 và chiếc PAP biển số 31-162. Cả ba chiếc xe cùng những chiếc xe đặc biệt khác giờ đây đã hoàn thành sứ mệnh của mình và đang được trưng bày tại Khu di tích K9 Đá Chông.
Xe ZIL 157 biển số 470-189
Trong 3 phương án để cân nhắc việc di chuyển thi hài của Bác: đường không, đường thủy, đường bộ, đường bộ đã được chọn. Khi đó, xe ZIL 175 ba cầu được giao nhiệm vụ quan trọng này vì có đủ độ lớn, khỏe và độ xóc ít hơn các loại xe khác.
Tuy nhiên, một chiếc xe ZIL 175 thông thường sẽ không thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu mà các chuyên gia Liên Xô và tổ y tế đặc biệt đưa ra về việc bảo quản thi hài Bác. Do đó, phương án cải tạo chiếc xe ZIL 175 đã được giao cho các chiến sĩ đơn vị 295, Cục Quản lý xe máy (Tổng cục Hậu cần). Chỉ sau 3 tuần, chiếc xe ZIL bình thường đã được biến đổi hình dạng, khoác lên mình màu xanh thẫm mới. Bên trong xe được thiết kế lại rất gọn ghẽ, hợp lý. Các bộ phận máy, bệ, gầm, đặc biệt là bộ nhíp giảm xóc đã được cải tiến để đảm bảo độ nhún cần thiết. Lượng hơi bơm ở các bánh xe cũng được tính toán sao cho thật vừa đủ để xe vẫn có thể chạy nhanh nhưng giảm được tối đa độ rung xóc. Ngoài ra, bên trong xe còn trang bị một khay thủy lực. Thùng xe được chia làm 3 ngăn, hai bên là hai ngăn chứa nước đá, có thể thoát nước được.
PAP biển số 31-162
Chiếc xe PAP (xe lội nước) - một loại xe đặc chủng của công binh vừa có thể đi đường bộ, vừa có thể đi dưới nước trong mọi địa hình và thời tiết phức tạp. Xe này sử dụng để đưa đón thi hài Bác mỗi khi lũ lụt.Yêu cầu cải tạo xe được đặt ra rất cao như xe phải sử dụng hết dung tích, đảm bảo phải có một giường nằm, một chỗ ngồi cho người chỉ huy, hai dãy tủ đựng thuốc. Ngoài ra, xe còn được lắp đặt một số thiết bị như điều hòa nhiệt độ, máy thông gió, máy điện thoại.
Đặc biệt, xe phải đảm bảo khả năng việt dã, đảm bảo vượt qua những đoạn đường ngập nước cao và có thể di chuyển trong mọi địa hình, thời tiết, bảo đảm tuyệt đối an toàn không để xảy ra bất kỳ sự cố nào. Sau khi được cải tạo theo đúng yêu cầu, chiếc xe PAP đã ba lần di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó có hai lần vượt sông Đà và một lần vào ngày 18/7/1975, được dùng để di chuyển thi hài Bác từ K84 trở về lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2 chiếc xe TRAIKA chưa một lần sử dụng
2 chiếc xe TRAIKA sản xuất năm 1981 tại Nhà máy ô tô Gorki (Liên Xô). Tháng 8/1983, Liên Xô cho chuyên cơ tức tốc chở 2 xe TRAIKA sang Việt Nam theo sự đề nghị viện trợ phương tiện và thiết bị phục vụ nhiệm vụ di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các khu căn cứ bí mật của Chính phủ Việt Nam.
Để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khi di chuyển thi hài đi xa, nước bạn Liên Xô đã sử dụng 2 chiếc xe nguyên gốc của hãng GAT ở Latvia, sau đó cải tạo lại phần thân xe, lắp đặt thêm các thiết bị bảo đảm độ êm khi vận hành. Thân xe còn được lắp hệ thống giảm xóc, khoang thi hài được lắp điều hòa, đảm bảo điều kiện y tế gìn giữ thi hài Bác.
Từ sau năm 1983, những chiếc xe TRAIKA hàng năm đều được Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng sử dụng để tổ chức diễn tập, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, 2 chiếc xe này mới chỉ diễn tập chứ chưa có lần nào tham gia di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến năm 2014, được sự cho phép của cấp trên, 2 chiếc xe TRAIKA này đã được mang về K9 trưng bày để giới thiệu với khách tới thăm khu di tích.
Ảnh: Tổng hợp