Bài 10: Thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt

| Thị trường
Xếp hạng 3.8 - 9 đánh giá

Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải hồi tháng 3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã phát biểu: Giao thông của Hà Nội hiện nay đang ở mức báo động. Người dân vô cùng khó khăn trong việc tham gia giao thông v

 Bài 10: Thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Cảnh ùn tắc trên cầu Chương Dương . Ảnh: Thái Nguyên

Hà Nội đang ở mức báo động

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố thời gian qua là do tốc độ tăng trưởng giao thông quá nhanh. Ngoài ra, công tác quản lý, điều hành hệ thống giao thông chưa tốt.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 5,3 triệu xe máy, 560 nghìn ô tô, 10 nghìn xe đạp điện. Tốc độ tăng ô tô hàng năm khoảng 17%, xe máy 11% (gấp 1,5 đến 2 lần so với tốc độ tăng GDP trên địa bàn). Điều đó gây sức ép rất lớn về hạ tầng. 

Tăng trưởng dân số của Hà Nội cũng rất nhanh. Từ lúc sáp nhập thêm Hà Tây (cũ) mới có 6,2 triệu người, đến thời điểm này đã lên 7,6 triệu người. Đó là chưa kể trên địa bàn thành phố thường xuyên có 3 triệu người vãng lai.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, tất cả những vấn đề trên đã gây sức ép lớn tới hạ tầng giao thông. Điều đó, đòi hỏi đơn vị liên quan phải nỗ lực, quyết liệt để đưa ra những đặc thù, khắc phục những hạn chế trong thời gian ngắn nhất; càng làm chậm sức ép về sau càng lớn.

Còn 36 “ điểm đen” ùn tắc giao thông

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: Với hàng loạt giải pháp, công trình giao thông đưa vào khai thác từ đầu năm 2016 đến nay, thành phố đã xóa thêm được 10/46 “điểm đen” ùn tắc giao thông trên địa bàn. Trong đó nhiều điểm là nỗi ám ảnh của người dân như khu vực nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, nút giao Trần Duy Hưng - Phạm Hùng, nút giao Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Linh - Ngô Gia Tự, tuyến đường Kim Mã - Trần Phú…

Mặc dù ùn tắc giao thông giảm nhưng trên địa bàn thành phố vẫn còn tới 36 "điểm đen" khác cần sớm được giải quyết như: Tuyến đường Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, nút giao thông Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái... Thực trạng tại các khu vực này cần tiếp tục được giải quyết trong thời gian tới.

Cùng với việc tổ chức lại giao thông, hạn chế xe tải, taxi lưu thông trong giờ cao điểm, điều chỉnh lộ trình xe buýt, xe khách liên tỉnh..., thời gian tới, Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng 8 công trình giao thông cấp bách nhằm giảm ùn tắc giao thông theo hình thức giao thầu.

Hiện UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẩn trương hoàn thành các thủ tục để triển khai ngay các dự án đã xác định được vị trí gồm: Cải tạo mở rộng và làm cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, cầu vượt Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái (giao giữa đường Vành đai 1 với phố Lò Đúc, đường Kim Ngưu), cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên, cầu vượt nút giao Trần Hưng Đạo - Lương Yên, nút giao Cổ Linh (giao giữa đường Cổ Linh và đường dẫn đầu cầu phía Bắc cầu Vĩnh Tuy). Dự kiến, các dự án này sẽ khởi công và cơ bản hoàn thành ngay trong năm 2016, nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc trên địa bàn.

Để giảm thiểu ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố, trong thời gian tới Sở GTVT Hà Nội sẽ điều chỉnh điểm mở dải phân cách giữa trên trục QL6; điều chỉnh các điểm đón trả khách tại các trung tâm du lịch trên địa bàn để tránh ùn tắc; thí điểm tổ chức giao thông “làn thông minh” khu vực nút giao thông Ngô Xuân Quảng – Cổ Bi; lắp đặt cụm gờ giảm tốc tại các điểm giao cắt mất ATGT. Đặc biệt, thành phố sẽ thành lập các tổ công tác liên ngành GTVT - Công an để tập trung giải quyết tại các nút, tuyến giao thông quan trọng thường xuyên có nguy cơ xảy ra ùn tắc, nhất là khu vực quanh các công trình đang thi công…

Cùng với đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, có lộ trình kiểm soát chặt chẽ phương tiện cá nhân, di dời các cơ quan hành chính, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các bệnh viện lớn ra khỏi phạm vi trung tâm thành phố; xử lý triệt để hiện tượng xe dù, bến cóc, kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận tải và xe siêu trường, siêu trọng.

Bài 10: Thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Xây dựng thêm các cầu vượt tại các ngã tư sẽ góp phần giảm ùn tắc. Ảnh: Thái Nguyên

Chuyên gia “bày” giải pháp

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội tuy đã giảm, nhưng thiếu tính bền vững. Do đó, nếu không có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài. Theo KTS Trần Huy Ánh, tắc đường tại Hà Nội ngày càng trầm trọng. Nhiều chuyên gia chỉ ra nguyên nhân là do số lượng ô tô cá nhân tăng nhanh. Bên cạnh đó, việc sử dụng vỉa hè, lòng đường, không gian công cộng mặt đất để đỗ xe tùy tiện đang khiến diện tích vỉa hè lòng đường ngày càng thu hẹp, nạn tắc đường thêm trầm trọng.

Theo KTS Trần Huy Ánh, thành phố không thể tùy tiện nâng cao mức thu phí phương tiện nhưng bằng cách tăng mức thu phí khi vào sâu khu trung tâm TP và thu tiền chỗ đỗ xe đủ chi phí đầu tư, quản lý. Đây là việc làm khả thi vì cùng lúc đạt 2 mục đích: Giảm xe cá nhân và khuyến khích xã hội hóa đầu tư nơi đỗ xe. Một giải pháp nữa là tổ chức lại giao thông, chỉnh trang mạng đường xương cá nhỏ bé sẵn có bên cạnh các trục đường thường xuyên bị ùn tắc để tạo lối thoát cho xe máy, xe đạp thay vì đứng chờ hàng tiếng sau những chiếc ô tô. 

Giáo sư Jiyoung Ryu - nguyên cố vấn cao cấp của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Giao thông Hàn Quốc cho biết, ở Hàn Quốc cũng có vấn đề tương tự về tắc đường và quá tải như đang xảy ra tại 2 đô thị lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP HCM. Ông Ryu cho rằng, Hà Nội cùng các đô thị khác cũng cần có thêm đường giao thông khác thuận tiện hơn; phải có chính sách di dời các trường đại học, bệnh viện, trụ sở cơ quan ban ngành ra khỏi trung tâm Thủ đô.

Ngoài ra, ông Ryu khuyên người dân nên tham gia giao thông bằng phương tiện xe đạp. Người dân có thể di chuyển xe đạp và gửi xe để đi đường cao tốc trên cao nếu nơi làm xa. Sử dụng phương tiện này vừa giảm ùn tắc vừa bảo vệ môi trường.
 
Theo Tú Linh (TTTĐ)

SourceXeHay