Bài 6: Đua nhau lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

| Thị trường
Xếp hạng 4.3 - 9 đánh giá

Lấn chiếm vỉa hè lòng đường là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội trong những năm qua trở nên phức tạp. Thực hiện "Năm trật tự, văn minh đô thị”, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, 2 năm gần đây, UBND TP

Sau các đợt ra quân đâu lại vào đấy

Còn nhớ năm 2014, năm đầu tiên thực hiện chương trình số 01/CT-UBND về “Năm trật tự và văn minh đô thị”, cùng với việc xóa bỏ quảng cáo rao vặt, câu chuyện chấn chỉnh trật tự vỉa hè lòng đường là vấn đề “nóng” nhất. Khi ấy, bên cạnh việc tăng cường dẹp bỏ các bãi trông xe, quán hàng rong, các biển quảng cáo lấn kinh doanh thì nhiều sáng kiến cách làm để vỉa hè đẹp, thông thoáng cũng đã được các đơn vị chức năng nghiên cứu, thí điểm. Điển hình khi đó là "vỉa hè vàng" của UBND quận Hai Bà Trưng. Quyết tâm không chỉ trả lại vỉa hè cho người dân mà vỉa hè còn phải đẹp, các lực lượng cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông của quận Hai Bà Trưng đã phối hợp với các phường Lê Đại Hành, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm đồng loạt triển khai sắp xếp phương tiện cá nhân của người dân trên 4 tuyến phố: Bà Triệu, Nguyễn Du, Lê Văn Hưu và Trần Nhân Tông. Theo đó, xe đạp, xe máy sẽ áp dụng thống nhất để quay đầu vào trong, cách tường 20cm, nằm trong vạch sơn màu vàng cách tường 2m. Cùng với việc sắp xếp xe, lực lượng chức năng đã lồng ghép các nội dung không lấn chiếm hè phố, lòng đường để kinh doanh; không để hàng rong hoạt động; không xây bục bệ, cầu dẫn, không lắp đặt mái che, mái vẩy trái quy định, chấp hành nghiêm túc trật tự, vệ sinh môi trường. “Vỉa hè dành cho người đi bộ” không chỉ là khẩu hiệu nữa mà hiện hữu rõ nét trên mấy trục phố chính ở quận Hai Bà Trưng.

Bài 6: Đua nhau lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Quán cà phê lấn chiếm vỉa hè lòng đường làm nơi kinh doanh, để xe trên phố Phạm Sư Mạnh,

Sau 2 năm, quay lại những tuyến phố nói trên, hầu hết “vỉa hè vàng” giờ đây hầu như đã bị... chiếm dụng. Trên những tuyến phố này tình trạng trông xe, buôn bán trái phép lại tiếp tục nhộn nhịp.

Điển hình cho tình trạng trên là tại khu vực phố Bà Triệu. Ban ngày, hàng loạt cửa hàng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè làm chỗ để xe. Các bãi trông xe trước cửa Bệnh viện Mắt Trung ương, trước cổng Chợ Hôm vẫn ngang nhiên hoạt động gần như chiếm toàn bộ không gian của người đi bộ. Mỗi tối, các cửa hàng cà phê, hàng ăn hô biến vỉa hè thành không gian của quán với ngổn ngang bàn ghế và tấp nập khách ra vào.

Ráo riết, "đánh chống khua chiêng" rồi đâu lại vào đấy. Có những đoạn đường, con phố giữa lòng Thủ đô thì suốt 3 năm qua vẫn chưa một ngày gọn gàng dù thành phố chỉ đạo rất quyết liệt. Tại khu vực phố Ngô Quyền và phố Hai Bà Trưng đoạn giao cắt phố Phan Chu Trinh, các cửa hàng cà phê không chỉ lấn chiếm vỉa hè bày bàn ghế phục vụ khách mà “chiếm dụng” luôn cả lòng đường làm điểm đỗ xe cho khách. Tuyến đường Nguyễn Khắc Cần, Phạm Sư Mạnh hàng loạt hàng quán từ buôn bán tạp hóa đến quán ăn, quán cà phê vô tư lấn chiếm vỉa hè. Thậm chí, lòng đường tại khu vực này cũng bị chiếm dụng làm nơi để xe của khách hàng. Điển hình nhất là khu vực ngõ Tràng Tiền, vào giờ ăn trưa, các hàng quán đua nhau bày la liệt bàn ghế xuống lòng đường, biến con ngõ nhỏ giữa trung tâm thành phố vốn tấp nập khách du lịch trở thành nơi nấu ăn và để xe của thực khách.

Bị chiếm dụng một cách "thô bạo" nhất phải kể đến vỉa hè bao quanh các bệnh viện (BV) như BV Bạch Mai, BV Đa khoa Xanh - Pôn, BV Quân y 108, BV Hữu Nghị Việt - Xô, BV Việt - Đức, BV Phụ sản Trung ương, BV K... Từ sáng sớm đến đêm khuya, vỉa hè ở những khu vực này là địa điểm lý tưởng để cánh taxi, xe ôm, hàng rong và cả người nhà bệnh nhân chiếm trọn và hoạt động hết công suất. Tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt của người dân ngay trên vỉa hè phố Hai Bà Trưng (đoạn trước cổng bệnh viện K) vào buổi trưa mới thấy hết sự lộn xộn, ồn ào, mất an ninh trật tự ở đây. 

Trong khu vực trung tâm là vậy, tại các quận khác, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cũng diễn ra phổ biến. Từ nhiều năm nay, cứ mỗi sáng sớm đến tối muộn, hàng rong lại ra quân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên phố Nguyễn Quý Đức (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) gây bức xúc cho nhiều người dân sinh sống quanh đây. “Nhan nhản” những hàng thịt nướng rong, hàng hoa, những hàng ăn bày ghế ngay trên vỉa hè lấn chiếm lối đi của người đi bộ. Khách ghé vào ăn quà thì xe dựng tràn lan xuống đường. Cũng tại tuyến phố này, từ 19h, các hàng quần áo cũ, giày dép cũ cũng tràn ra vỉa hè lấn chiếm lối đi của người đi bộ khiến con phố vô cùng nhếch nhác.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Không thể phủ nhận những nỗ lực, cố gắng của thành phố trong thời gian qua khi nhiều lần trực tiếp ra quân, tập trung lực lượng chuyên trách tới các “điểm nóng” lấn chiếm để giải quyết. 

Trên thực tế, một số phường hàng ngày vẫn ra quân tuần tra, kiểm tra các tụ điểm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhưng chưa thực sự quyết liệt, thậm chí chỉ kiểm tra qua loa.

Trong quá trình tiếp xúc với các đại diện cán bộ quản lý địa bàn một số phường, PV đã nhận được khá nhiều lời “than thở” khi họ kêu khó do lực lượng còn mỏng. Thực tế, nhìn vào số lượng cán bộ phụ trách hay kiêm nhiệm vấn đề đô thị hiện nay ở các phường thì rõ ràng là lực lượng còn quá mỏng, sẽ rất khó để kiểm soát tình hình trên địa bàn. Mặt khác, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành còn thiếu chặt chẽ. Đây là những khó khăn lớn, ảnh hưởng đến việc giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Có một thực tế đáng buồn nữa, đó là việc nhiều địa bàn, chính quyền đưa đẩy trách nhiệm trong việc xử lý dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”. 

Rõ ràng, cần một sự sự phối kết hợp của các lực lượng trong vấn đề này, từ kiên quyết dẹp bỏ tình trạng lấn chiếm đến việc hậu dẹp bỏ là tuần tra thường xuyên, kiểm tra liên tục, xử phạt thật nặng những trường hợp tái vi phạm và có thể không cho kinh doanh với những trường hợp cố tình lấn chiếm, qua mặt cơ quan chức năng. Có như vậy, vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán mới có thể loại bỏ được.

Đại biểu Quốc hội  Nguyễn Thị Khá từng đưa quan điểm: Bất cứ việc gì cũng cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Phải có một người chịu trách nhiệm rõ ràng về một vấn đề nếu để xảy ra sự cố hoặc có phát sinh sai phạm ở vấn đề mà mình phụ trách, tránh việc đá bóng trách nhiệm sẽ rất khó giải quyết dứt điểm vấn đề. Kể cả việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cũng cần quy trách nhiệm cụ thể. Rõ ràng, việc ngang nhiên chiếm dụng đất công làm sở hữu riêng là việc làm vi phạm pháp luật. Nếu xử lý không triệt để thì trách nhiệm thuộc về chính quyền và cơ quan chức năng phụ trách địa bàn đó.

Theo Tú Linh (TTTĐ)

SourceXeHay