Vì sao Nam Carolina là "Vùng đất hứa" của BMW tại Mỹ?
Kể từ khi mở cửa vào năm 1999 cho đến nay, nhà máy Spartanburg của BMW tại bang Nam Carolina đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế nước Mỹ.
BMW Motorrad Spezial sẽ cho ra đời những chiếc mô tô cá nhân hóa cao Ngày càng có nhiều người trẻ sở hữu xe siêu sang Rolls-Royce BMW bất ngờ tung ra video đầu tiên về xe thể thao i8 Roadster |
Tính đến thời điểm này, nhà máy Spartanburg đã tuyển dụng gần 9.000 nhân công. Ngoài những hỗ trợ không nhỏ từ công ty mẹ, vị trí địa lý thuận lợi chính là điểm quan trọng giúp chi nhánh này có được sự phát triển như ngày hôm nay.
Trong chuyến viếng thăm tới nhà máy Spartanburg tại bang Nam Carolina vừa qua, ông Harald Krueger, CEO BMW, đã tiết lộ những lý do khiến hãng xe xứ Bavaria chọn nơi đây làm "ngôi nhà chung" của BMW tại Mỹ.
Dù có thế nào, Spartanburg vẫn là ngôi nhà thứ hai của BMW bên ngoài lãnh thổ Đức. |
Điều đầu tiên cần kể đến là xung quanh khu vực Spartanburg có tới hơn 60 trường Cao đẳng, Đại học và phần lớn trong số đó là những trường có các chuyên ngành đào tạo về kĩ thuật phù hợp với quy trình làm việc ở nhà máy. Các chính trị gia ở Nam Carolina nhấn mạnh, lực lượng lao động này được đào tạo chuyên sâu và bài bản hứa hẹn giúp BMW tuyển dụng được những nhân sự tuyệt vời.
Ở góc độ địa lý, nhà máy Spartanburg nằm gần cảng Charleston, địa điểm cực kỳ thuận lợi trong việc giúp BMW đưa những chiếc xe danh tiếng tới khắp nơi trên thế giới. Chỉ tính riêng tại Charleston, lượng xe SUV BMW xuất khẩu thông qua cảng này đã chiếm tới 86% tổng số lượng SUV xuất khẩu của hãng, trong khi các cảng biển khác ở vùng Đông Nam chỉ chiếm 14%.
Mặt khác, sân bay Greenville ở khu vực này cũng đã được mở rộng, nhờ đó việc vận chuyển phụ tùng, phụ kiện, xe hơi trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Lý do thứ ba xuất phát từ chính sự hiếu khách của người dân ở Nam Carolina, theo Thống đốc Bang Nam Carolina Henry McMaster và Thương nghị sĩ Lindsey Graham, những cái bắt tay thường có giá trị cao hơn rất nhiều so với các hợp đồng thương thảo. Ngoài ra, ở thời điểm BMW đặt chân tới Mỹ cách đây 25 năm, chính phủ Mỹ cùng chính quyền bang Nam Carolina cũng ưu ái nhà đầu tư khi dành một số đặc quyền cho hãng xe Đức.
Theo một nghiên cứu độc lập của Moore School of Business, thương hiệu xe hơi Đức không chỉ trực tiếp tạo ra 9.000 việc làm mà còn gián tiếp tạo ra 70.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất xe hơi tại Mỹ. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng ước tính hoạt động của BMW còn tạo ra thêm 50.000 vị trí công việc khác ở những ngành nghề không liên quan trực tiếp đến nền công nghiệp ô tô.
Hiện nay, mặc dù Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng phản đối việc phân phối xe hơi của các nhãn hiệu Đức tại Mỹ nhưng không thể bác bỏ một thực tế rằng, Spartanburg thực sự đã trở thành một sự đầu tư dài hạn, bền vững và là ngôi nhà thứ hai của hãng xe xứ Bavaria.