Hội chứng quốc lộ "khoác áo" cao tốc
Với mục tiêu năm 2020 cả nước sẽ có 2.700km đường cao tốc, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 700km cao tốc đưa vào khai thác. Như vậy, trong 5 năm tới, sẽ phải làm thêm 2.000km cao tốc, đây là bài toán không đơn giản trong bối cảnh vốn ngân sách eo hẹp. Đá
Năm 2020: Mục tiêu có 2.700km Cao Tốc
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, hiện tại, cả nước có hơn 700km đường cao tốc trên 12 tuyến đang khai thác như: Đại lộ Thăng Long (30km), Liên Khương - Đà Lạt (19km), Pháp Vân - Cầu Giẽ (30km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), Vành đai 3 đoạn Phù Đổng - Mai Dịch (28km), Hà Nội - Lào Cai (264km), Hà Nội - Thái Nguyên (62km), Hà Nội - Hải Phòng (105km), Hà Nội - Bắc Giang (46km), TP.HCM - Trung Lương (40km), TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (51km)... Tổng kinh phí đầu tư số đường cao tốc này khoảng 173.000 tỷ đồng.
Từ nay đến năm 2020, mục tiêu đặt ra sẽ có 2.700km đường cao tốc, Bộ GTVT sẽ kêu gọi vốn xã hội hóa cho 18 dự án có tổng mức đầu tư 205.558 tỷ đồng. Bộ GTVT đang kêu gọi vốn cho các dự án dự kiến đầu tư theo hình thức BT, BOT có hỗ trợ của Nhà nước, gồm 11 tuyến như Mỹ Thuận - Cần Thơ, Ninh Bình - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Vinh, Vinh - Hà Tĩnh, Nội Bài - Bắc Ninh… Tổng chiều dài các đoạn tuyến tiếp tục đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) là 102km, đầu tư theo BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) khoảng 541km với tổng kinh phí đầu tư khoảng 109.514 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí ngân sách Nhà nước dự kiến phải hỗ trợ hơn 24.000 tỷ đồng,
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đang tổ chức thi công 525 km gồm 9 tuyến với tổng kinh phí đầu tư là 133.492 tỷ đồng, như La Sơn - Túy Loan (66km), Đà Nẵng - Quảng Ngãi (127km), Bến Lức - Long Thành (57,8 km), Hòa Lạc - Hòa Bình (26km), Thái Nguyên - Bắc Kạn (40km), Bắc Giang - Lạng Sơn... Tổng kinh phí đầu tư khoảng 133.492 tỷ đồng; đồng thời đã xác định nguồn vốn đầu tư cho 5 dự án với tổng chiều dài 160km gồm: Vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn thành phố Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.
Tiêu chuẩn cao tốc “thoáng” hơn
Không thể phủ nhận việc kêu gọi vốn xã hội hóa đầu tư vào cao tốc đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương... Tuy nhiên, tình trạng cao tốc 2 làn xe, Quốc Lộ được tân trang lại lớp thảm rồi biến thành cao tốc cũng đã và đang diễn ra, rồi thu tiền tương đương chuẩn cao tốc khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Theo TCVN 5729:2012 do Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Bộ GTVT biên soạn ban hành năm 2012, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy 2 chiều riêng biệt (không bắt buộc số làn tối thiểu), không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác... Nếu so với TCVN 5729:1997 ban hành năm 1997, các tiêu chí thiết kế kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam đã được Bộ GTVT hạ xuống khá nhiều.
Cụ thể, theo tiêu chuẩn năm 1997, đường cao tốc là đường chuyên dùng cho xe ôtô chạy với các đặc điểm: tách riêng 2 chiều (mỗi chiều phải có tối thiểu 2 làn xe), mỗi chiều đều phải có bố trí làn dừng xe khẩn cấp... Bên cạnh đó, dù vẫn giữ quy định chia làm 4 cấp đường cao tốc (cấp 60 km/h, cấp 80 km/h, cấp 100 km/h và cấp 120 km/h), nhưng tiêu chuẩn ban hành năm 2012 cũng “thoáng” hơn rất nhiều cho nhà đầu tư nếu so với tiêu chuẩn năm 1997.
Cụ thể, tiêu chuẩn năm 2012 chỉ quy định ngắn gọn: cấp 60 và 80 (km/h) áp dụng ở địa hình khó khăn vùng núi, đồi cao và những vùng có hạn chế khác, cấp 100 và 120 (km/h) cho vùng đồng bằng. Nhưng theo tiêu chuẩn năm 1997, cao tốc được chia làm loại A (bố trí nút giao khác mức ở tất cả các điểm ra/vào cao tốc) và B (bố trí nút giao ở một số điểm). Với đường cao tốc loại A chỉ được áp dụng các cấp 80, 100 và 120 (km/h), trong đó cấp 80 km/h chỉ áp dụng ở địa hình khó khăn núi, đồi cao và những vùng có hạn chế khác...
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án đường cao tốc loại A với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 1,5 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA, được đưa vào lưu thông năm 2014. Tuy nhiên, chỉ đoạn tuyến từ Hà Nội đi Yên Bái được xây dựng 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp tốc độ thiết kế 100 km/h.
Đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai hiện chỉ được xây dựng 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 80 km/h. Hơn nữa, đoạn tuyến Yên Bái - Lào Cai không có dải phân cách cứng nên theo nhìn nhận của các lái xe thường xuyên tham gia tuyến này là rất nguy hiểm và mất ATGT. Đáng nói, đoạn tuyến này vẫn được thu phí với mức 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2 của dự án này sẽ mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai nhưng vốn còn đang chờ tài trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á và không thể hoàn thiện sớm.
Tuy vậy, cao tốc Nội Bài - Lào Cai là cao tốc được đầu tư mới hoàn toàn, nhà đầu tư phải xây dựng một tuyến đường mới, còn không ít tuyến cao tốc hiện nay chỉ là thảm lại nhựa trên cốt nền đường cũ xong cũng gán thành cao tốc và thu phí ngang cao tốc.
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang “lên đời” từ quốc lộ 1
Tù mù khái niệm cao tốc
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tiền thân là đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được xây dựng và hoàn thành vào năm 2002, với 4 làn xe bằng vốn ODA. Tuy nhiên, năm 2013, Bộ GTVT đã đồng ý cho liên danh nhà đầu tư BOT cải tạo, nâng cấp thành cao tốc theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thảm lại mặt đường cũ với kinh phí 2.000 tỷ đồng, giai đoạn 2 sẽ thực hiện mở rộng thêm 2 làn. Mặc dù chỉ là thảm lại nhựa và cải tạo một số hạng mục phụ như hệ thống điện, giải phân cách nhưng cao tốc này cũng đã được thu phí 1.500 đồng/km. Đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải nhìn nhận: “Làm đường cao tốc mà như vậy thì đơn giản quá”.
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang sẽ chính thức thu phí từ ngày 25-5 tới đây. Đáng nói, dù là cao tốc nhưng tiền thân là quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Bắc Giang được nhà đầu tư BOT nâng cấp, thảm nhựa. Trong đó, đoạn Hà Nội - Bắc Ninh chỉ được nâng cấp trên nền quốc lộ 1 cũ mà không mở mới. Việc thu phí cũng là thu phí hở, tức phương tiện lưu thông trên cao tốc này sẽ phải nộp tiền theo lượt. Lý giải về thực trạng này, đại diện nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang cho biết, do trên tuyến có nhiều lối ra vào, nhiều điểm đấu nối nên không thể thực hiện việc thu phí kín. Song, một số chuyên gia cho rằng, muốn thu phí kín thì nhà đầu tư phải xây các cầu vượt qua các điểm đấu nối và như vậy kinh phí đầu tư lớn.
Đặc biệt, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua Bắc Ninh được UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, không phù hợp là đường cao tốc. Ông Nguyễn Tiến Nhường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Quốc lộ 1 đoạn qua Bắc Ninh có 7 cầu vượt, trong đó một số cầu vượt chưa được xây dựng hoàn chỉnh, 28 điểm đấu nối. Dự án BOT chỉ thực hiện việc cải tạo, nâng cấp trên nền đường cũ, chỉ trải thêm bê tông nhựa, không mở rộng, không bố trí làn cho xe máy, xe thô sơ trong khi cũng không xây dựng đường gom cho các phương tiện này. Do vậy, việc khai thác sử dụng QL1 theo tiêu chuẩn đường cao tốc là không hợp lý”.
Không chỉ có đoạn tuyến này, mà QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên được đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng từ vốn vay ODA Nhật Bản, được Bộ GTVT thông xe kỹ thuật vào tháng 1-2014, mới đây, quốc lộ này cũng đã được chấp thuận cho liên danh các nhà đầu tư bỏ thêm hơn 3.000 tỷ đồng để nâng cấp thành cao tốc và sắp sửa thu phí.
Trả lời về việc một số tuyến quốc lộ bỗng “khoác áo” cao tốc và thu phí cao tốc, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, các tuyến đường này đều đáp ứng được tiêu chuẩn của đường cao tốc về tốc độ, về thiết kế. Song theo GS Nguyễn Quang Toản, trường ĐH GTVT, khái niệm cao tốc ở Việt Nam vẫn rất tù mù. Ở các nước tiên tiến, phân biệt rõ khái niệm cao tốc gồm “Express Way” (quy định tốc độ tối đa và tối thiểu), “Free Way” (không hạn chế tốc độ tối đa), tốc độ giao thông không phụ thuộc vào số làn, nếu lưu lượng xe ít vẫn cho phép lưu thông 100 km/h.
“Khái niệm của Việt Nam còn khá tù mù, muốn gọi là cao tốc thì là cao tốc, nhưng đường 2 làn xe thì cũng có thể chỉ xem như tiền cao tốc, hay thậm chí quốc lộ vì tốc độ lưu thông cũng chỉ 80 km/h”, GS Nguyễn Quang Toản đánh giá. Theo chuyên gia này, với những dự án chỉ nâng cấp đường cũ lên thành cao tốc, tổng mức đầu tư vài nghìn tỷ đồng thì các bộ cần tính toán lại thời gian thu phí ngắn hơn 5 - 10 năm, không nên kéo dài. Bởi, nếu không sự bất đồng, phản ứng về mức phí của người dân, doanh nghiệp với chủ đầu tư sẽ tiếp diễn.
Ngân Tuyền (ANTĐ)