Xếp hàng vào garage cận Tết, khách lo bị 'chặt đẹp'
Nhiều chủ xe chỉ mang xe bảo dưỡng ô tô khi năm hết Tết đến dẫn đến tình trạng quá tải, nhân viên garage làm ẩu và tăng giá dịch vụ.
Đa số Chủ Xe chỉ mang xe bảo dưỡng ô tô khi năm hết Tết đến. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến độ bền, sự an toàn của xe mà còn gây ra tình trạng quá tải tại các garage đồng thời dễ xảy ra tình trạng làm ẩu, tăng giá dịch vụ.
Chật cứng xe bảo dưỡng, làm đẹp
Ngày 8/1 có mặt tại garage ô tô Tân Bình (231 Nguyễn Xiển, Hà Nội) PV Báo Giao thông chứng kiến cảnh nhiều chủ xe phải quay đầu ra về do garage quá tải. Anh Hoàng Dũng (Ba Đình, Hà Nội) là một chủ xe thuộc diện mang đến lại phải mang về, thở dài: “Tôi vừa lấy chiếc Mitsubishi Grandis làm bảo hiểm thân vỏ xong và mang tới đây để bảo dưỡng một vài hạng mục để đi lại dịp Tết này. Tuy nhiên, dù đã gọi điện, hẹn trước từ sáng nhưng đến chiều mang xe qua garage vẫn phải chờ. Sau hàng tiếng chờ đợi, tôi đành đánh xe về”.
Một nhân viên tại garage cho biết, tình trạng quá tải đã diễn ra trong nhiều ngày nay và còn có thể kéo dài tới khi nghỉ Tết Âm lịch 2020 bởi khách hàng mang xe tới sửa chữa, bảo dưỡng quá đông. Thậm chí, garage luôn trong tình trạng phải làm thêm giờ để kịp tiến độ giao xe cho khách.
Không chỉ các garage tại Hà Nội quá tải, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch, Giám đốc garage Lê Văn Tạch (Vĩnh Phúc) cho hay, vào dịp gần Tết, lượng khách hàng tại đây cũng tăng cao, nhân viên thường xuyên phải làm tăng ca nhưng chỉ từ 1 - 2 tiếng để đảm bảo sức khỏe. “Dịp này hầu hết khách hàng đến bảo dưỡng tổng thể nên thời gian xe lưu lại lâu hơn so với sửa chữa thông thường. Bên cạnh đó, do thói quen của nhiều khách hàng không bảo dưỡng định kỳ, để cuối năm mới đi bảo dưỡng nên phải làm nhiều hạng mục khiến lượng xe bị dồn lại”, kỹ sư Tạch cho biết.
Tình trạng trên không chỉ xuất hiện ở những garage tư nhân mà còn ở cả các trung tâm bảo hành bảo dưỡng chính hãng. Trao đổi với PV, một nhân viên đại lý Toyota Long Biên cho hay, lượng khách hàng tới bảo hành bảo dưỡng, sửa chữa, sơn… tại đây hiện đang tăng cao hơn so với các thời điểm khác trong năm khoảng 20 - 30%. Tuy nhiên, có vẻ như năm nay không đông bằng so với hồi cuối năm ngoái bởi nhiều đại lý Toyota mở ra, khách hàng cũng sẽ chia ra vào các đại lý khác. Bên cạnh đó, chỉ có khách hàng có nhu cầu bảo dưỡng cấp lớn hay tai nạn nặng thì mới có nhu cầu vào hãng.
Nên Khảo Giá Phụ Tùng thay thế
Tại các đại lý chính hãng, thông thường giá dịch vụ để đại tu một chiếc xe phổ thông có giá 30 - 40 triệu đồng/xe. Đối với dịch vụ bảo dưỡng thông thường như: Kiểm tra, thay dầu, lọc gió… thường có giá khoảng từ 2 - 10 triệu đồng cho xe phổ thông. Giá dịch vụ tại các đại lý chính hãng thường cao hơn garage tư nhân khoảng 10 - 15% nhưng chất lượng bảo dưỡng, phụ tùng tin cậy hơn.
Theo lời khuyên của các garage, để tránh mất thời gian khi đi sửa chữa, bảo dưỡng ô tô dịp cuối năm, khách hàng nên đặt lịch trước trực tiếp với garage, tránh mất thời gian.
Ngoài ra, trong dịp sát Tết này, để tránh bị “chặt chém” khi sửa chữa, bảo dưỡng xe, khách hàng cũng nên khảo giá phụ tùng thay thế khi được báo giá. “Phụ tùng có nhiều loại, nhiều hãng cũng như giá chênh nhau rất nhiều. Giá chỗ này cũng có thể khác chỗ kia. Nhưng nếu khảo sát phụ tùng cùng loại, cùng chất lượng mà giá chênh nhau nhiều, đó cũng là vấn đề”, kỹ sư Tạch chia sẻ.
Nở rộ các dịch vụ chăm sóc xe
“
Xe ô tô cần bảo dưỡng định kỳ trong khi hầu hết chủ xe đều rất chủ quan, khi nào đi có vấn đề mới sửa hoặc chỉ bảo dưỡng dịp giáp Tết. Lúc này, chi phí cao mà lại mất thời gian. Để chiếc xe vận hành an toàn và lâu dài thì chủ xe nên tuân thủ bảo dưỡng định kỳ tại những nơi uy tín.
Kỹ sư Lê Văn Tạch
”
Tại Hà Thành Car Spa (300 Trần Điền, Hoàng Mai, Hà Nội), nhân viên tại đây cho hay gần Tết lượng khách tại đây rất đông, đến Rửa Xe cũng phải đặt lịch trước. Nếu muốn làm dịch vụ chăm sóc xe nên đặt lịch trước ít nhất 1 ngày để không phải chờ đợi. Đối với một vài dịch vụ làm đẹp cho xe như sơn la-zăng ô tô sẽ có giá dao động từ 600.000 - 800.000 đồng/bánh hay bọc da ghế toàn bộ từ 8,5 - 11 triệu đồng. Nhân viên tại đây còn cho biết hiện vào dịp cận Tết, nếu đặt lịch, đặt cọc và chuyển khoản trước sẽ được giảm giá 12% trên tổng hóa đơn làm các dịch vụ chăm sóc xe.
Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, loại hình dán đổi màu ô tô cũng rất được ưa chuộng bởi không làm ảnh hưởng đến lớp sơn nguyên bản, có thể bóc ra thay màu khác hoặc để màu sơn của xe. Trao đổi với PV, anh Long Phúc, chủ cửa hàng dán xe Long Phúc (Cao Bá Quát, Hà Nội) cho hay vào dịp gần Tết này, lượng ô tô tới dán nhiều hơn so với ngày thường. Thông thường để dán đổi màu toàn bộ xe đối với 1 chiếc xe 4 chỗ, loại giấy tốt nhất sẽ tốn khoảng từ 10 - 12 triệu đồng, còn giấy thường là từ 7 - 8 triệu đồng. Xe 7 chỗ giá sẽ cao hơn xe 4 chỗ dán giấy cùng loại từ 1 - 2 triệu đồng.
Anh Ngọc Quỳnh, Giám đốc xưởng dịch vụ của đại lý ô tô Volkswagen Long Biên cho biết: “Thời gian cuối năm lượng khách hàng mang xe đến đây để kiểm tra, bảo dưỡng tăng đột biến. Các hạng mục chủ yếu của khách dịp này phần lớn là sơn phủ xe và đánh bóng xe”.
Bên cạnh sửa chữa bảo dưỡng, dịch vụ Sơn Xe, dọn nội thất tổng thể, đánh bóng và phủ Ceramic là những hạng mục đắt khách nhất. Theo Giám đốc Việt Đức Autospa (đường Nguyễn Thị Định, Hà Nội), giá sơn xe tại trung tâm của anh thông thường khoảng 600.000 - 700.000 đồng cho một chi tiết. Chi tiết lớn hơn, tiền sơn sẽ nhiều hơn. Đắt nhất là sơn phần nắp capo, thường có giá từ 1,6 - 2 triệu đồng tùy từng loại xe. Đánh Bóng và dọn nội thất đều từ khoảng trên 2 triệu đồng. Xe càng to, chi phí càng nhiều.
Giám đốc Việt Đức Autospa khuyến cáo, do rất nhiều xe cùng đến làm dịch vụ dịp này nên có thể nhiều nơi cố ý làm qua loa, làm ẩu. Vì vậy, trước khi nhận xe, khách hàng nên kiểm tra thật kỹ các chi tiết sau khi được chăm sóc hay sơn sửa. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu thông tin, khảo giá trước khi đưa xe đến cũng rất quan trọng bởi vẫn có nơi sử dụng đồ kém chất lượng.