Sao không thiết kế chân phanh, chân ga xa nhau để tránh đạp nhầm chân ga?
Nhiều người thắc mắc liệu các vụ TNGT liên quan đến nhầm chân ga là do thiết kế chân ga và chân phanh cùng một bên ở xe số tự động?
Thiết kế cùng bên tạo tính tiện lợi, an toàn
Hiện nay, các xe ô tô được trang bị số tự động đều có thiết kế chân phanh và chân ga nằm cùng bên với chân phải của Người Lái, trong đó, chân phanh có Tiết Diện bàn đạp lớn nhất, nằm ở vị trí thuận lợi với chân phải của người lái, chân ga với tiết diện bàn đạp nhỏ hơn, nằm lệch một chút tiếp sang bên phải. Xe Số Sàn sẽ có thêm bàn đạp chân côn nằm lệch hẳn sang trái người lái.
Dường như với người dùng xe đây là điều hiển nhiên vì theo thiết kế, ít người hiểu được lý do tại sao lại cần thiết kế như thế, trong khi có không ít những vụ TNGT liên quan đến Nhầm chân ga, chân phanh.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô cho biết, thiết kế chân ga và chân phanh đặt cùng bên phải của người lái mang đến sự tiện lợi cho Lái Xe. Thao tác đổi từ vị trí ga và thắng nhanh, chỉ chưa đầy 1 giây, Tài Xế có thể chuyển từ chân phanh sang chân ga và ngược lại, sao cho phù hợp với tình huống di chuyển.
Ngoài ra, việc sử dụng một chân cho cả ga và phanh còn đảm bảo tính an toàn vì không ai phanh và ga cùng lúc, khi muốn phanh, lái xe phải bỏ chân ga ra giúp xe dừng nhanh hơn.
Nguyên tắc lái xe để không bị nhầm chân ga?
Thực tế, có không ít những vụ TNGT liên quan đến việc tài xế đạp nhầm chân phanh sang chân ga. Điển hình như, khoảng 11h ngày 4/9/2019, bà Bùi Thị Nga (trú đường Trần Nguyên Đán, TP Huế) điều khiển ôtô 4 chỗ BKS 75A - 047.78 theo hướng từ đường Ngô Quyền ra đường Hà Nội. Khi xe đến đoạn phía trước cổng phụ bệnh viện quốc tế - Bệnh viện Trung ương Huế, bà N. phát hiện đây là đường ngược chiều nên cho xe quay lại.
Trong lúc quay xe, bà Nga được cho là đạp nhầm chân ga khiến xe đâm vào xe máy do một phụ nữ cầm lái rồi rối tiếp tục lao lên vỉa hè đâm thêm 2 người đi bộ.
Vụ tai nạn đã khiến chị Phạm Thị C. (47 tuổi, trú đường Trần Phú) và anh Hồ Tấn P. (48 tuổi, trú thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) bị thương nặng, một người đi đường khác bị thương nhẹ.
Hay, mới đây nhất, sáng 4/4/2020, tại chợ Chợ Bầu (phường Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), xe ô tô BKS 29A 958.30 do một phụ nữ điều khiển lưu thông trên đường trong khu chợ Phủ Lý do đạp nhầm chân ga đã đâm liên hoàn nhiều người trong chợ, làm đổ cột đèn, lao lên vỉa hè và húc vào hàng loạt cửa hàng. Vụ tai nạn khiến 4 người bị thương.
Ông Nguyễn Minh Đồng cho biết, ở nước ngoài, việc đạp nhầm chân ga hầu như không bao giờ xảy ra. Nguyên nhân khiến việc nhầm chân ga gây TNGT tại Việt Nam là do lái xe chưa thực sự quen với thao tác chuyển chân và thói quen của một số lái xe (đặc biệt là nữ giới) mang giày cao gót. Ngoài ra, lái xe trong trạng thái không tập trung, mải làm một số việc khác như xem điện thoại,... trong khi chân không đặt ở vị trí chân phanh dẫn đến khi gặp tình huống bất ngờ bị cuống đạp nhầm chân ga.
Để giảm thiểu tình trạng này, theo ông Đồng, trước hết ở mặt đào tạo lái xe, nguyên tắc chỉ sử dụng chân phải để điều khiển ga và phanh. Khi ngồi trên xe, chân phải bao giờ cũng đặt ở vị trí chân phanh, rời chân ga tài xế phải lập tức chuyển chân sang chân phanh. Quá trình dạy và học lái xe, tài xế nên được cho tập việc đổi qua lại giữa chân phanh và chân ga ở chân phải nhiều lần để quen với thao tác chuyển vị trí.
Đồng thời, tập lái tại những khu vực gồ ghề nơi cần sử dụng thao tác phanh, ga đổi nhau liên tục trong nhiều ngày để thực tế cho quen các động tác.
“Từ rất lâu đã có khuyến cáo không nên mang giày cao gót khi lái xe vì dễ bị trượt trong lúc đổi chân. Với phụ nữ, giày cao gót là một phụ kiện không thể thiếu, để an toàn, nữ tài xế có thể đi giày thể thao, dép khi lái xe và mang sẵn đôi giày cao gót trong xe để thay khi cần thiết. Điều này giúp hạn chế việc nhầm chân ga và chân phanh khi lái xe”, ông Đồng cũng khuyến cáo.
Ông Đồng chia sẻ, trong một lần lái xe ở TP. HCM, ông quay lưng ra phía sau lấy đồ và chân phải đạp nhầm sang vị trí chân ga, thật may, lúc đó, ông đã cho xe về trạng thái đậu xe. “Do đó, trong quá trình dạy lái xe, các cơ sở đào tạo cũng nên hướng dẫn, dạy các tài xế khi có việc cần làm trong xe, nhất thiết phải cho xe chuyển sang vị trí đậu để đảm bảo an toàn”, ông Đồng nói.