Nga – Mỹ "chạm trán" có chủ đích trên không phận quốc tế
Trong thời gian gần đây, máy bay Nga thường xuyên “chạm trán” với máy bay và tàu chiến Mỹ tại khu vực biển gần lãnh thổ. Hành động này được cho là có chủ đích của cả hai bên.
Máy bay MiG-31 lướt sạt máy bay P-8 Mỹ, khoảng cách dưới 15m
Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết, ngày 21-4 vừa qua, trong khi chiếc máy bay chống ngầm P-8 của Mỹ thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tại khu vực không phận quốc tế ngoài bán đảo Kamchatka thì bị một chiếc MiG-31 của Nga vọt lên ngăn chặn.
Chiếc MiG-31 của Nga bay cách máy bay trinh sát Mỹ lúc gần nhất chưa đến 15m. Nhưng, theo một vị quan chức Quân Sự Hoa Kỳ dấu tên cho hay, hành động ngăn chặn của máy bay chiến đấu Nga tỏ ra rất chuyên nghiệp, chưa gây nguy hiểm và mất an toàn cho chiếc P-8 của Mỹ.
Trước đó, ngày 13-4, tại biển Baltic, hai chiếc Su-24 của Nga cũng đã có màn biểu diễn tầm thấp trên tàu khu trục USS Donald Cook của hải quân Mỹ. Tiếp đó, chỉ sau một ngày (14-4) lại xảy ra một sự việc tương tự, một chiếc Su-27 của Nga lại có “màn nhào lộn” trước chiếc máy bay trinh sát RC-135 của Hoa Kỳ trên vùng biển Baltic, khi chiếc máy bay này đang thực hiện "chuyến bay thông thường trong không phận quốc tế", người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết như vậy. Hành động này của cả hai bên đã gây ra căng thẳng nhất định giữa hai nước.
Đại sứ Nga tại NATO - Alexander Grushko nói: “Chính sự hiện diện ngay sát lãnh thổ Nga của tàu chiến Mỹ đã khiêu khích máy bay Nga”. Trong khi Washington gọi việc máy bay Nga “sượt qua đầu” tàu chiến Mỹ là “nguy hiểm” và “thiếu chuyên nghiệp”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Ashton Carter gọi đó là “cách ứng xử thiếu chuyên nghiệp”.
Máy bay Su-24 Nga áp sát tàu chiến Mỹ trên biển Baltic
Theo phân tích, có thể chiếc P-8 săn ngầm của Mỹ đang có ý đồ trinh sát tàu ngầm hạt nhân chiến lược kiểu mới nhất của Nga tại khu vực căn cứ Petropavlovsk. Một sĩ quan hải quân Mỹ đã nghỉ hưu nhận định, “máy bay chiến đấu của Nga ngăn chặn máy bay P-8 của Hoa Kỳ sát như vậy cho thấy, có thể Moscow đã triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược “Yuri Dolgoruky” đến khu vực này”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, tháng 2 vừa qua, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ phát biểu trước Quốc hội Mỹ rằng, Nga đang khôi phục lại sức mạnh của mình tại Thái Bình Dương, như bố trí tàu ngầm chiến lược mới nhất tại căn cứ Petropavlovsk và khôi phục lại các chuyến bay tuần tra chiến lược của máy bay ném bom tầm xa ở khu vực này. Có thể đây là những lý do khiến máy bay và tàu chiến Mỹ thường xuyên xuất hiện tại khu vực biển gần với lãnh thổ Nga trong thời gian vừa qua.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội hôm 27-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng, những vụ chạm trán trong thời gian qua cho thấy căng thẳng đang leo thang ở châu Âu, đặc biệt là 2 năm trở lại đây kể từ khi Nga sáp nhập Crimea.
Một số ý kiến nhận định, những vụ “chạm trán có chủ đích” này là phản ứng của Nga trước quyết định gần đây của Mỹ về việc tăng gấp 4 lần chi tiêu quốc phòng ở châu Âu, cũng như nước này đang gia tăng quân số, thiết bị quân sự tại khu vực này.
Theo Đức Sơn (ANTĐ)