[P2] Thu Tà - Chuyện tôi kể
Trong cái nắng hanh hao, buốt giá của miền sơn cước, tôi chỉ nghe thấy tiếng cười, trong veo và hạnh phúc...
Ngày 2: Những nụ cười hạnh phúc
Tiếng nói cười râm ran của mấy chị dân tộc xuống bán gừng ngoài cửa sổ làm tôi tỉnh giấc. Cốc Pài sau một tối nhộn nhịp chợ đêm dường như vẫn còn ngái ngủ, uể oải chưa muốn tỉnh giấc trong làn sương mờ. Đang mơ mơ màng màng thì bỗng có tiếng đập cửa thùm thùm, hóa ra mợ Hải Âu lady gọi cửa từng phòng dậy ăn sáng để kịp lên đường...
Ăn sáng trong tình trạng đang ngái ngủ quả thực là cực hình, nhưng xác định hôm nay sẽ là một ngày vất vả nên không thấy ai kêu ca nhiều. Bát phở gà nhà bếp khách sạn nấu tuy không ngon nhưng được cái rất đầy đặn, kiểu dành cho dân lao động, được giải quyết trong vài phút. Chưa kịp hạ đũa, đã thấy ầm ì tiếng máy xe nổ ở sâu sau. Đoàn xe với hầu hết là xe máy dầu nên việc khởi động máy trước cho nóng để xe chạy khỏe hơn khi chở nặng leo dốc là bắt buộc.
Sự tự giác và ý thức trách nhiệm cao là yếu tố quan trọng giúp cho chuyến đi suôn sẻ và thành công. các tay lái trong đoàn đi Thu Tà năm nay hầu hết đều là những người đã góp mặt trong các chuyến đi trước của diễn đàn. Năm nay đội vận tải "cò dê" với dàn xe chủ lực là Colorado và Dmax lúc nào cũng rất chuyên nghiệp, sắp xếp đội hình đội ngũ chuẩn tự bao giờ. Sở dĩ phải sắp sếp đoàn xe theo đội hình và số thứ tự là bởi vì đường lên Thu Tà rất nhỏ hẹp, rất ít chỗ có thể vượt hay quay đầu trong khi các điểm trường có vị trí khác nhau nên việc sếp đội nào đi trước, đội nào đi sau là hết sức cần thiết.
Đường từ Cốc Pài lên Thu Tà chỉ khoảng 25km, được các tài già đánh giá là "nhạt" so với mọi năm, tuy nhiên, ngay từ khúc cua tay áo đầu tiên, đoàn xe đã phải dừng chờ xe anh Hùng cò vật lộn vượt qua cái hố đất bất ngờ. Với những chuyến đi như thế này, có lẽ chỉ có xe bán tải mới thực sự phù hợp. Gầm cao, máy khỏe, chở nặng vẫn leo dốc thoải mái, những chiếc xe sinh ra chỉ đợi những dịp như thế này để thể hiện khả năng tuyệt vời của mình hơn là lóng ngóng loay hoay trong phố chật. Sau 2 lần phải dừng chờ xe SUV Mohave của Hùng cò giẫy dụa, Hải Âu cáu tiết móc cáp vào xe kéo phăng Mohave ra lề đường để lấy lối cho đoàn lên kịp giờ chương trình...
Sân trường tiểu học Thu Tà đang râm ran tiếng cười đùa của học sinh bỗng vỡ òa tiếng reo hò khi đoàn xe chúng tôi vừa tới. Hàng dài những chiếc xe hạ hàng xuống sân trường trong ánh mắt tò mò của lũ trẻ. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, chúng được nhìn thấy nhiều xe ô tô đến thế. Hạ xong hàng trên xe xuống sân trường, tôi lại tất tả khoác ba lô lên xe máy đi lên điểm trường Ngài Thầu, điểm cao nhất trong các điểm trường tại xã Thu Tà. Phía sân trường, lũ trẻ đang vô tư nô đùa và chơi các trò chơi tập thể cùng đội tình nguyện trong lúc chờ tới lượt khám bệnh - chương trình khám và phát thuốc miễn phí của đội ngũ bác sỹ nội trú OTOFUN.
Ngài Thầu - điểm trường mẫu giáo nằm trên độ cao 1640m so với mực nước biển, đường lên Ngài Thầu vừa dốc vừa hẹp, chỉ đủ cho xe máy đi lên lúc trời khô ráo, ngày mưa, con đường độc đạo hầu như bị chia cắt hoàn toàn. Đưa tôi lên điểm trường Ngài Thầu là một thầy giáo đã đứng tuổi. Hơi ái ngại khi thấy mình trẻ hơn mà lại ngồi sau, tôi ngỏ lời xin lên cầm lái thì chỉ nhận được một câu gọn lỏn "Không được, đường này là của anh, chú cứ yên tâm ngồi sau thôi".
Dẫu đã có nhiều năm "chinh chiến" trên các cung đường Tây Bắc bằng xe máy, tôi cũng không khỏi bất ngờ với trình độ chạy xe của thầy giáo bản. Đúng như anh nói, đường này là "của anh ấy" thật. Thuộc từng khúc cua, từng hòn đá, từng vũng lầy, chiếc xe Wave a chở tôi cứ nhảy nhót trên những con dốc dựng đứng lởm chởm đất đá gọn gàng và chính xác không khác gì mấy cậu poster người Mông dẫn khách du lịch lên Fanxipan. Tôi chỉ biết ngồi thật cân bằng và nắm chặt lấy tay xách cho khỏi văng xuống đất.
Đi sau tôi là hai bố con anh Hải Âu tự chở nhau trên chiếc xe Sirius mới mượn được của trường tiểu học. Cậu cả nhà Hải Âu năm nay đã lớn tướng, cao ngang bố, chuyến này được cho đi theo để trải nghiệm cuộc sống. Chắc bố cháu sợ cháu ở thành phố lâu quá, mất đi cái gen từng trải của bố để lại. Thực ra chuyến đi này, tôi cũng đã định cho cậu trai lớn ở nhà theo cùng, những chuyến đi như thế này là cơ hội quý giá để các cậu ấm thành thị có dịp được trải nghiệm, được hiểu hơn về cuộc sống xung quanh, được tự cảm nhận thế nào là khó khăn vất vả... những điều mà chúng không có cơ hội được học trên ghế nhà trường.
Trẻ con vùng cao sinh ra đã trong cảnh gian khó nên chúng thường tự lập từ rất sớm. Những đứa trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo thường đã biết tự chăm sóc bản thân, tự mặc quần áo, ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của cô giáo. Xín Mần là khu vực giáp biên giới nên việc bà con sang Trung Quốc làm thuê là bình thường. Khi đó, lũ trẻ con dù còn bé tí cũng chỉ có thể hoặc là lẽo đẽo theo cha mẹ sang biên giới, hoặc là ở lại trường mẫu giáo cùng các cô. Thích nghi với cuộc sống thiếu thốn sự chăm sóc của gia đình là điều bắt buộc và vì thế, chúng trưởng thành ngay từ khi được sinh ra. Nhìn những đứa trẻ chỉ bằng tuổi con út của mình, cao còn chưa quá mặt bàn, hăng hái ôm những tấm thảm lớn mà chúng tôi mang lên tặng, ngồi hì hụi xếp xuống sàn lớp mà thấy chạnh lòng. Tôi tin lũ trẻ con đi trong đoàn từ thiện chắc sẽ học được nhiều điều từ những hình ảnh như thế...
... Điểm trường mẫu giáo Ngài Thầu vừa hiện ra trước mắt. Nằm trên một sườn dốc khá rộng trên đỉnh núi thuộc dãy núi Chiêu Lầu Thi, điểm trường trông thật nổi bật với lớp học mới dựng bằng vật liệu nhẹ, mái tôn xanh ngắt dưới nền trời xanh. Nhiệt độ trên này khá thấp, nhưng nắng thì lại chan hòa. Trong cái nắng hanh hao của miền sơn cước, tôi chỉ nghe thấy những tiếng cười của lũ trẻ đang chơi đùa trước sân, ùa ra đón khách.
Xuống xe, chúng tôi bắt tay ngay vào việc, các bạn nữ thì chia quà, quần áo, sách vở và thuốc men, tôi với anh Hải Âu cùng vài người nữa xúm vào lắp bập bênh và xích đu. Vừa lắp, tôi và hải Âu vừa xuýt xoa không hiểu làm thế nào mà các thầy giáo lại có thể chở được cái cột xích đu cao tới mấy mét lên đây, trên con đường núi chỉ rộng bằng cái bàn học với chi chít khúc cua tay áo.
Rồi chiếc xích đu và bập bênh cũng được lắp xong trong ánh mắt háo hức của lũ trẻ, đây có lẽ là món đồ chơi lớn nhất mà chúng từng được thấy. Sau vài phút bẽn lẽn rụt rè ban đầu bên đồ chơi mới, bọn trẻ con mau chóng chia nhau ra cùng chơi bên xích đu và bập bênh.
Những khuôn mặt thơ ngây mang đầy cảm xúc lạ lẫm và thích thú. Những tiếng cười trong veo như pha lê bay vút lên đỉnh núi rồi tan vào trong nắng. Có lẽ lâu lắm rồi, trên những con đường mà tôi đã đi, trên những vùng đất mà tôi đã tới, tôi mới lại được nghe thấy những tiếng cười như vậy, trong veo và thánh thót - Nụ cười của hạnh phúc. Dẫu niềm hạnh phúc ấy vô cùng giản đơn, nhưng với lũ trẻ, đó là cả một thế giới tươi mới đầy mầu sắc. Nụ cười ấy mau chóng lan tỏa, tràn ngập trong trái tim những người làm tình nguyện chúng tôi. Nếu có ai hỏi rằng, bạn tìm kiếm điều gì trong chuyến hành trình gian khó này, tôi sẽ không do dự trả lời rằng, chúng tôi kiếm tìm chính khoảnh khắc đó - khoảnh khắc được bắt gặp nụ cười hạnh phúc của trẻ thơ...
Con đường từ Ngài Thầu xuống điểm trường chính Thu Tà dường như bằng phẳng hơn, rộng rãi hơn, dẫu tay tôi vẫn tê cứng vì phải bám vào xe cho khỏi ngã. Những chuyến xe mang đến đầy tình yêu thương và cũng chở về đầy hạnh phúc. Những cảm xúc đó sẽ mãi là những kỉ niệm tuyệt vời trong đời những người làm thiện nguyện...
Tôi về tới trường mần non Thu Tà khi vừa chính ngọ, từ xa đã thấy thơm lừng mùi nấu nướng, các thầy cô đã chuẩn bị bữa cơm trưa cho đoàn từ sớm để kịp giờ chương trình văn nghệ buổi chiều. Bữa cơm nóng với những đặc sản của núi rừng sau một buổi sáng vất vả quả thực ngon khó tả. Phần lớn công việc đã được hoàn tất, mọi người ai nấy đều cảm thấy vui và thanh thản như vừa trút được gánh nặng. Gánh nặng của mấy tháng trời chuẩn bị, gánh nặng của bao nhiêu người gửi gắm, dõi theo sự thành công của chương trình... Lăn vào giữa đống chăn quà tặng cho các lớp nội trú, tôi ngủ quên lúc nào không biết. Dưới sân trường, chương trình văn nghệ giao lưu giữa đội văn nghệ OTOFUN với thầy trò Thu Tà đã bắt đầu, tiếng nhạc, tiếng hát văng vẳng trong giấc mơ trưa...
Chia tay Thu Tà trong bịn rịn, nhìn những cánh tay nhỏ bé vẫy vẫy bên lớp học mới sáng bừng trong nắng chiều, trong lòng chợt dâng lên những cảm xúc khó tả. Ngắm những nụ cười, ngắm những khuôn mặt thơ ngây đầy hạnh phúc vui đùa trong nắng, chúng tôi hiểu hằng, hành trình Sưởi ấm Bản Cao sẽ còn tiếp tục, con đường chúng tôi đi sẽ còn dài mãi, để nối tiếp những mạch nguồn yêu thương. Những nỗ lực của chúng tôi dẫu sao cũng chỉ là một giọt nước nhỏ trong cuộc sống vẫn còn bao gian khó. Nhưng tôi luôn tin rằng, dù nhỏ bé, nhưng đó sẽ là những hạt mầm của hy vọng, niềm hy vọng lớn ở các em - những chủ nhân tương lai của đất nước, của miền Tây Bắc hùng vĩ và nên thơ...
Thời gian rồi sẽ trôi đi, những câu chuyện hôm nay rồi sẽ thành quá khứ, nhưng những cảm xúc tuyệt vời về một chuyến đi, về những con người và về tình bạn sẽ còn đọng lại mãi. Chính vì vậy, tôi đã đặt tên cho chuyến đi của mình là "Hành trình của cảm xúc và sự sẻ chia".